Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy (4/10): Phòng “giặc lửa” bắt đầu từ ý thức

09:50 | 04/10/2022
(LĐTĐ) Để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy, nổ và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, hậu quả xảy ra đối với những vụ cháy, nổ có thể xảy ra trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Nhiều phương tiện phải có văn bản thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy Xây dựng mô hình khu dân cư an toàn về phòng cháy và chữa cháy

Chủ động công tác phòng ngừa

Luật PCCC&CNCH quy định rất cụ thể, trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm công dân, vì thế phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa hỏa hoạn phải xuất phát từ mỗi con người cụ thể.Chính vì thế, phương châm “người chữa cháy hiệu quả nhất là người phát hiện cháy sớm nhất” luôn phải đặt lên hàng đầu. Tức là, khi phát hiện vụ cháy thì việc sử dụng phương tiện tại chỗ để dập lửa luôn mang lại kết quả tối ưu.

Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy (4/10): Phòng “giặc lửa” bắt đầu từ ý thức
Diễn tập PCCC&CNCH tại huyện Thạch Thất.

Tại Lễ phát động Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy diễn ra ở huyện Thạch Thất mới đây, Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, trong công tác phòng ngừa hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH bao giờ cũng duy trì và tuân thủ phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Lực lượng chữa cháy cơ sở, mô hình phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư là những cánh tay nối dài, hiệu quả, để lan tỏa trách nhiệm phòng ngừa hỏa hoạn. Khi người dân nâng cao ý thức, tự trang bị phương tiện và luôn coi hỏa hoạn là hiểm họa khôn lường thì sẽ hạn chế được số vụ cháy, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản.

Nhiều năm trước, người dân làng nghề gỗ trong xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, xót xa khi nhìn nhiều nhà xưởng bị hỏa hoạn thiêu rụi.Trong khi đó, ngõ nhỏ, dân đông, chính vì vậy khi xảy ra cháy xe cứu hỏa rất khó để tiếp cận. Xuất phát từ tình hình thực tế này, nhiều hộ dân đề xuất ý tưởng thành lập đội chữa cháy cơ sở và tự đóng góp tiền xây bể chứa nước phòng cháy, thiết lập hệ thống ống dẫn nước chữa cháy đến từng ngõ.

Còn Thượng tá Trần Khải Hoàn - Trưởng Công an huyện Thạch Thất cho biết, Ban Chỉ huy Công an huyện Thạch Thất phối hợp với cư dân địa phương cùng nghiên cứu và cho ra mắt xe ba gác chữa cháy lưu động cho các làng nghề đặc thù của địa bàn. Điểm đặc biệt của chiếc xe này là có khả năng len lỏi trong các ngõ nhỏ làng nghề, bảo đảm tiếp cận đám cháy nhanh nhất theo phương châm phòng cháy, chữa cháy “4 tại chỗ”... Chiếc xe trang bị nhiều công năng nên phát huy tối đa hiệu quả chữa cháy ban đầu.

Với mục tiêu là mọi người, mọi nhà đều biết, ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ, tai nạn và có thể tham gia phục vụ PCCC&CNCH cho chính mình, gia đình và cộng đồng, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức thành lập và ra mắt 2 mô hình “Nhà tôi có lối thoát nạn thứ 2” và “Nhà tôi tự trang bị phương tiện PCCC&CNCH”. Đơn cử như tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, từ tháng 6/2022, phường đã xây dựng, duy trì 2 mô hình trong khu dân cư, tổ dân phố nhất là ở những khu vực xe chữa cháy không vào được trên địa bàn phường là việc làm cần thiết để chủ động chữa cháy và thoát nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Trung Văn Nguyễn Đắc Long cho biết, từ khi thành lập 2 mô hình, các hoạt động triển khai thực hiện phong trào phòng cháy, chữa cháy được tiến hành thường xuyên, liên tục sâu rộng tại cơ sở, địa bàn tổ dân phố với nội dung và hình thức thiết thực, xây dựng mô hình tuyên truyền, vận động hiệu quả, không hình thức, mang tính lan toả mạnh mẽ trong người dân. Song song với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong phong trào “Nhà tôi có lối thoát nạn thứ 2” và “Nhà tôi tự trang bị phương tiện PCCC&CNCH” trên toàn bộ 21 tổ dân phố, phường Trung Văn cũng thành lập 4 Tổ xung kích gồm 42 thành viên, phục vụ công tác PCCC&CNCH trên địa bàn phường.

