Giao thông kết nối Đông Nam Bộ: Đổi thay từ những cây cầu lớn

09:09 | 04/10/2022
(LĐTĐ) Trong vòng 6-7 năm trở lại đây, mạng lưới cao tốc khu vực phía Nam đã và đang được đầu tư xây dựng, tuy độ bao phủ chưa nhiều nhưng đã phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội cũng như tăng cường giao thông kết nối các tỉnh trong vùng. Từ những “xương sống” huyết mạch đó, hàng loạt cây cầu quy mô hiện đại đã được xây dựng, kết nối sâu hơn giao thông đi lại. Trong đó đáng kể là hệ thống cầu đường kết nối 3 địa bàn trọng điểm trong vùng Đông Nam Bộ gồm thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Đồng Nai và Bình Dương.
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Cần cơ chế điều phối, "nhạc trưởng" để phát triển xứng tầm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Âm vang từ những cây cầu

Mới đây, dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được khởi công đã lan tỏa nhiều kỳ vọng về sự thay đổi kết cấu hạ tầng cho vùng Đông Nam Bộ. Dự án này nằm trên địa bàn TP.HCM và Đồng Nai với chiều dài khoảng 8,22km, gồm 6,3km qua Đồng Nai và 1,92km đi qua TP.HCM. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 6.900 tỷ đồng trong đó hạng mục cầu Nhơn Trạch là thành phần quan trọng của dự án thành phần 1A. Cầu Nhơn Trạch rộng 19,75m, dài hơn 2.000m, có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Ngoài ra còn đầu tư đường dẫn hai bên cầu dài 560m.

Giao thông kết nối Đông Nam Bộ: Đổi thay từ những cây cầu lớn
Cầu Long Thành - biểu tượng quen thuộc của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Cầu Nhơn Trạch và dự án thành phần 1A sẽ có vai trò kết nối đường tỉnh 25B thuộc huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai và có điểm cuối tại nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Dự án cũng sẽ tăng cường kết nối hệ thống giao thông vào Sân bay quốc tế Long Thành, đồng thời giảm áp lực lớn cho Quốc lộ 51 hiện đang quá tải.

“Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kết nối hệ thống cao tốc trong vùng, tạo cú hích toàn diện về kinh tế cho TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương”, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết.

Trong khi đó, cầu Long Thành được đưa vào sử dụng từ năm 2015, cùng với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hòa vào mạng lưới cao tốc đã cho thấy tầm quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng. Cây cầu này bắc qua sông Đồng Nai, kéo gần lại gấp nhiều lần khoảng cách giữa thành phố Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Cầu Long Thành dài 2.346m, rộng 19,7 m, thiết kế cho 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100 km/giờ, hiện là cây cầu quen thuộc đối với giới tài xế phía Nam.

Một cây cầu khác in đậm trên bản đồ giao thông vùng Đông Nam Bộ là cầu dây văng Phước Khánh, nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu, nhánh sông Đồng Nai, thuộc dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến hoàn thành năm 2025. Cầu dài gần 3,2km, rộng gần 22m, là một trong những cây cầu có độ tĩnh không cao nhất nước Việt Nam (đạt khoảng 55m).

Ngoài ra, cầu Cát Lái, cầu nối đôi bờ thành phố Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng sắp sửa được khởi công để thay thế vị trí lịch sử của phà Cát Lái lâu đời. Cầu dự kiến có phần chính dài 650 m, rộng 37,7 m gồm 6 làn xe cơ giới và 3 làn xe thô sơ. Cầu được thiết kế bằng dây văng hai trục tháp, kinh phí đầu tư khoảng 7.200 tỷ đồng.

"Nhìn bức tranh tổng thể giao thông kết nối vùng, hiện nay có rất nhiều dự án lớn đang và sắp triển khai. Giao thông là nền tảng để phát triển kinh tế, trong đó các cây cầu thường phải đầu tư khó khăn hơn nhưng hiện nay cũng đã được đầu tư và sẽ trở thành điểm nhấn. Người dân chúng tôi rất chờ đợi và tin mong sẽ có thêm nhiều cây cầu hơn nữa để đi lại thuận tiện hơn, phát triển kinh tế, xã hội địa phương”, ông Nguyễn Hữu, (56 tuổi) ngụ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai tỏ ra phấn khởi.

