TP.HCM đối mặt nguy cơ thiếu hụt điều dưỡng tại các bệnh viện công lập

16:25 | 30/09/2022
(LĐTĐ) Ngày 30/9, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho biết, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện có nguy cơ trầm trọng hơn khi số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp lại số đã nghỉ việc.
TP.HCM: Đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản TP.HCM: Sẽ xử lý nghiêm vụ học sinh cấp 3 gọi bạn "xã hội" vào lớp đánh bạn TP.HCM: Bệnh viện Lê Văn Thịnh gặp nhiều khó khăn khi tự chủ tài chính

Theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2021, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh có 2.300 người nộp đơn đăng ký học điều dưỡng; sang năm 2022, chỉ còn 781 người đăng ký, giảm 66%. Đây cũng là thực trạng chung đang diễn ra phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM nhận định, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu điều dưỡng là do đặc thù công việc của điều dưỡng thường khá vất vả, áp lực công việc ngày càng cao, môi trường làm việc luôn có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, trong khi thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình nên dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề trong một bộ phận điều dưỡng, một số ít khác được bệnh viện tư tiếp nhận với mức lương cao hơn.

TP.HCM đối mặt nguy cơ thiếu hụt điều dưỡng tại các bệnh viện công lập
Sinh viên điều dưỡng thực tập. Ảnh: ĐHĐN

Bên cạnh đó, các điều dưỡng trung cấp đang gặp khó khăn trong việc học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng đều khá cao, mỗi năm học phải mất từ 35 - 40 triệu đồng, nhưng khi ra trường, công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi nên càng ngày số lượng người nộp đơn vào các trường đào tạo điều dưỡng ngày càng giảm.

Đề xuất giải pháp với Sở Y tế TP.HCM, Tiến sĩ, Điều dưỡng Trần Thị Châu - Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng TP.HCM kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành điều dưỡng để thu hút tuyển sinh; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, tay nghề của điều dưỡng đang công tác tại bệnh viện. Đồng thời, các bệnh viện phải đặt hàng cho các trường tuyển sinh và đào tạo các nhóm nghề phù hợp với nhu cầu của bệnh viện.

Trong khi đó, Thạc sĩ, Điều dưỡng Võ Thị Ngọc Diệp - Phó Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, cần phải bổ sung loại hình nhân viên y tế "trợ lý điều dưỡng" trong vị trí việc làm tại các bệnh viện, nhằm giúp hỗ trợ, gánh vác một phần công việc của điều dưỡng trong công tác chăm sóc, vệ sinh người bệnh. "Tại các bệnh viện quá tải, trợ lý điều dưỡng là cứu cánh, giúp giảm tải công việc và áp lực của những điều dưỡng trong bệnh viện", bà Võ Thị Ngọc Diệp nói thêm.

Trước tình hình biến động về nhân lực y tế, TP.HCM cũng đã có một số giải pháp trước mắt như hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP.HCM; cho phép ngành y tế bổ sung nhân lực chuyên môn đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm, đồng thời cho phép bổ sung chức danh bảo vệ, hộ lý cho các trạm y tế...

Riêng đối với nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập, ngành y tế TP.HCM đã kiến nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng.

Sở Y tế cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 01/01/2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030. Đồng thời cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này