Lấp lỗ hổng trong quản lý giá

07:19 | 27/09/2022
(LĐTĐ) Trong chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới. Là đạo luật quan trọng quy định về việc điều hành, quản lý giá cả, việc sửa đổi Luật Giá nhận được sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp, với kỳ vọng Luật được sửa đổi sẽ thật sự giúp cho việc quản lý giá cả linh hoạt, phù hợp, đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Quản lý giá cước vận tải như thế nào khi giá xăng, dầu hạ nhiệt? Nâng cao hiệu quả quản lý, gia tăng nguồn thu cho Thành phố

Cấm mọi hành vi trục lợi

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn. Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng, Dự thảo Luật cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành...

Lấp lỗ hổng trong quản lý giá
Sửa đổi Luật Giá để giúp cho việc quản lý giá cả linh hoạt, phù hợp, đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, mặc dù vấn đề quản lý giá được đề cập chủ yếu tại Luật này, song trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định một số nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...). Vì vậy, cần xác định rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật này; mối quan hệ với các đạo luật liên quan theo hướng không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật. Việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh…

Về tính thống nhất của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị xác định rõ nguyên tắc các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này.

Với nội dung về các hành vi bị cấm, Dự thảo Luật quy định cấm “lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.” Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trên thực tế, ngay cả khi thiên tai, dịch bệnh đã kết thúc thì vẫn có thể xảy ra tình trạng khan hiếm một số hàng hóa nhất định trong một thời gian dài. Vì vậy, để bảo đảm bao quát, chặt chẽ, cần bổ sung quy định “cấm lợi dụng nhu cầu tăng đột biến và tình trạng khan hiếm tạm thời về nguồn hàng để tăng giá trục lợi”.

Bổ sung sách giáo khoa do Nhà nước định giá

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp. Cụ thể như: Một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (trừ dịch vụ do Nhà nước cung cấp); thuốc lá điếu sản xuất trong nước; dịch vụ quy hoạch; thù lao công chứng; nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng; dịch vụ sử dụng quy hoạch biển…

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng Luật Giá hiện hành để kế thừa, phát huy những quy định đã áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời chỉ rõ những bất cập, hạn chế để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo việc quản lý giá chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá, vận hành thông suốt nền kinh tế. Trong đó, rà soát đánh giá kỹ tác động của từng chính sách sửa đổi, bổ sung, đảm bảo hiệu quả, khả thi, không gây khó khăn, vướng mắc, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, đề nghị bổ sung hai mặt hàng gồm sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá cụ thể.

Đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất, Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung vào Danh mục vì thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật Thương mại và Nghị định 94/2017/NĐ-CP, phù hợp với các tiêu chí tại luật.

Đại diện cơ quan thẩm tra Dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Cho biết hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa, không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân. Đồng thời, cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Liên quan đến danh mục hàng hóa bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần rà soát kỹ, thận trọng và thuyết minh thuyết phục hơn đối với từng hàng hóa, dịch vụ đưa vào danh mục; rà soát các loại mặt hàng bổ sung hoặc loại bỏ để bảo đảm tính bao quát, tính hợp lý, tính dự báo. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với đề nghị cân nhắc quy định tiêu chí để hàng hóa, dịch vụ đưa vào bình ổn giá...

Giữ Quỹ bình ổn xăng dầu?

Một nội dung quan trọng khác nhận được sự quan tâm của dư luận là quy định về Quỹ bình ổn xăng dầu. Qua thẩm tra, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu. Vì đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước.

Thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động của giá, từ đó đã giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống người dân.

Thảo luận về nội dung này, một số ý kiến cho rằng, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, với cách thức điều hành linh hoạt hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cần tổng kết kỹ về tổ chức, hoạt động, tác động của quỹ trong các đợt tăng giá xăng dầu...

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sửa đổi Luật Giá là một dịp để đánh giá căn cơ về quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá. Chúng ta đang hướng tới xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nên nguyên tắc là phải tôn trọng quy luật thị trường, tôn trọng quyền định đoạt về vấn đề giá cả của các tổ chức, cá nhân, chủ thể tham gia thị trường. Sự can thiệp của Nhà nước phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, việc thay đổi phân công, phân cấp, phân quyền phải thực hiện theo nguyên tắc, có đánh giá thực tiễn đầy đủ, đảm bảo các quy định của Luật phù hợp với thực tiễn./.

H.Lý - Q.Huy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này