Chủ tịch Quốc hội: Công tác giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển

15:01 | 27/09/2022
(LĐTĐ) Sáng 27/9/2022, Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát năm 2023. Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả Chương trình giám sát năm 2022 và thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 27/9, diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát năm 2023 Năm 2023, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn
Chủ tịch Quốc hội: Công tác giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. (ảnh: Quốc hội)

Cử tri và nhân dân đánh giá cao

Sau khi nghe Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo, Hội nghị đã tiến hành thảo luận. Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bày tỏ thống nhất cao đối với các nội dung triển khai Chương trình giám sát năm 2023 cũng như đánh giá tình hình thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian qua đổi mới cả về phương thức, nội dung và quy trình tổ chức thực hiện. Giám sát chuyên đề của Quốc hội tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, rõ nét với những chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát được các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Tại Hà Nội, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác giám sát đã được Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội được tổ chức một cách chủ động, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đúng tiến độ và chất lượng báo cáo kết quả giám sát theo quy định. Đoàn ĐBQH Thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã phối hợp triển khai 4 Đoàn giám sát của Quốc hội và UBTVQH, 5 đoàn giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, trong đó có nhiều nội dung lớn, phức tạp, quan trọng. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội chủ động tổ chức 1 đoàn khảo sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2016-2021”.

Chủ tịch Quốc hội: Công tác giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thống nhất cao đối với các nội dung triển khai Chương trình giám sát năm 2023. (ảnh: Quốc hội)

Về triển khai Chương trình năm 2023, Đoàn Đoàn ĐBQH Thành phố nhất trí cao với các nội dung Chương trình, cho rằng đây đều là những nội dung rất lớn, quan trọng, trúng, đúng, được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội kiến nghị UBTVQH tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Đoàn giám sát.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực như công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát...

Tăng cường giám sát các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm

“Có thể nói hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2022 đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực được giám sát, được dư luận và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao” là đánh giá của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh.

Chủ tịch Quốc hội: Công tác giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển
Toàn cảnh Hội nghị. (ảnh: Quốc hội)

Ông Minh cũng cho biết, Thanh tra Chính phủ nhất trí với các chuyên đề mà UBTVQH lựa chọn đưa vào Kế hoạch giám sát năm 2023. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBTVQH tăng cường hoạt động giám sát đối với các lĩnh vực mà dư luận xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.

Thông qua hoạt động giám sát để tiếp tục phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm hoạt động quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế trên lĩnh vực được giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được giám sát nói riêng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhìn nhận, công tác phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới, tham gia từ sớm, từ xa. Việc kết hợp giữa giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và giám sát của nhân dân với hoạt động giám sát của Quốc hội tạo hiệu quả tích cực trong hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các cấp trong thực hiện ngay trong quá trình tổ chức giám sát và sau giám sát.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Để chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH tiếp tục thực hiện có hiệu quả, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, “mũi nhọn” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Công tác giám sát phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng trình bày tham luận tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh: Quốc hội)

Theo đó, xây dựng chương trình giám sát phải bám sát tình hình thực tiễn, bảo đảm cân đối giữa các hoạt động giám sát. Trong Báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời chú trọng giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về giám sát chuyên đề, chất vấn; tăng cường xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện…

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

Phát biểu bế mạc hội nghị, để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và từng ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan quan tâm thực hiện tốt các giải pháp đã nêu trong báo cáo; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, UBTVQH; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát...

Theo Chủ tịch Quốc hội, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

“Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này