Dấu ấn Công đoàn trong việc chăm lo cho lao động nữ:

Bài 1: Sáng tạo, tận tâm với người lao động

15:43 | 29/09/2022
(LĐTĐ) Thời gian qua, cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ làm công tác nữ công tại các Công đoàn cơ sở đã không ngừng nỗ lực, bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy, năng động, sáng tạo cùng với Ban Chấp hành Công đoàn làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ; tham gia xây dựng chế độ, chính sách góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế cho nữ công nhân, viên chức, lao động.
Bảo vệ lao động nữ, góc nhìn từ Ban Nữ công Thúc đẩy thực hiện quyền của lao động nữ trong doanh nghiệp Đảm bảo quyền cho lao động nữ: Góc nhìn từ doanh nghiệp

Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tấn công trực diện vào các doanh nghiệp khu công nghiệp - chế xuất đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống của công nhân lao động, đặc biệt là lao động nữ. Trong bối cảnh nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, sản xuất ba tại chỗ… với muôn vàn khó khăn, nhiều cán bộ Công đoàn đã không ngại khó, ngại khổ, chủ trì đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức các chương trình đậm tính nhân văn, với mục tiêu đảm bảo việc làm, đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nữ.

Sáng tạo với mô hình Cửa hàng Công đoàn và đi chợ hộ công nhân

Nghe kể về mô hình “Cửa hàng Công đoàn, đi chợ, sơ chế thực phẩm hộ cho người lao động” được triển khai hiệu quả tới hơn 3.000 lao động, tôi khá tò mò. Khi được gặp chủ nhân của sáng kiến này, bà Trần Thị Thanh Phượng - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP (Công đoàn Dệt - May Việt Nam) tôi thực sự khâm phục, bởi ẩn sau dáng hình nhỏ bé là bầu nhiệt huyết, hết lòng vì công nhân lao động (CNLĐ).

Bài 1: Sáng tạo, tận tâm với người lao động
Mô hình Cửa hàng Công đoàn mở ra thực sự hữu ích với CNLĐ Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP.

Bà Phượng chia sẻ: Đặc thù lao động nữ ngành may là thường xuyên đi ca kíp, ít có thời gian mua sắm, chăm sóc gia đình. Với mong muốn hỗ trợ chị em, từ năm 2012, bà Phượng đã đề xuất với lãnh đạo đơn vị dành một diện tích nhỏ ngay trước cổng Công ty để mở cửa hàng do Công đoàn quản lý. Sáng kiến này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Công ty.

“Từ khi có cửa hàng, sau giờ tan ca, công nhân có thể ghé mua hàng rất tiện lợi, từ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… với giá cả hợp lý, hàng hóa an toàn, rõ nguồn gốc. Công nhân có hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc được mua trả chậm, sẽ được bố trí làm việc tại cửa hàng để tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống”, bà Phượng cho biết.

Đến nay, Cửa hàng Công đoàn tại Tổng Công ty Việt Thắng đã duy trì được 10 năm và phát triển lên 4 gian hàng, được CNLĐ ủng hộ và lãnh đạo Công ty tạo điều kiện. Đặc biệt, vào thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, Cửa hàng Công đoàn với hàng trăm mặt hàng tiêu dùng đã giúp nhiều CNLĐ có nguồn hàng hóa gửi về gia đình.

Cùng với mô hình hiệu quả trên, bà Phượng còn có sáng kiến “Đi chợ hộ công nhân mùa dịch”. Chia sẻ về mô hình này, bà Phượng cho biết: Giữa năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, diễn biến cam go, khoảng tháng 6/2021, TP. Hồ Chí Minh đóng cửa chợ cóc, chợ truyền thống. Các chợ xung quanh công ty đều đóng cửa, công nhân của công ty muốn đi chợ thì phải đi rất xa, trong khi đó, giá cả hàng hóa tăng cao; đồng thời, CNLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Trong khi đó, thời điểm này chưa có vắc xin cũng như thuốc điều trị.

Trước tình cảnh đó, Công đoàn đã nghĩ phải làm gì đó để giúp cho công nhân, giảm nguy cơ lây lan dịch; bởi nếu công nhân bị F0 để bùng dịch thì công ty sẽ phải đóng cửa sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của CNLĐ. Sau thời gian đắn đo suy nghĩ, Công đoàn đã quyết định thực hiện mô hình đi chợ hộ cho công nhân ngay cổng công ty.

Bài 1: Nghĩa tình Công đoàn
Bà Trần Thị Thanh Phượng - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP chia sẻ về mô hình Cửa hàng Công đoàn và đi chợ hộ công nhân.

