Để doanh nghiệp tiến nhanh về phía trước

10:23 | 06/10/2022
(LĐTĐ) Doanh nghiệp là chủ thể cạnh tranh của nền kinh tế. Thành hay bại của nền kinh tế cộng đồng doanh nghiệp đóng góp phần đặc biệt quan trọng. Do đó, việc các cơ quan hoạch định chính sách tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách để điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh tốt nhất trong một thế giới đầy biến động là chủ đề mà phóng viên báo LĐTĐ trò chuyện với ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM, Chủ tịch Danh dự Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình nhân dịp giới doanh nhân cả nước đang hướng tới kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Chỉ thị của Thủ tướng về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát Kiến nghị tiếp tục triển khai Nghị quyết 54 thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM Tọa đàm về Nghị quyết 128/NQ-CP: “Chìa khóa” hóa giải khó khăn, phục hồi kinh tế

Doanh nhân Lê Viết Hải.
Doanh nhân Lê Viết Hải.

PV: Bên cạnh cơ chế, chính sách hiện tại, trước hết với tư cách doanh nhân, ông thấy chúng ta cần tiếp tục có những thay đổi gì về chính sách để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển?

Ông Lê Viết Hải: Cách đây 18 năm, giới Doanh nhân trong nước bắt đầu có ngày riêng của mình đó là ngày 13/10. Từ ngày đó chúng tôi có thêm nguồn động viên đầy khích lệ để tiếp tục những nỗ lực đóng góp mạnh mẽ hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Quốc gia có hưng thịnh là bởi nền kinh tế hùng mạnh và đóng góp quan trọng vào tiến trình này không ai khác chính là lực lượng doanh nhân.

Trong thời gian qua, dù Đảng và Nhà nước đã thực thi rất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều chính sách chưa thực sự “cởi trói”, chưa tạo được sức bật tốt nhất cho doanh nghiệp. Cụ thể, nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp ngành xây dựng và bất động sản. Nhiều hồ sơ của doanh nghiệp thực hiện thủ tục thẩm định dự án và cấp giấy phép bị trả đi - trả về, đất để không, dự án dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng không thể đưa vào sử dụng gây nhiều lãng phí. Nhà đầu tư bị thiệt hại thậm chí bị thua lỗ, phá sản do không gánh nổi chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp từ năm này qua năm khác. Lẽ ra, dự án nào được cấp phép hay không, cần bổ sung hồ sơ gì, cần tiến hành thêm thủ tục gì mọi hướng dẫn của cơ quan chức năng nên rõ ràng, đầy đủ và trả lời rất dứt khoát, nhanh chóng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tránh gây lãng phí các nguồn lực cho xã hội.

Mặt khác, Nhà nước cần mạnh mẽ áp dụng công nghệ 4.0 trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm đảm bảo năng suất cao, đảm bảo sự công bằng, công tâm, vô tư, vô lợi…Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá mà cũng là cơ hội quý báu để nhà nước Việt Nam bứt phá, thể chế của chúng ta bứt phá nếu chúng ta áp dụng triệt để 4.0 vào tất cả các ngóc ngách của bộ máy quản lý nhà nước từ vấn đề quản lý nhân sự cho đến quản lý tài nguyên, từ nông thôn cho đến thành thị, từ kinh tế cho đến văn hoá xã hội…

Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và am hiểu công nghệ, đang đi làm gia công phần mềm (outsourcing) cho nhiều nước phát triển trên thế giới. Nếu Nhà nước tìm cách huy động lực lượng này để viết ra các giải pháp công nghệ cho phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể giải được bài toán hiệu quả cao và sự công tâm trong việc quản lý mọi hoạt động của nhà nước. Mọi thông tin đều được số hóa và sau đó là phân tích dữ liệu, đối chiếu quy định, luật lệ sao cho phù hợp yêu cầu nghiệp vụ của từng loại công tác. Như vậy sẽ đảm bảo việc xử lý hồ sơ sẽ cực kỳ nhanh chóng.

Chính việc nâng được hiệu quả công việc và giảm nhân sự xử lý công việc do ứng dụng Công nghệ sẽ là giải pháp căn cơ để tăng tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Nhà nước. Và khi đó, Nhà nước cũng sẽ dễ dàng thu hút nhân tài trong bộ máy của mình để giải quyết những vấn đề đòi hỏi sự sáng tạo của bộ não con người.