Tổ xung kích là lực lượng nòng cốt phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể của phường, là lực lượng tiên phong trong công tác PCCC&CNCH tại địa bàn tổ dân phố trong việc tuyên truyền, vận động cá nhân, tập thể nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH. Các Tổ xung kích duy trì thường trực tại địa điểm được phân công. Bảo đảm khi có cháy, nổ xảy ra kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng và cùng các hộ gia đình vào cuộc trong việc triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu. Sẵn sàng xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra trên địa bàn phường.

Ngăn chặn hỏa hoạn từ ý thức

Hỏa hoạn luôn tiềm ẩn và rình rập ở mọi nơi, mọi lúc. Những người lính cứu hỏa mặc dù đã ứng trực 24/24h, nhưng không thể lường trước được nếu như ý thức tự phòng ngừa của người dân còn chủ quan, lơ là. “Giặc lửa” là kẻ thù giấu mặt không ai nhìn thấy được, nhưng để phòng tránh thì không khó, chủ yếu phải luôn nêu cao ý thức chủ động, cẩn thận trong sinh hoạt. Chỉ cần mỗi người dân chấp hành và tuân thủ những quy định về phòng cháy, chữa cháy cũng đã tránh được biết bao thương vong. Mỗi người dân, cơ sở chỉ cần quan tâm đến việc làm của mình trong sinh hoạt như sử dụng thiết bị điện, thắp hương nến, nấu nướng, hàn xì, sắp xếp hàng hóa ngăn nắp… giám sát các hoạt động một cách có ý thức cao về PCCC thì những người lính cứu hỏa sẽ bớt vất vả, mất mát, hy sinh.

Trả lời PV, đặc biệt, với dịch vụ karaoke Thượng tá Nguyễn Văn Thắng - Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân cho hay, bên cạnh sử dụng chất liệu dễ cháy để trang trí phòng hát, việc các chủ cơ sở dựng những bảng điện tử quảng cáo che kín toàn bộ khiến cho điều kiện thông gió không có nên khi xảy cháy, khói thường tích tụ bên trong không thoát ra ngoài được và lập tức gây ngạt cho người mắc kẹt bên trong. Hơn nữa, việc bịt kín mặt tiền cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi một lối thoát hiểm... Cùng với đó, khi thiết kế, các chủ cơ sở thường không tính toán hết mức độ sử dụng các loại thiết bị nên khi phát sinh thì không nâng cấp dây và thiết bị điện tương xứng, khi sử dụng điện cả ngày lẫn đêm như ở quán karaoke thường dẫn tới tình trạng quá tải, nhiệt độ dây dẫn tăng cao làm cho lớp nhựa bọc bên ngoài nóng chảy và gây cháy.

Tại địa bàn quận Cầu Giấy, trước tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke thời gian qua, phát biểu tại buổi làm việc với quận Cầu Giấy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố yêu cầu UBND quận Cầu Giấy cần siết chặt kỉ luật, kỉ cương; nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt là chủ tịch UBND các phường trong việc rà soát, xử lý, tái kiểm tra các cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy, quán karaoke trên địa bàn; đầu tư mua sắm trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ từng bước đáp ứng tốt hơn, phù hợp với đặc thù của từng phường.

Đồng thời, tuyên truyền về công tác PCCC&CNCH phải đi trước một bước. Cần đến từng nhà, gõ từng cửa để cung cấp cho người dân các thông tin về tình hình cháy, nổ và công tác phòng cháy chữa cháy trong thời gian qua; các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và công tác cứu nạn cứu hộ khi có sự cố cháy xảy ra. Vận động nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mở thêm lối thoát nạn thứ 2…

Nhằm ngăn chặn hỏa hoạn xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp cùng Công an các quận, huyện, thị xã ngoài việc kiên quyết xử lý vi phạm, còn triển khai gắn biển, đình chỉ hoạt động tại các cơ sở kinh doanh karaoke trong danh sách không đủ điều kiện...

Trong những lần theo chân các cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH đi kiểm tra thực tế các quán karaoke, vũ trường, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều thuộc dạng nhà ống, ba mặt tiếp giáp với nhà khác, chỉ có mặt tiền giáp với đường giao thông và tất cả các cơ sở này đều bịt kín mọi lỗ hổng để tránh gây tiếng ồn cho những nhà lân cận. Trong phòng thường sử dụng chất liệu dễ cháy như bàn ghế gỗ, phông rèm bằng vải sợi, cách âm bằng mút, xốp, cao su… nên khi cháy có tốc độ lan rất nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này