Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương:

Khơi thông sức mạnh nội sinh để thúc đẩy kinh tế tập thể

15:46 | 11/10/2022
(LĐTĐ) Ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, trong đó khẳng định: Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tập thể Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể

Kỳ 1:

Kinh tế tập thể nhìn từ thành phố Hà Nội

Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT) của Hà Nội tiếp tục phát triển, nhiều hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất; năng suất và hiệu quả được nâng lên.

Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế tập thể
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5. (Ảnh: VGP)

Tạo động lực cho HTX phát triển

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Minh Hải, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX Thành phố Hà Nội cho biết, KTTT, HTX đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của thành phố, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Trong đó, số lượng HTX, liên hiệp HTX tiếp tục tăng lên, hiện Hà Nội có số lượng HTX dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%). Hiệu quả hoạt động của HTX ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh đa dạng hơn.

Những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của Thành phố.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Hà Nội hiện có 1.342 HTX nông nghiệp, trong đó có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 50 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 180 sản phẩm của 53 HTX được Thành phố công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Nhiều HTX đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều. Các hợp tác xã đã quan tâm tới các hoạt động liên kết thông qua việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý điều hành, xúc tiến thương mại; tham gia hội chợ, hội nghị giao thương. Nhiều HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là liên kết trong tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường.

Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế tập thể
Đoàn đại biểu nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và Liên minh HTX Việt Nam tham quan xưởng sơ chế của HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Bắc Hồng. (Ảnh: Lê Huy)

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng xây dựng chuỗi sản xuất nông sản an toàn, các HTX nông nghiệp của Hà Nội đã và đang đóng góp rất lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản Thủ đô.

Một trong những mô hình nổi bật có thể nhắc đến là HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội). Nói về quá trình phát triển của HTX, ông Nguyễn Tuấn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Bắc Hồng cho biết: HTX được thành lập vào tháng 10/2002 với số thành viên ban đầu là 9 thành viên. Qua quá trình phát triển và các kỳ đại hội HTX có 27 thành viên. Tháng 6/2016, HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012 kiện toàn lại với 25 thành viên đại diện hộ cho hơn 60 thành viên số vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Vốn lưu động kinh doanh là hơn 10 tỷ đồng.

Những ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 3 ô tô, nhà xưởng sơ chế 60m2 còn sơ sài. Đến nay tổng số xe ô tô là 20 chiếc, 10 xe máy, kho sơ chế đạt chuẩn 1000m2. Doanh thu HTX tăng đều từ 20-25%/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX luôn phát triển mở rộng tại các tỉnh thành phía Bắc. Hàng năm, HTX tạo công ăn việc làm cho 50-70 lao động thường xuyên và thời vụ với mức lương trung bình 6,5-7 triệu đồng/người/tháng.

Một mô hình tiêu biểu khác là HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà ở xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội). Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ: HTX đã xây dựng khu sản xuất rau công nghệ cao với diện tích 1,15 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường 300 kg rau/ngày, 100% sản phẩm đều được dán mã QR code, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Để phát huy vai trò của các HTX, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ về sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tạo động lực cho các địa phương xây dựng nông thôn mới.

Ngày càng nhiều những nông dân hiện đại

Cách đây hơn chục năm, trên diện tích hơn 6,8 ha tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), anh Nguyễn Đăng Quý và chị Đặng Thị Cuối đã quyết định đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thành lập HTX sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý. Đến nay HTX đã đi vào ổn định và đã thấy rõ được hiệu quả khi sản phẩm rau hữu cơ đảm bảo chất lượng an toàn tuyệt đối với sức khỏe người tiêu dùng và được nhiều người tìm đến mua về sử dụng.

Chia sẻ với phóng viên, chị Đặng Thị Cuối cho hay, việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tuy đầu tư ban đầu khá lớn nhưng mang lại những lợi ích lâu dài khi chỉ phải đầu tư bài bản một lần. Đồng thời, tránh được những tác hại của thời tiết cũng như không phải sử dụng thuốc hóa học trong quá trình canh tác do được trồng trong hệ thống nhà lưới, tránh được sâu bệnh gây hại. Hiện nay, các sản phẩm rau hữu cơ của trang trại được người tiêu dùng xung quanh tìm đến thu mua và tiêu thụ ổn định qua các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện và trên địa bàn Thành phố qua hệ thống chuỗi cung ứng rau thịt của Thành phố và qua hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể.

