Một số bệnh viện công xin dừng tự cơ chế chủ, Bộ Tài chính nói gì?

11:36 | 30/09/2022
(LĐTĐ) Để phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ/Chính phủ đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt đến hết năm 2022.
Hà Nội giao quyền tự chủ tài chính cho 60 đơn vị y tế Thu nhập người lao động được tăng lên: Kết quả từ tự chủ tài chính Quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Thông tin báo chí gần đây nhắc đến Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Tại họp báo thường kỳ Quý 3/2022, Bộ Tài chính đã có ý kiến về nội dung này.

Theo Bộ Tài chính, ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K; trong đó tại Khoản 2 Điều 3 quy định: Thời gian thực hiện Nghị quyết là 2 năm kể từ khi Đề án Bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau 2 năm các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo quy định của Chính phủ.

Một số bệnh viện công xin dừng tự cơ chế chủ, Bộ Tài chính nói gì?
Tại họp báo thường kỳ Quý 3/2022, Bộ Tài chính đã có ý kiến về nội dung tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 17/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 268/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020-2021. Theo quy định nêu trên, từ năm 2022 Bệnh viện Bạch Mai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo quy định của Chính phủ.

Tiếp đó, ngày 30/8/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về cơ chế tự chủ của các bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Y tế đánh giá kết quả 2 năm thực hiện cơ chế tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, đánh giá kết quả các nhiệm vụ đã triển khai thực hiện, các nhiệm vụ chưa thực hiện, kết quả đạt được và tồn tại hạn chế; trên cơ sở đó Bộ Y tế đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cơ chế tự chủ cho giai đoạn mới.

Sau khi Bộ Y tế đánh giá tình hình 2 năm thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP và đề xuất cơ chế tự chủ cho giai đoạn mới đối với Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K, Bộ Tài chính có ý kiến theo quy định.

Bộ Tài chính cũng thông tin thêm, đối với phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập năm 2022 (thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP), do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình kinh tế xã hội, ngày 13/11/2021 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó tại khoản 1 Điều 3 quy định: “Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995”.

Theo đó, khi phê duyệt phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ chưa thực hiện ngay việc chi trả thu nhập cho người lao động theo cơ chế tiền lương mới quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, năm 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là đối với các đơn vị trong lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Do đó việc đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ của giai đoạn trước nhằm mục tiêu đề xuất phương án tự chủ cho giai đoạn tiếp theo sẽ không đảm bảo được tính đầy đủ, khách quan, từ đó, ảnh hưởng đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định tiếp theo.

Vì vậy, để phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế nêu trên, Bộ Tài chính đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ/Chính phủ đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt đến hết năm 2022 (đối với những đơn vị sự nghiệp công lập chưa được phê duyệt phương án tự chủ tài chính thì thực hiện phê duyệt phương án tự chủ tài chính của năm 2022).

Ngày 5/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2022; theo đó cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt hết năm 2022; từ năm 2023, các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với đơn vị sự nghiệp công đã được cơ quan có thẩm quyền giao tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt và rà soát lại phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Thông tư số 56/TT-BTC. Trường hợp đơn vị có thay đổi về mức độ tự chủ tài chính, đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Thông tư số 56/TT-BTC để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này