Tăng trách nhiệm để phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh

10:46 | 05/10/2022
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, một số trường hợp trái phiếu đáo hạn nhưng doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi khiến dư luận lo ngại về nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, khung pháp lý đối với những tình huống này chưa được quy định chi tiết.
Cần xem trái phiếu doanh nghiệp là “máu” của nền kinh tế thị trường Thắt chặt thị trường trái phiếu vì nền tài chính lành mạnh Nghị định mới khai thông thị trường trái phiếu

Theo Bộ Tài chính, trong nhiều năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước phát triển theo đúng định hướng, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, bình quân khoảng 467.000 tỷ đồng/năm.

Riêng năm 2021, từ khi triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, mặc dù có giảm trong các tháng đầu sau khi áp dụng quy định mới nhưng thị trường nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, với khối lượng phát hành đạt kỷ lục 637 ngàn tỷ đồng, đưa quy mô thị trường xấp xỉ 15% GDP.

Đi kèm với con số ấn tượng nêu trên, thị trường cũng tồn tại nhiều hiện tượng thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật. Do đó, ngày 16/9, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65).

Tăng trách nhiệm để phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh
Đối thoại “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65”.

Tại buổi đối thoại “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65”, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc Fiin Ratings chia sẻ: Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ hiện nay khoảng 1,5 đến 1,6 triệu tỷ đồng thì chúng ta cũng không nên bất ngờ nếu có khoảng 1%, thậm chí 3% số doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc; tức là khoảng 30 đến 50 nghìn tỷ.

Thị trường mong đợi cơ quan quản lý sớm đưa ra những quy định chi tiết về vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Khi nào nhà phát hành bị coi là vỡ nợ? Nhà phát hành có thể chậm thanh toán gốc - lãi trái phiếu trong bao lâu? Quy định về các thứ tự ưu tiên thanh toán cho các trái chủ khi doanh nghiệp phá sản? Cùng với đó là các tiêu chí phân hạng chất lượng tín dụng của trái phiếu, tương tự như hệ thống ngân hàng phân loại nợ xấu thành 5 nhóm.

Ông Nguyễn Quang Thuân cũng so sánh, chẳng hạn khi doanh nghiệp vay ngân hàng thì nợ quá hạn trên 90 ngày mới bị coi là nợ xấu. Vậy thì đối với vỡ nợ trái phiếu cũng phải có những quy định cụ thể.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, đến cuối tháng 9/2022, áp lực đáo hạn trái phiếu riêng lẻ đã giảm 50%. Lý do là trước khi Nghị định 65 được ban hành, nhiều định chế tài chính đã đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp dàn xếp tuỳ tình huống, từ đó giãn nợ, tái cấu trúc… Điều này được thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn trong thời gian qua.

Trước đó, tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và trách nhiệm”, tiến sĩ Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đặt câu hỏi: Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Vậy, ở Việt Nam đã có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa? Những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng.

“Tôi cho rằng, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì chúng ta cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có các định chế xếp hạng "sức khỏe" của doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình", ông Trương Văn Phước nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu xử lý những trường hợp doanh nghiệp sắp tới đáo hạn không trả được tiền cho nhà đầu tư và cần có cơ chế xử lý, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này