PV: Riêng về thị trường xây dựng bên cạnh lợi thế nhà nước đang thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng trọng điểm thì có bất lợi về sự chững lại của thị trường bất động sản. Là một doanh nghiệp xây dựng làm chủ thầu của nhiều dự án lớn theo ông giai đoạn hiện nay nói riêng về ngành xây dựng đang có những cơ hội nào?

Ông Lê Viết Hải: Thị trường xây dựng Việt Nam dù mất đà tăng trưởng do đại dịch, nhưng vẫn là một điểm sáng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Theo nhận định của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam, năm 2021, thị trường Xây dựng Việt Nam được định giá khoảng 60 tỷ USD và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027.

Hiện nay, doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã rất trưởng thành, hoàn toàn làm chủ công nghệ xây dựng nhà cao tầng và đã thay thế nhà thầu quốc tế ở thị trường trong nước trong khi ở các nước Đông Nam Á khác thì họ vẫn còn lệ thuộc khá nhiều vào nhà thầu nước ngoài.

Để doanh nghiệp tiến nhanh về phía trước
Thị trường bất động sản và xây dựng tại Việt Nam đang có nhiều dư địa phát triển.

Đồng thời, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới về xuất khẩu. Như xi măng Việt Nam đang dẫn đầu thế giới với giá trị xuất khẩu khoảng 2,1 tỷ USD, vượt xa so với vị trí thứ 2 là Thổ Nhĩ Kỳ (1,4 tỷ USD). Việt Nam cũng đứng thứ tư trong số Top 5 quốc gia sản xuất gạch men hàng đầu trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, với mức tăng trưởng ngoạn mục, từ chỉ 360 triệu mét vuông vào năm 2014, đã đạt mức 560 triệu mét vuông vào năm 2019. Xuất khẩu đồ gỗ nội thất Việt Nam cũng đạt vị trí thứ 2 thế giới. Năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý và chỉ đứng sau Trung Quốc trong tốp các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Riêng xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ thì Việt Nam đang dẫn đầu. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022, ước đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Việt Nam đang có lượng kỹ sư xây dựng lên đến 9.000 trên một triệu dân trong khi mức trung bình của thế giới là 3.000. Trong những năm gần đây trong khi nhiều nước phát triển trên thế giới đang thiếu rất trầm trọng kỹ sư xây dựng thì chúng ta đang có dấu hiệu khủng hoảng thừa khi hầu hết 67 trường đại học có ngành xây dựng đều không đạt được chỉ tiêu tuyển sinh về cả số lượng lẫn chất lượng.

Tôi xin dẫn nhiều số liệu để thấy rõ chúng ta đang có những điều kiện cần và đủ mang tính trọng yếu để Việt Nam xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài. Nhưng việc bán hàng hoá và sức lao động trong xây dựng ra nước ngoài hiện đang dừng lại ở mức xuất khẩu thô những sản phẩm đơn lẻ. Nếu chúng ta kết hợp với việc đưa dịch vụ tổng thầu xây dựng ra thế giới thì việc xuất khẩu trên sẽ trở thành bán sản phẩm tinh chế đó là những công trình xây dựng hoàn chỉnh, sản phẩm này sẽ có giá trị gia tăng rất cao, giàu hàm lượng chất xám. Theo đó vật liệu xây dựng, đồ gỗ nội thất và nguồn nhân lực sẽ được xuất khẩu mạnh mẽ hơn cùng với công trình xây dựng mà doanh nghiệp Việt Nam làm tổng thầu.

Theo McKinsey quy mô ngành xây dựng trên thế giới năm 2021 là 13.500 tỷ USD và dự báo là 20.000 tỷ Đô la vào năm 2030 và lên khoảng 40.000 tỷ USD vào năm 2045. Nếu được đầu tư thích đáng giá trị xuất khẩu của công nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm được khoảng 0,3% tổng sản lượng xây dựng trên thế giới sau một thập niên nghĩa là đạt xấp xỉ 60 USD tỷ USD tức khoảng 16% GDP của Việt Nam hiện nay (368 tỷ USD). Mục tiêu xa hơn là vào năm 2045 tổng giá trị sản lượng ngành xây dựng vào khoảng 1,25% của thế giớ tương đương 500 tỷ USD tức khoảng 20 % GDP của Việt Nam (năm 2045 GDP VN dự kiến đạt 2.500 tỷ USD).

Để doanh nghiệp tiến nhanh về phía trước
Việt Nam đang có nhiều lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài.

