“Bệ phóng” xây dựng chuỗi nông sản sạch, bền vững

07:19 | 04/10/2022
(LĐTĐ) Cùng với việc triển khai các dạng mô hình khuyến nông sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đang nỗ lực hỗ trợ kết nối cung cầu nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản an toàn, góp phần hình thành một nền nông sản an toàn bền vững, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Hà Nội phối hợp với 21 tỉnh, thành cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân Nông sản sạch các miền hội tụ tại Hà Nội Phát triển thị trường nội địa: Phải lấy cung làm chủ đạo

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi VietGAP

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai 19 dạng mô hình khuyến nông, trong đó có 9 dạng mô hình trồng trọt và 10 dạng mô hình chăn nuôi thủy sản, triển khai tại 68 điểm với trên 1.700 hộ tham gia. Sau khi kiểm nghiệm đạt chuẩn an toàn, các mô hình sẽ được cấp chứng nhận an toàn VietGAP. Từ đó, tạo điều kiện cho sản phẩm thủy sản của các hộ sản xuất, kinh doanh tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích.

“Bệ phóng” xây dựng chuỗi nông sản sạch, bền vững
Mô hình ứng dụng mạ khay cấy máy từ giống lúa BC15 có gen kháng đạo ôn cho năng suất lúa ước đạt 260 kg/sào.

Để gia tăng giá trị kinh tế cũng như thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hộ gia đình ông Cao Xuân Trường tại thôn Cẩm Thủy, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã áp dụng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng VietGAP, trên diện tích 1 ha nuôi cá chép và cá rô phi. Theo đó, bắt đầu từ tháng 4 cho tới nay, dưới sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ khuyến nông, hộ gia đình ông Trường đã tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi VietGAP từ khâu chăm sóc, quản lý và thu hoạch, hạn chế sử dụng kháng sinh và sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình xử lý môi trường ao nuôi.

Trao đổi với phóng viên về công tác thực hiện và hiệu quả từ mô hình, ông Cao Xuân Trường chia sẻ: “Chúng tôi đã biết tới mô hình VietGAP từ lâu, cũng tự tìm hiểu và đọc trên sách báo nhưng chưa có cơ hội được trải nghiệm. Mới đây, được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP cho ao nuôi, chúng tôi đã nhanh chóng học tập các quy trình và bắt tay vào làm, để tạo ra sản phẩm chăn nuôi sạch, đảm bảo an toàn. Chúng tôi nhận thấy, sau một thời gian thử nghiệm nuôi cá áp dụng đúng quy trình VietGAP đã đem tới sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo về độ sạch, an toàn. Cùng với đó, giá trị sản phẩm đem ra thị trường được tăng lên đáng kể so với việc chăn nuôi thông thường”.

Thống kê của Trung tâm Khuyến Nông Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm tổ chức thực hiện 9 mô hình khuyến nông trồng trọt. Trong đó, có 8 dạng mô hình khuyến nông Thành phố và 1 dạng mô hình khuyến nông Trung ương, triển khai tại 24 điểm với 1.622 hộ tham gia.

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh 10 dạng mô hình khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản, trong đó 4 dạng mô hình thủy sản và 6 dạng mô hình chăn nuôi (có 2 mô hình bò và dê thực hiện năm thứ 2), triển khai tại 44 điểm, với 147 hộ tham gia. Nhìn chung, hoạt động khuyến nông nhận được sự ủng hộ, đồng tình của bà con nông dân.

Dịch bệnh sẽ là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển thủy sản của các nông hộ trong chăn nuôi. Bởi vậy, khi xây dựng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo quy trình VietGAP, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, thay đổi thói quen chăn nuôi của bà con. Để hướng dẫn các nông hộ sử dụng kháng sinh an toàn, đúng liều lượng và thời gian cho phép.

