Giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay

07:21 | 27/09/2022
(LĐTĐ) Tại phiên họp Chính phủ ngày 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Ở hầu hết quốc gia, tăng trưởng có xu hướng giảm, lạm phát có xu hướng tăng cao, nhiều ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Việc các nước tăng lãi suất ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác về nợ công, xuất khẩu và tỷ lệ thất nghiệp.
Giảm lãi suất cho vay 2%/năm Lãi suất cho vay đang chịu áp lực tăng Ngành Ngân hàng sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay
Doanh nghiệp đang rất cần vốn để mở rộng sản xuất- kinh doanh. Ảnh minh họa

Nền kinh tế Việt Nam có quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và cạnh tranh có hạn. Do đó, một biến động nhỏ trên thế giới cũng có tác động lớn tới tình hình trong nước. Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu... có xu hướng bị thu hẹp. Phản ứng chính sách của những ngân hàng trung ương lớn cũng tác động tới tỷ giá, lãi suất, tín dụng, giá trị đồng tiền của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh đó “dứt khoát không hoang mang, dao động; cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác”. Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Về định hướng chính sách, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần phải thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị NHNN cần điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2% và công tác truyền thông. Ngoài nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động, NHNN cần giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.

Tại phiên họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát. “Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, ngân hàng sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng “ổn định không có nghĩa là cố định”, mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình”, bà Hồng khẳng định.

Còn trong một báo cáo mới công bố, Maybank IBG (tập đoàn chuyên về hoạt động môi giới chứng khoán tại khu vực Đông Nam Á) cho rằng, việc tăng lãi suất của NHNN chủ yếu nhằm phản ứng với việc tỷ giá đang suy yếu do FED thắt chặt chính sách tiền tệ và nhà đầu tư nước ngoài rút vốn.

Maybank IBG không cho rằng việc tăng lãi suất sẽ tác động đáng kể đến phục hồi kinh tế do Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ đà phục hồi. Ngoài ra, giới hạn tăng trưởng tín dụng tổng hợp là công cụ chính sách tiền tệ chính của NHNN để quản lý lạm phát và tăng trưởng, vẫn không thay đổi ở mức +14% trong năm.

Với quan điểm của Maybank IBG, việc tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sự phục hồi, báo cáo duy trì dự báo tăng trưởng GDP lần lượt là 8% cho năm 2022 và 6% cho năm 2023. Dự báo lạm phát trung bình hàng năm của Maybank IBG là 3,4% cho năm 2022 và 3,6% cho năm 2023 cũng không thay đổi.

Tương tự, Dragon Capital (Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Việt Nam) cho rằng, FED cũng đã phát đi tín hiệu cho thấy có thể ngừng tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023 và đây cũng là giai đoạn nhà đầu tư có thể kỳ vọng chính sách tiền tệ của Việt Nam ổn định hơn.

H.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này