PV: Vậy với xây dựng, một lĩnh vực phát triển chưa từng có trong giai đoạn hiện nay, ông có kiến nghị gì để đưa những doanh nhân ngành Xây dựng Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người” thành công?

Ông Lê Viết Hải: Thứ nhất, cần gấp rút xây dựng chiến lược đưa ngành xây dựng ra thế giới với việc tham gia của nhiều bộ ngành có liên quan như: Bộ ngoại giao, Bộ xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ để giải quyết các vấn đề cung cấp thông tin, kết nối thị trường, vấn đề hợp chuẩn quốc tế, kỹ thuật công nghệ, vấn đề vốn đầu tư, thủ tục chuyển ngân, xuất khẩu lao động, hàng hóa và dịch vụ,… nói chung là nâng cao năng lực cạnh tranh cho nhà thầu Việt Nam ở thị trường quốc tế.

Thành công trong chiến lược xuất khẩu công nghiệp xây dựng sẽ giúp tăng nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia, nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ cho ngành xây dựng, củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…và rất nhiều lợi ích khác cho người lao dộng, cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái xây dựng, cho sự phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội của Việt Nam và thế giới. Hãy thử hình dung về một thế giới ngày mai, trên khắp 5 châu, có những toà nhà chọc trời đẹp lung linh được dựng lên bởi bàn tay, khối óc & trái tim của người Việt. Đó là điều tự hào! Ngành Xây dựng qua đó sẽ đóng góp không nhỏ cho việc nâng thứ hạng uy tín của quốc gia.

Thứ hai là nâng cao năng lực của doanh nghiệp xây dựng Việt Nam thông qua việc có quy định chặt chẽ về phương thức nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước khi dự thầu các dự án đầu tư công, việc phân chia các gói thầu, việc giao các gói thầu cho thầu phụ. Cụ thể nhà thầu nước ngoài buộc phải liên danh với nhà thầu trong nước với tỉ lệ thích hợp; nhà thầu nước ngoài không được phép tuỳ ý phân chia quá nhỏ các gói thầu và cũng không được tuỳ ý giao các gói thầu trực tiếp cho các nhà thầu phụ nước ngoài khác mà chỉ được giao cho các nhà thầu phụ trong nước. Như vậy nhà nước sẽ kiếm soát tốt hơn chi phí đầu tư xây dựng, tránh chuyển giá và quan trọng là giúp nhà thầu nội nhận chuyển giao công nghệ để có thể làm tổng thầu các dự án tương tự về sau. Từ đó nhất định nhà nước sẽ giảm được suất đầu tư trong tương lai.

PV: Vậy ông có thể bật mý hoài bão của mình trong việc đưa thương hiệu dịch vụ xây dựng Việt Nam ra thế giới?

Ông Lê Viết Hải: Chúng tôi đi tiên phong và không giấu tham vọng về kế hoạch xuất khẩu dịch vụ tổng thầu và trở thành nhà thầu hàng đầu trên thị trường quốc tế về xây dựng nhà ở. Hiện nay với ngành xây dựng, giới hạn tăng trưởng ở thị trường nội địa đã đến ngưỡng so với quy mô của Hòa Bình. Cụ thể, năm 2008, công ty có doanh thu 700 tỉ đồng thì đến 2013 tăng lên 3.500 tỉ đồng. Con số này tiếp tục nhảy vọt theo chu kỳ 5 năm, lập đỉnh hơn 18.000 tỉ đồng vào năm 2018. Tuy nhiên, mạch tăng trưởng sau đó bị đứt, thể hiện qua việc doanh thu năm ngoái chỉ còn 11.350 tỉ đồng và lợi nhuận chưa đến 100 tỉ đồng. Chúng tôi thật sự như con cá voi ở trong ao hồ trong một vùng nước cạn và quá chật chội, đã đến lúc phải ra biển lớn để tung hoành và tăng trưởng. Thị trường mục tiêu của chúng tôi là các nước phát triển và rộng lớn như Canada, Mỹ, Úc và Châu Âu.

Bỏ qua những khó khăn hiện tại của nền kinh tế và bất động sản thì nếu nhìn ra toàn cầu ngành xây dựng Việt Nam đang có 3 lợi thế trọng yếu mang tính chiến lược bao gồm: Thứ nhất là sự trưởng thành trong vai trò tổng thầu của doanh nghiệp xây dựng, thứ hai là sự dồi dào về nguồn nhân lực chuyên môn và thứ ba là tính cạnh tranh rất cao của chuỗi cung ứng nguyên vật liệu xây dựng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đình Dân (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này