Tương tự ông Cao Xuân Trường, nhiều hộ gia đình tại xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ cũng đang áp dụng hình thức chăn nuôi mô hình khuyến nông theo hướng VietGAP. Trong đó có hộ gia đình ông Đỗ Tuấn Anh, với quy mô 30.000 con gà lông màu thương phẩm (gà mía) được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ xây dựng. Chủ trang trại này cho biết, việc áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP sẽ giảm thiểu sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; thay vào đó là dùng các sản phẩm sinh học, thảo dược thân thiện với môi trường, giúp nâng cao sức đề kháng của vật nuôi. Sản phẩm cung ứng đầu ra cho thị trường sẽ đảm bảo an toàn, chất lượng tốt khi đến tay người tiêu dùng.

Mô hình lựa chọn giống gà mía lai thích hợp với nuôi thả vườn, bởi tỷ lệ nuôi sống cao, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay. Chia sẻ với phóng viên về các tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn đang áp dụng để cho ra thương phẩm chất lượng tốt, có năng suất cao, ông Đỗ Tuấn Anh cho biết: “Mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP yêu cầu các chủ hộ kinh doanh phải có sổ ghi chép việc sử dụng các sản phẩm sinh học, nhằm đảm bảo vật nuôi không còn tồn dư thuốc thú y trước khi đem ra thị trường. Song song với đó, nguồn nước trong trang trại phải đạt tiêu chuẩn, được nhân viên trung tâm Y tế lấy mẫu xét nghiệm, kiểm định tận nơi. Đồng thời, công việc sát trùng định kỳ cho chuồng trại phải diễn ra thường xuyên, để vật nuôi phát triển khỏe mạnh, ít bệnh hơn”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mô hình chăn nuôi thủy sản VietGAP của ông Trường cho năng suất đạt 12 tấn/ha, đem tới lợi nhuận kinh tế 90-100 triệu đồng mỗi ha, cao hơn 10-15% so với chăn nuôi truyền thống. Đối với mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP cho năng suất trên 2kg/con, lợi nhuận 30-40 triệu đồng/1.000 con. Như vậy có thể thấy, khi áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, người nông dân không chỉ cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao, mà còn hình thành nền nông nghiệp sạch, thúc đẩy tiêu thụ, tăng thu nhập để cải thiện đời sống.

Từ hiệu quả của các mô hình chăn nuôi an toàn, bà Khuất Thúy Thỏa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phúc Thọ nhận xét: Hiện nay, các mô hình khuyến nông được triển khai đều đang phát triển tốt, mang lại định hướng mới cho người nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Từ thực tế, những sản phẩm chăn nuôi thủy sản theo chuẩn VietGAP có giá trị cao hơn so với chăn nuôi theo quy trình thông thường từ 10-20% và được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.

“Mô hình chăn nuôi VietGAP hướng đến việc giúp người dân chủ động quản lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh bằng các chế phẩm sinh học, không sử dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi. Từ đó, tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, tạo vùng nuôi bền vững cho Thủ đô. Các mô hình đều quan tâm đến quá trình ghi chép nhật ký hàng ngày để tối ưu công tác quản lý và có căn cứ đánh giá hiệu quả kinh tế ở cuối quá trình. Đồng thời giúp tăng tính tin cậy đối với người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm; và từng bước xây dựng thương hiệu sạch cho các sản phẩm an toàn”, bà Thỏa cho biết.

... Đến mô hình trồng trọt bằng công nghệ hiện đại

Ngoài vấn đề đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đang tập trung xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt để chuyển giao cho bà con phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, mới đây, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai đã triển khai mô hình ứng dụng mạ khay cấy máy quy mô tập trung trên các giống lúa mới có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng áp dụng cho những giống lúa như: BC15 có gen kháng đạo ôn, Bắc thơm số 7 có gen kháng bạc lá do Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed cung cấp. Các mô hình có quy mô thực hiện 12.500 khay mạ để cấy cho 50 ha lúa tại 4 điểm ở các xã Thạch Thán, Đồng Lư, Yên Nội và Ngọc Mỹ.

“Bệ phóng” xây dựng chuỗi nông sản sạch, bền vững
Mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng VietGAP cho năng suất đạt 12 tấn/ha, lợi nhuận tương đương 90-100 triệu đồng/ha.