Xây nhiều cầu hơn nữa

Với đà phát triển giao thông hiện tại, bộ mặt giao thông vùng Đông Nam Bộ đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, phía tỉnh Đồng Nai cho rằng, nhu cầu hiện tại vẫn còn cần nhiều hơn nữa và đề nghị TP.HCM nghiên cứu xây thêm cầu để tăng nối kết giao thông, kinh tế giữa hai địa phương.

Việc xây thêm cầu nối Đồng Nai với TP.HCM được đánh giá là cần thiết, giúp người dân đi lại thuận tiện, nhất là khi Sân bay quốc tế Long Thành sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, giữa Đồng Nai và TP.HCM cách biệt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải, nên việc kết nối vùng sẽ được thúc đẩy khi càng có nhiều điểm nối giao thông ở các lát cắt tại các dòng sông này thông qua việc xây dựng các cây cầu.

Hiện kết nối đường bộ giữa hai địa phương thông qua 3 trục chính vẫn là Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên các tuyến đường này đều đang bị quá tải. Tỉnh Đồng Nai được coi là "cửa ngõ" Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với dân số gần 3,1 triệu người, đang phát triển mạnh mẽ với giao thương năng động, có ảnh hưởng đến cả các tỉnh Tây Nguyên và Bà Rịa - Vũng Tàu, nên càng cần được tăng cường phát triển về hạ tầng giao thông.

“Trong thời gian tới Đồng Nai sẽ có thêm nhiều thuận lợi để phát triển khi các dự án hạ tầng giao thông lớn như Sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc do Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh, các đường vành đai, các dự án cầu lớn vượt sông Đồng Nai”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho hay.

Trong khi đó, theo UBND tỉnh Bình Dương, từ lâu địa phương đã xác định việc phát triển mạng lưới giao thông hiện đại là một trong những tiền đề để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, nâng cao đời sống người dân. Tỉnh Bình Dương xác định nhất thiết phải sớm hoàn thiện mạng lưới giao thông, nhất là các dự án giao thông mang tính kết nối vùng.

Thời gian qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã cùng bàn thảo, thống nhất xây dựng nhiều cây cầu lớn, gồm cầu Bạch Đằng 2, cầu Hiếu Liêm và cầu Thạnh Hội. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Đồng Nai thống nhất cập nhật dự án cầu Hiếu Liêm vào quy hoạch của tỉnh Đồng Nai và thống nhất chủ trương đầu tư kết nối giữa huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) và huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Về phần mình, UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với tỉnh Bình Dương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho dự án cầu Bạch Đằng 2 cũng như thống nhất bổ sung cầu Thạnh Hội 2 vào quy hoạch của tỉnh Đồng Nai để có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2025 - 2030.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện dự án cầu Bạch Đằng 2 (dài 2,8km, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng) đang tiến hành giải tỏa mặt bằng và sẽ sớm bàn giao cho đơn vị thi công. Với dự án cầu Hiếu Liêm, tỉnh Đồng Nai thống nhất với tỉnh Bình Dương xây dựng cầu kết nối giữa 2 địa phương và giao cho Sở Giao thông vận tải mỗi tỉnh phối hợp nghiên cứu kỹ phương án, vị trí xây dựng. Ngoài ra, 2 địa phương cũng đang nghiên cứu xây thêm một cầu kết nối qua sông Đồng Nai, đoạn giữa cầu Hiếu Liêm và đường Vành đai 4./.

Để kết nối với đường liên cảng chạy dọc sông Thị Vải và Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất xây dựng cầu Phước An, dài 3,4 km, có quy mô 6 làn xe, với tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều lớn được xây dựng hoặc cải tạo trong thời gian qua như cầu Đồng Nai trên Quốc lộ 1; cầu Hóa An trên Quốc lộ 1K; các cầu lớn Bửu Hòa, Hiệp Hòa và An Hảo bắc qua nhánh sông Đồng Nai. Đặc biệt dự án cầu Thống Nhất nối Cù lao Phố với trung tâm thành phố Biên Hòa với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng.

Cẩm Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này