Sản lượng hằng năm đạt từ 50 đến 80 tấn rau - củ - quả các loại, doanh thu trung bình một năm đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng. Nhờ mô hình của HTX nên đã hỗ trợ tạo công việc cho hàng chục lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định. Nhiều sản phẩm của HTX đã được thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Ngoài ra, HTX đã chủ động lập thông tin nguồn gốc sản phẩm, sử dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khen thưởng là một trong số 125 mô hình sản xuất nông nghiệp toàn quốc năm 2017.

Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế tập thể
HTX sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý là một trong 4 mô hình ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu trên địa bàn huyện Đan Phượng. (Ảnh: T.T)

Bên cạnh đó, chị Cuối còn tích cực phối hợp với Hội Nông dân huyện hướng dẫn, phổ biến kiến thức kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hàng trăm lao động gồm các hộ trong xã và ngoài địa phương đến tham quan học tập, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho một số hộ ở các tỉnh có nhu cầu sản xuất rau hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết, hiện nay, diện tích trồng rau trong nhà kính, gia đình anh chị Cuối Quý còn đầu tư phát triển mô hình măng tây xanh, trồng đu đủ và các loại cây ăn quả khác, không chỉ tạo thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu/người/tháng.

Với những kết quả đạt được, góp phần làm giàu cho quê hương và hỗ trợ phát triển kinh tế cho bà con nông dân, chị Đặng Thị Cuối đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen năm 2017; Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2018; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2019; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen năm 2020. Chị còn là đại biểu điển hình dự Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” toàn quốc. Đạt danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2020. Đặc biệt, trong năm 2022, chị Cuối được thành phố Hà Nội vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Với những thành tích đã đạt được, chị Cuối rất xúc động và không dấu được niềm tự hào vì những nỗ lực, miệt mài trong bao năm qua nay đã ra trái ngọt. Mô hình của chị ngày càng được nhiều người biết đến và nhờ vậy, chị có thêm cơ hội để lan tỏa, sẻ chia “bí quyết làm giàu”, “dám nghĩ dám làm” và hỗ trợ, ủng hộ bà con nông dân. Được vun đắp, xây dựng và phát triển trên chính quê hương, mảnh đất của mình chính là niềm vui và hạnh phúc nhất của người làm nông… Dù đến nay những sản phẩm từ mô hình đã được người tiêu dùng công nhận và tin tưởng, nhưng chị Cuối vẫn sẽ không ngừng tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và phấn đấu sẽ có nhiều sản phẩm hơn nữa đạt chuẩn OCOP.

Hiện nay, mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao của anh chị Cuối Quý tại xã Đan Phượng là một trong 4 mô hình ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu trên địa bàn huyện Đan Phượng. Năng động, nhạy bén với thị trường, cùng chủ trương chính sách khuyến khích phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội và của huyện Đan Phượng đang dần hình thành nên những con người nông dân hiện đại, nắm bắt nhanh với những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào mô hình sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình cũng như hỗ trợ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Về mục tiêu thời gian tới, thành phố tiếp tục thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với “chuỗi” giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2030, thành phố vận động, hướng dẫn thành lập mới khoảng 100 tổ hợp tác, 100 hợp tác xã mỗi năm, nâng tổng số hợp tác xã đến năm 2025 khoảng 2.500 hợp tác xã, đến năm 2030 là gần 3.000 hợp tác xã, trong đó phấn đấu ít nhất 80% hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá, doanh thu bình quân là 3,5 tỷ đồng/hợp tác xã; thu nhập bình quân của người lao động 5-7 triệu đồng/người/tháng.

(Kỳ 2: Gỡ “điểm nghẽn” để phát triển kinh tế tập thể)

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này