Xu hướng áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng

13:55 | 28/09/2022
(LĐTĐ) Sáng 28/9, tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp với Vụ vật liệu xây dựng tổ chức Hội thảo “Xu hướng công nghệ - vật liệu trong công trình xây dựng”.
Đồng Nai: Chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy hoạch đô thị và trật tự xây dựng Xây dựng thói quen văn hóa giao thông

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng Biên tập báo Xây dựng cho biết, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành xây dựng và của ngành công nghiệp nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Xu hướng áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng
Ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng Biên tập báo Xây dựng phát biểu tại Hội thảo.

Những năm qua, ngành sản xuất VLXD phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở. Giá trị VLXD chiếm 60% - 70% trong cơ cấu giá thành công trình xây dựng. Vì vậy chất lượng, giá thành VLXD quyết định rất lớn đến chất lượng và giá thành xây dựng công trình.

Các giải pháp, các xu hướng công nghệ mới từ ngành VLXD rất nhiều và đa dạng, từ đổi mới các vật liệu truyền thống và cải thiện các tính năng sẵn có, đến việc tạo ra các tổ hợp vật liệu mới có thêm nhiều tính năng, cho đến các vật liệu mới và tính năng hoàn toàn mới.

Có rất nhiều loại VLXD và hoàn thiện tiên tiến đã được đưa ra thị trường hoặc đang tiếp cận thị trường. Mặc dù có nhiều tiềm năng lớn, nhưng các loại vật liệu mới vẫn khó thâm nhập thị trường, chưa nói đến việc đạt được sự chấp nhận rộng rãi.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Hội thảo là dịp để phân tích thực trạng thị trường VLXD, phân tích bức tranh toàn diện và giới thiệu những xu hướng công nghệ VLXD mới, ứng dụng trong kiến trúc và công trình xây dựng.

Xu hướng áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng
Quang cảnh Hội nghị.

"Đồng thời, các nhà quản lý cũng được lắng nghe ý kiến từ nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh VLXD về những bất cập, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ VLXD trong bối cảnh hiện nay.

Nhận diện những thách thức cũng như thời cơ để kịp thời đưa ra chính sách khuyến khích phát triển phục vụ ngành VLXD, góp phần tạo giá trị và nguồn thu cho quốc gia hoặc cảnh báo những nguy cơ xấu nếu có", Tổng Biên tập báo Xây dựng nhấn mạnh.

Bên lề Hội thảo, trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng cho biết, trước năm 2000, lĩnh vực sản xuất xi măng phục vụ cho ngành công nghiệp xây dựng, trong nước đều phát triển xi măng lò đứng, chỉ có một số nhà máy xi măng lò quay.

Sau năm 2000, nhà máy xi măng lò quay theo công nghệ hiện đại phát triển rất mạnh. Chính vì vậy, ngày nay, nhờ dây chuyền công nghệ tiên tiến, sản lượng, công suất tăng, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Đồng thời giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu, nhưng vẫn đem lại giá trị kinh tế cao. Sản phẩm không chỉ đủ sức cạnh tranh ở thị trường Việt Nam mà cả thế giới.

Xu hướng áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng
Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng.

"Chứng tỏ rằng, muốn sản xuất các loại sản phẩm vật liệu xây dựng có chất lượng tốt, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu và đáp ứng nhu cầu sản xuất xanh thì vấn đề khoa học, công nghệ và thiết bị hiện đại có vai trò rất quan trọng", ông Phạm Văn Bắc cho hay.

Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng thông tin thêm, hiện nay, sản xuất VLXD có xu hướng phát triển các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050; trên 6 quan điểm, trong đó quan điểm phát triển VLXD hiệu quả bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới, quản lý vật liệu và sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, nhiên liệu, hạn chế ảnh hưởng môi trường.

Từ thực tế, sự biến đổi của khí hậu đã làm cho môi trường sống của con người ngày càng bị đe dọa, tạo sức ép buộc các quốc gia phải chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.

Phát triển các loại VLXD thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất VLXD. Để đạt được mục tiêu này, các sản phẩm vật liệu phải đáp ứng được yêu cầu tiêu tốn ít năng lượng hơn cho việc tạo ra nó, và giúp tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ cho công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng.

Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Chiến lược được xây dựng dựa trên 6 quan điểm nhất quán, trong đó, phát triển ngành VLXD hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD và sản xuất VLXD;

Phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp VLXD; phân bổ mạng lưới cơ sở sản xuất VLXD trên toàn quốc phù hợp với điều kiện về tự nhiên, xã hội của từng vùng miền.

Mục tiêu chung của Chiến lược: Phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước;

Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo. Những sản phẩm nào sử dụng quá nhiều năng lượng và không có giá trị cao thì sẽ không được ưu tiên xuất khẩu.

Chiến lược cũng đề ra những tiêu chí cho các ngành sản xuất và định hướng phát triển cụ thể. Đây chính là những yêu cầu lớn đặt ra không chỉ cho các nhà sản xuất mà còn của các nhà khoa học cần phải quan tâm giải đáp. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần phải có những nghiên cứu, đề xuất chính sách để thúc đẩy quá trình sản xuất xanh và ưu tiên sử dụng các sản phẩm xanh; người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc lựa chọn và sử dụng những sản phẩm xanh để cùng chung tay bảo vệ môi trường của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này