Là đơn vị trực tiếp triển khai mô hình ứng dụng mạ khay cấy máy tại địa phương, thông tin với phóng viên, ông Bùi Văn Lương, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thạch Thán cho hay: “Trong giai đoạn lúa trổ từ ngày mùng 1 - 10 tháng 9, thời tiết xen kẽ xuất hiện các ngày mưa vừa đến mưa to. Do đó, một số diện tích trổ bông phơi màu vào những ngày mưa, dễ bị đen lép hạt, ảnh hưởng phần nào đến năng suất lúa. Tuy nhiên, nhờ vào áp dụng mô hình nông nghiệp không chỉ giúp 299 hộ sản xuất của xã Thạch Thán đảm bảo năng suất cây trồng và an ninh lương thực địa phương, mà còn giúp chống đất lở và cải tạo được nguồn đất không sử dụng”.

Từ phía đơn vị hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân thực hiện mô hình, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Thán cho biết, trong quá trình triển khai, các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% giống; 50% phân bón. Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 50% thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Về cơ bản, cây lúa khi ứng dụng mạ khay cho ra sản phẩm tốt, năng suất cao. Nếu các hộ sản xuất áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, gieo cấy trong khung thời vụ theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ thu hoạch được sản phẩm tốt hơn.

Số liệu cung cấp từ Phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản, Trung tâm Khuyến Nông Hà Nội, mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm thực hiện tại các điểm Xuân Đình - Phúc Thọ, Đông Sơn - Chương Mỹ, Hạ Bằng và Lại Thương - Thạch Thất với 17 hộ tham gia. Dự kiến trong tháng 10 này sẽ đánh giá kết quả và thực hiện cấp chứng nhận VietGAP cho 5 hộ tại 3 huyện (Phúc Thọ 2 hộ, Chương Mỹ 1 hộ, Thạch Thất 2 hộ). Đến nay, gà sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ trống mái 1:1, trọng lượng gà đạt 1,3 - 1,5 kg/con, tỷ lệ sống đạt 97,5%.

“Thực tế xã Thạch Thán sau thời gian thực hiện mô hình, giống lúa BC15 có gen kháng đạo ôn được trồng tại Trạm bơm Đồng Tran đang trong thời kỳ đỏ ngọn, hạt đều, bông dài, không có sâu bệnh. Năng suất lúa ước đạt 260 kg/sào. Đây là kết quả ấn tượng để Hội Nông dân có cơ sở tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện tối đa cho bà con tham gia phát triển kinh tế theo mô hình này”, ông Trường nói.

Cách xã Thạch Thán, chưa đầy 10km, nhiều hộ gia đình tại xã Đông Yên cũng đang hào hứng, tích cực tham gia xây dựng mô hình áp dụng công nghệ trồng trọt này. Ông Bùi Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Yên cho biết, dù là một xã thuộc vùng trung du, hầu hết các đồng ruộng trên địa bàn đều không bằng phẳng, nhưng nhận thấy hiệu quả từ mô hình cấy lúa theo phương thức mới, dễ sản xuất đồng loạt, nên Hội nông dân sẽ khuyến khích và ủng hộ bà con cấy sử dụng hình thức ứng dụng công nghệ này; giúp bà con giảm chi phí thuê nhân công.

Thông tin với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai cho hay, mô hình ứng dụng mạ khay cấy máy quy mô tập trung đã cho ra kết quả ấn tượng. Khi so sánh giữa cấy máy và cấy tay trên cùng giống lúa BC15 có gen Kháng đạo ôn cho thấy, cấy máy cây cao hơn, bông lúa to, dài hơn, tỷ lệ hạt chắc nhiều hơn và cho năng suất cao hơn so với cấy tay 5,3 tạ/ha, tương đương (19 kg/sào). So về hạch toán hiệu quả kinh tế, gieo mạ khay, cấy máy giảm được chi phí cho người sản xuất so với gieo mạ dược, cấy tay 3,8 triệu đồng/ha, tương đương 138.000 đồng/sào. Mặt khác lúa cấy máy ruộng thông thoáng, giảm sâu bệnh gây hại, giảm số lần phun thuốc, chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Có thể nói mô hình ứng dụng mạ khay cấy máy vụ mùa 2022 trên địa bàn huyện Quốc Oai nói chung và xã Thạch Thán, xã Đông Yên nói riêng đã thu được kết quả tốt, là cơ sở để nông dân toàn huyện tiếp tục thúc đẩy mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy quy mô tập trung, phát huy vai trò dịch vụ của các Hợp tác xã nông nghiệp, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa. Từng bước tạo vùng sản xuất lúa tập trung cùng giống, cùng thời vụ, khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực trong lúc thời vụ”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai nhận định.