Mô hình khi triển khai đã giúp nữ CNLĐ đi chợ tiện lợi, không mất thời gian, mua hàng với giá rẻ hơn bên ngoài, đảm bảo an toàn sức khỏe, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong công ty và cộng đồng. Bên cạnh đó, Công đoàn còn hỗ trợ CNLĐ mua được hàng hóa gửi về cho người thân ở nhà, giúp CNLĐ an tâm tham gia sản xuất 3 tại chỗ.

"Thời điểm đó, Công đoàn đã phục vụ hàng tấn rau củ quả mỗi ngày cho hơn 3.000 CNLĐ", bà Phượng cho hay.

Ấm lòng người lao động trong mùa dịch

Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại địa phương, bà Phạm Thị Quyên - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An cho biết: Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Long An là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày, toàn tỉnh phải giãn cách xã hội gần 4 tháng. Thời gian này, có khoảng 96.000 nữ CNLĐ trên địa bàn tỉnh bị tạm hoãn và bị mất việc làm, không có thu nhập ảnh hưởng nhiều đến đời sống; 65.000 lao động nữ phải làm việc 3 tại chỗ ở doanh nghiệp, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và phải gửi con lại cho gia đình trông nom.

Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kịp thời triển khai các gói hỗ trợ cho lao động nữ và con lao động nữ thông qua các chương trình đậm tính nhân văn như: “Chuyến xe nghĩa tình - Phần quà kết nối yêu thương” trao 175.000 phần quà cho CNLĐ ở các khu nhà trọ; “Chương trình "Trao sữa yêu thương - Ấm tình Công đoàn” trao 6.000 suất quà cho con CNLĐ trong độ tuổi từ 0-3 tuổi và 1.200 suất quà cho nữ CNLĐ đang mang thai tại các nhà trọ trên địa bàn tỉnh; Chương trình “Công đoàn trao gởi yêu thương - Cùng em đến trường” trao tặng 36 máy tính bảng cho học sinh có cha hoặc mẹ là CNLĐ, đoàn viên Công đoàn mất do dịch Covid-19…

Bài 1: Nghĩa tình Công đoàn
Cán bộ Công đoàn tỉnh Long An tới thăm hỏi, chăm lo cho con CNLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tại Hà Nội, với quyết tâm không để CNLĐ phải chịu thiệt thòi, nhất là trong thời điểm dịch bệnh, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi-Hanel (Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội) đã không ngừng nỗ lực, tìm mọi giải pháp để ổn định sản xuất và đảm bảo sức khỏe cho CNLĐ.

Với đặc thù trên 60% lao động trong công ty là nữ (gần 5.500/9.000 lao động), bà Huỳnh Ngọc Lan - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, qua khảo sát, nắm bắt được có trên 60% CNLĐ công ty từ tỉnh xa tới, thuê nhà trọ, gặp khó khăn trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm hàng ngày. Thiết thực chăm lo cho CNLĐ, Ban Nữ công Công đoàn đã tham mưu trích từ Quỹ phúc lợi của công ty và Công đoàn mua mì tôm, dầu ăn và gạo gửi đến từng đoàn viên, CNLĐ.

“Bình thường, gạo và mĩ tôm là lương thực nhà nào cũng có, nhưng giữa mùa dịch, thực hiện giãn cách xã hội, khi nhận được quà, bạn nào cũng rưng rưng cảm động, có công nhân đăng Facebook khoe quà từ sự quan tâm của Công đoàn công ty với tựa đề “Ấm lòng mùa dịch” khiến chúng tôi - những cán bộ Công đoàn - thực sự cảm thấy hạnh phúc”, bà Huỳnh Ngọc Lan chia sẻ.

Đặc biệt, để bảo vệ các nữ công nhân mang thai và đang cho con bú, Công đoàn đã tìm hiểu và thuyết phục họ đi tiêm một cách an toàn. Để hỗ trợ CNLĐ, Ban Nữ công Công đoàn Công ty đã tham mưu với Ban Chấp hành Công đoàn và phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức nhiều chuyến xe phục vụ các nữ công nhân mang thai, cho con bú đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại bệnh viện và các cơ sở y tế đủ điều kiện…

Có thể nói, với sự vào cuộc tận tâm, trách nhiệm, bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, đậm nghĩa tình Công đoàn, các cán bộ Công đoàn đã tô thắm thêm màu áo xanh Công đoàn, khẳng định Công đoàn thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

Bài 2: Chăm lo hiệu quả, lâu dài bằng các chính sách

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này