Kiến nghị sửa đổi Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn

18:29 | 28/09/2022
(LĐTĐ) Trung bình mỗi năm có trên 9.000 Công đoàn cơ sở đơn vị tổ chức phát động phong trào thi đua về công tác an toàn vệ sinh lao động, với trên 400.000 người tham gia; có trên 15.000 sáng kiến cải thiện điều kiện lao động giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Muốn phát triển bền vững phải sản xuất an toàn Hà Nội chú trọng huấn luyện về An toàn vệ sinh lao động Tập huấn an toàn, vệ sinh lao động cho gần 300 lao động không theo hợp đồng

Ngày 28/9, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10c/NQ-BCH ngày 12/1/2017 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới” và Chỉ thị số 04/CT-TLĐ ngày 3/3/2017 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động" trong tình hình mới.

Chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm về công tác ATVSLĐ

Theo dự thảo Báo cáo, 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 10c/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp Công đoàn đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Cán bộ Công đoàn làm công tác ATVSLĐ đang từng bước được kiện toàn, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tính đến thời điểm tháng 6/2022, tổng hợp từ 62 báo cáo sơ kết gửi về Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy hầu hết các địa phương, ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra…

Kiến nghị sửa đổi Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn
Quang cảnh Hội thảo.

Thống kê từ các báo cáo, giai đoạn 2017 đến hết tháng 6/2022, các cấp Công đoàn đã chủ động tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho trên 2,5 triệu lượt người lao động, cán bộ Công đoàn, an toàn vệ sinh viên; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho gần 4 triệu lượt người, tập trung vào tập huấn cho người lao động ở các doanh nghiệp, lĩnh vực, công việc, ngành nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đồng thời cũng chú trọng đến việc phổ biến kinh nghiệm, tập huấn phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Các phong trào thi đua do Công đoàn phát động, triển khai đã thu hút được sự tham gia của các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động, người lao động, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, giúp người lao động thi đua lao động sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và hiệu quả công việc, giảm thiểu nguy cơ rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân, đơn vị khi tham gia phong trào.

Trung bình mỗi năm có trên 9.000 Công đoàn cơ sở đơn vị tổ chức phát động phong trào với trên 400.000 người tham gia; có trên 15.000 sáng kiến cải thiện điều kiện lao động giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Qua các phong trào thi đua, trong 5 năm qua các cấp Công đoàn đã tặng 653 Cờ, 6.448 Bằng khen, 11.697 Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.

Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ; công tác chỉ đạo triển khai Nghị quyết và Chỉ thị được triển khai thống nhất từ Tổng Liên đoàn đến các cấp Công đoàn; công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về ATVSLĐ đã chủ động, hiệu quả hơn được các cơ quan chức năng đánh giá cao; công tác phối hợp với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ chủ động và chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ có nhiều đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, áp dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội qua đó nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” được duy trì và đẩy mạnh với nhiều mô hình sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, ngành.

Cùng với đó, mạng lưới an toàn vệ sinh viên được củng cố, tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động. Các kết quả thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị đã góp phần nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn và góp phần phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động cho người lao động.

Cần xây dựng tiêu chí về chất lượng bữa ăn ca

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định của Luật ATVSLĐ năm 2015 và các văn bản dưới Luật cho phù hợp với thực tiễn; khảo sát, đánh giá, bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Kiến nghị sửa đổi Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn
Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Cao Thượng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Hiện nay Điều 74 Luật ATVSLĐ đã quy định về tổ chức mạng lưới an toàn vệ sinh viên, song còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, hoặc còn lúng túng trong tổ chức thực hiện, hoặc tổ chức hoạt động còn mang tính đối phó, hình thức, hiệu quả chưa cao, thiếu thiết thực. Do đó, đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm về mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Đồng thời đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 5 Điều 74 Luật ATVSLĐ theo hướng quy định rõ về phụ cấp cho an toàn vệ sinh viên không thấp hơn một mức tối thiểu nhất định.

Còn ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế cần sớm có nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí có quy định rõ ràng hàm lượng dinh dưỡng, định lượng, giá trị quy đổi calo nhằm đảm bảo chất lượng cho bữa ăn ca đảm bảo sức khỏe, hạn chế rủi ro trong quá trình lao động.

Trao đổi về vấn đề này, TS Vũ Xuân Trung - Phó Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cho biết: “Hiện Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đang phối hợp cùng Nhà xuất bản Lao Động soạn thảo, hướng dẫn bộ tiêu chí để xác định nhu cầu bữa ăn giữa ca của người lao động và hướng dẫn một số thực đơn mẫu để áp dụng. Khi có hướng dẫn này, Công đoàn sẽ giới thiệu, đề xuất hoặc thỏa thuận với chủ sử dụng lao động”.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này