Tiếp tục thúc đẩy các mô hình khuyến nông phát triển hiệu quả

Cùng với việc triển khai các dạng mô hình khuyến nông sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đang nỗ lực hỗ trợ kết nối cung cầu nhằm mở rộng tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản an toàn, góp phần hình thành một nền nông sản an toàn bền vững, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

“Bệ phóng” xây dựng chuỗi nông sản sạch, bền vững
Mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP cho năng suất trên 2kg/con, lợi nhuận 30-40 triệu đồng/1.000 con.

Về công tác nâng cao nhận thức của nông dân trong sản xuất nông sản theo các mô hình khuyến nông an toàn, hiện đại, bà Trần Thị Tình, Phó Phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, nhìn nhận những kết quả từ mô hình đang triển khai, phía Trung tâm sẽ tổ chức tuyên truyền bằng các chương trình tham quan học tập tại mô hình. Để bà con xa, gần trong địa bàn Thủ đô thấy được hiệu quả của các mô hình có sẵn. Trực tiếp lắng nghe thông tin từ các chủ hộ sản xuất chia sẻ trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, để tiếp thu kinh nghiệm, áp dụng vào thực tiễn; nhận thức được việc xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn, VietGAP sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, cũng như thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

“Trong quá trình triển khai, Trạm Khuyến nông cũng thường xuyên phối hợp với Đài truyền thanh của huyện sản xuất các bài phát thanh hữu ích, phổ biến cho bà con trong vùng được biết đến mô hình và tự đến tham quan học tập”, bà Tình nói.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Thời gian tới, Trung tâm vẫn sẽ tiếp tục triển khai nhiều các dạng mô hình sản xuất nông sản an toàn để bàn giao kỹ thuật cho bà con nông dân. Đó là các dạng mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt các dạng mô hình hướng đến sản xuất các sản phẩm an toàn, là các mô hình trong trồng trọt, nhất là triển khai các mô hình trồng rau theo hướng VietGAP, hữu cơ.

Ngoài mô hình ứng dụng mạ khay cấy máy vụ mùa đang triển khai tại huyện Quốc Oai, Trung tâm còn có mô hình Ứng dụng phân hữu cơ Nano trong sản xuất lúa theo hướng VietGAP và hữu cơ. Trong chăn nuôi gà và thủy sản cũng có những mô hình theo hướng VietGAP… Ngoài việc tư vấn cho bà con chăn nuôi, trồng trọt theo quy trình kỹ thuật ghi chép sổ sách, Trung tâm cũng phối hợp tư vấn để lấy mẫu, phân tích các tiêu chuẩn theo quy trình VietGAP. Nếu sản phẩm đủ điều kiện trước khi xuất bán, bà con sẽ được hỗ trợ cấp chứng nhận nông sản an toàn để có thể thuận lợi trong vấn đề tiêu thụ.

Mặc dù đối với mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố còn rất nhiều hạn chế, khiến cho việc mở rộng các mô hình chưa được phát triển, trong đó có vấn đề đầu tư. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích rất lớn từ việc áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao, bởi sẽ tạo ra sản phẩm sạch và sản phẩm an toàn có giá thành tốt hơn.

“Với những chức năng, nhiệm vụ, cũng như các cơ chế, chính sách hiện hành, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng đang hỗ trợ bà con một số nội dung liên quan đến việc ứng dụng các giống mới, sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất và đẩy mạnh việc thực hiện hệ thống tưới tiết kiệm cho lĩnh vực trồng rau, cây ăn quả. Đặc biệt trong sản xuất rau, việc ứng dụng công nghệ cao như hệ thống nhà màng, hệ thống tưới tiêu có vai trò quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, bà Hương nói./.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này