Người đi bộ “ngó lơ” cầu bộ hành: Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

18:26 | 30/09/2022
(LĐTĐ) Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an Thành phố, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu siết chặt quản lý dịch vụ karaoke Sân chơi quen thuộc, hấp dẫn học sinh, sinh viên Trao giải Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo

Tiện là sang, thích là qua

Ghi nhận tại nhiều tuyến đường có cầu vượt đi bộ, đặc biệt là khu vực gần bệnh viện, trường học, hàng ngày có hàng nghìn lượt người qua lại. Tuy nhiên, dù đại bộ phận chấp hành tốt song vẫn còn số ít người người “ngó lơ” cầu bộ hành, bất chấp nguy hiểm băng qua đường.

Điển hình là tại khu vực Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân). Tại đây, lưu lượng người và phương tiện giao thông hàng ngày qua lại luôn tập trung đông, đặc biệt là khách bộ hành có nhu cầu qua đường để đón xe buýt. Bên cạnh những người tuân thủ thì còn bộ phận không nhỏ người dân, trong đó có cả sinh viên bất chấp nguy hiểm, băng qua dòng phương tiện để sang đường.

Người đi bộ “ngó lơ” cầu bộ hành: Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Thản nhiên băng qua đường bất chấp nguy hiểm dù ngay bên cạnh có cầu bộ hành. (Ảnh: Đinh Luyện)

Đáng nói, cùng trên trục đường Nguyễn Trãi, Lao động Thủ đô cũng chứng kiến không ít cảnh người cao tuổi “ngại” đi lên cầu bộ hành dù chỉ nằm cách đó vài bước chân. Họ thản nhiên băng qua đường, thậm chí trèo qua cả dải phân cách để rút ngắn thời gian đi lại. Mỗi khi chứng kiến người băng qua, giao thông trên tuyến đường lại bị xáo trộn, ùn ứ.

Khi được hỏi về lý do không sử dụng cầu bộ hành dù chỉ cách vài trăm mét, nhiều người đi bộ cho rằng do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, tại một số điểm có cầu thường được "kết hợp" làm điểm trung chuyển rác, gây ra mùi hôi khó chịu. Ngoài ra, cũng không ít người thản nhiên cho rằng, cầu bộ hành nằm cách xa điểm cần đến nên họ băng qua đường để kịp đón xe buýt.

Dẫn như vậy để thấy, hiện tượng cầu bộ hành “ế” khách, ngoài những nguyên nhân chủ quan thì còn xuất phát từ ý thức tham gia giao thông tùy tiện của người đi bộ. Nói cách khác, nhiều người vẫn có thói quen chọn đoạn đường ngắn nhất, vị trí thuận lợi nhất để đi dù gần đó có cầu bộ hành. Trong khi đó, chế tài xử phạt người đi bộ không đúng nơi quy định đã có nhưng không đủ sức răn đe.

Cụ thể, theo tìm hiểu, tại Điều 9, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường...

Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, toàn Thành phố hiện có 70 cầu bộ hành. Qua thực tiễn quản lý, khai thác cũng như đánh giá của người dân, các cầu bộ hành đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc thực hiện mục tiêu từng bước kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Nhiều cầu bộ hành thuộc các khu vực từng là “điểm nóng” giao thông như phố Chùa Bộc tại cổng Học viện Ngân hàng; cầu trước cổng Bệnh viện Bạch Mai; cầu trên phố Tây Sơn trước cổng Trường Đại học Thủy lợi; cầu tại cổng Trường Tiểu học Tân Mai... Sau khi có cầu vượt bộ hành, tại những khu vực này hầu như không xảy ra các vụ tai nạn, va chạm giữa các phương tiện với người đi bộ sang đường.

Tương tự, tại gần ngã tư Võ Chí Công - Xuân La, mỗi ngày đều có hàng nghìn học sinh Trường Tiểu học Xuân La đến trường. Khi cầu bộ hành bằng kết cấu thép được lắp đặt đã giúp đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ mỗi khi qua nút giao thông này. Nói cách khác, cầu bộ hành đã và đang góp phần thiết thực vào nhu cầu thực tế của người dân và việc Thành phố đưa vào sử dụng nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ là việc cần thiết vì giúp giảm ách tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.

Người đi bộ “ngó lơ” cầu bộ hành: Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Không ít người cao tuổi thản nhiên băng qua đường, thậm chí trèo qua cả dải phân cách để rút ngắn thời gian đi lại. (Ảnh: Đinh Luyện)

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, vẫn còn một bộ phận cầu bộ hành “ế” khách, người sử dụng thưa thớt, gây lãng phí hệ thống hạ tầng giao thông. Một trong những nguyên nhân được xác định gây ra tình trạng trên là do tình trạng nhiều người tự ý băng qua đường, gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

Được biết, hiện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an Thành phố, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách để ngăn chặn vi phạm.

Rõ ràng, việc người đi bộ "ngó lơ" cầu bộ hành tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Để giảm thiểu tình trạng trên, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân thiết nghĩ các ngành chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này