Hành vi "găm" hàng tại các cây xăng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

16:18 | 11/10/2022
(LĐTĐ) Những ngày qua, nhiều địa phương tại khu vực phía Nam xuất hiện tình trạng nhiều cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tạm ngưng hoạt động, nhiều người dân đặt câu hỏi “có hay không việc cố tình “găm” hàng chờ tăng giá?". Hành vi "găm" hàng tại các cây xăng nhằm trục lợi sẽ bị xử lý thế nào?
Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường hỗ trợ, cung ứng xăng, dầu cho các địa phương có hiện tượng thiếu cục bộ

Tình trạng nhiều cửa hàng bán lẻ xăng, dầu khu vực phía Nam tạm ngưng hoạt động đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước tình hình đó, mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo khẩn Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu.

Lực lượng chức năng tập trung việc giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đang hoạt động trên địa bàn. Theo đó, đối với các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tạm ngưng hoạt động tiến hành chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hành vi "găm" hàng tại các cây xăng là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu có đủ căn cứ cho rằng các cửa hàng xăng, dầu tại các tỉnh phía Nam cố tình ngưng bán hàng đợi tăng giá thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 31 Nghị định này quy định mức phạt tiền thấp nhất là 5 - 10 triệu đồng và cao nhất là 80 - 100 triệu đồng về hành vi đầu cơ hàng hoá. Bên cạnh đó, tổ chức cá nhân vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6 - 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; Đình chỉ hoạt động kinh doanh…

Theo luật sư Long, trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì sẽ bị phạt tiền thấp nhất từ 30-300 triệu, cao nhất là 1,5 - 5 tỉ đồng, đồng thời bị phạt tù từ 6 tháng - 15 năm. Pháp nhân thương mại sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu - 9 tỉ đồng.

Để giải quyết triệt để tình trạng trên, cơ quan chức năng cần thực hiện đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu đang đóng cửa, tạm ngừng bán hàng nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình găm hàng chờ tăng giá nhằm trục lợi để làm gương, tránh tái diễn.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này