Làm sao để công trường không ảnh hưởng đến người dân?

08:10 | 27/09/2022
(LĐTĐ) Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được khởi công xây dựng từ năm 2010, vì nhiều lý do đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Tiến độ kéo dài, nên tại một số nơi đang thi công ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Người dân mong muốn dự án được đẩy nhanh tiến độ, còn các nhà thầu, bên thi công cần có các biện pháp triển khai ít ảnh hưởng đến người dân nhất.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Nỗ lực hoàn thành kịp tiến độ Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng ga ngầm dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội

Nhà phố thành mặt ngõ

Có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm (đoạn Kim Mã - Ga Hà Nội, với 4 ga ngầm). Để triển khai dự án, từ tháng 6/2019, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã rào chắn nhiều đoạn phố, gồm: Kim Mã, Núi Trúc, Cát Linh, Quốc Tử Giám và Trần Hưng Đạo (đoạn phía trước Ga Hà Nội).

Làm sao để công trường không ảnh hưởng đến người dân?
Việc rào chắn thi công ga ngầm đã tạo ra những con đường nhỏ rộng chưa đầy 2m khiến việc đi lại rất khó khăn.

Có mặt tại đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ số nhà 94 đến số nhà 100 - nơi rào chắn thi công dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, ghi nhận quang cảnh đìu hiu khi cả chục cửa hàng mặt phố sầm uất trước đây, nay hầu như đều đóng cửa, hoặc bỏ không, ngổn ngang đồ đạc.

Nếu như bên phía dãy nhà lẻ của đường Trần Hưng Đạo vẫn còn một làn đường cho ô tô và xe máy di chuyển, thì bên phía dãy nhà chẵn chỉ còn một đoạn vỉa hè nhỏ, dài khoảng 100m cho xe máy lưu thông. Nhỏ đến mức hai xe máy đi ngược chiều tránh nhau còn khó. Trước dòng xe máy đi lại nườm nượp, người đi bộ chỉ còn cách nép sát vào hàng rào tôn, vừa đi vừa thấp thỏm. Với người đi bộ là nguy hiểm rình rập, với người điều khiển phương tiện cơ giới là sự bất tiện và ùn tắc.

Không chỉ tại đường Trần Hưng Đạo, mà tại khu vực Kim Mã - Núi Trúc - Vạn Bảo cũng bị rào chắn với thời gian dự kiến 22 tháng, kể từ tháng 10/2019, song đến nay cũng chưa hoàn thành, chưa tháo dỡ rào chắn. Phía bên trong rào chắn, sắt thép cong vênh, hoen gỉ, công trình ngập nước phủ rêu xanh, không một bóng người.

Đoạn “ngõ” này (từ ngõ 499 tới số nhà 397 dài khoảng 200m) rộng khoảng hơn 2m chỉ vừa đủ để xe máy lưu thông; nhiều chỗ bị sụt lún, nứt vỡ do tác động của thi công ga ngầm, khiến không ít vụ tai nạn xảy ra. “Nhà nào cũng treo biển cho thuê mặt bằng mà chẳng có ai hỏi han, một khu phố sầm uất bỗng trở nên đìu hiu”, chị Bùi Thanh Hương, người dân phố Kim Mã chia sẻ.

Còn tại khu vực phố Cát Linh (từ số nhà 27 tới 45), việc rào chắn thi công ga ngầm đã tạo ra con đường ngoắt ngoéo rộng chưa đầy 2m với hai bên quây tôn, khiến việc đi lại rất khó khăn. Người đi bộ muốn qua khu vực này chỉ còn cách nép sát vào một bên đường, và phải chịu khó quan sát để đề phòng tai nạn. Đặc biệt, đoạn rào ở đây đã chắn toàn bộ khu vực cổng Trường THCS Cát Linh nên hàng ngày, học sinh và giáo viên tới trường phải đi vào con đường rất chật hẹp với 2-3 khúc cua vuông góc khuất tầm nhìn giao thông.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đến nay đạt khoảng 75%, trong đó đoạn trên cao đạt 95,1%, đoạn ngầm đạt 33%. Đến nay, 9/10 hợp đồng của các gói thầu cần phải ký kết các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các kinh phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, do đã hết hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

Đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng của đoạn trên cao đã hoàn thành và bàn giao cho nhà thầu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại khiến nại kéo dài của 177 hộ dân tại các ga chờ và đường dẫn các ga chờ đối với chính sách bồi thường, hỗ trợ. Đối với đoạn ngầm, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn dẫn đến quá trình triển khai chậm từ 1 – 6 năm. Đến nay, vẫn còn chờ chính sách để tiến hành bồi thường, hỗ trợ tạm cư 50 căn nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm. Trong đó, 43 căn cần tạm cư, 7 căn cần phá dỡ, nhưng lại không phải thu hồi đất nên đã dẫn đến nhiều vướng mắc, khó khăn do chưa có quy định về pháp luật.

Những vướng mắc này đã dẫn đến kế hoạch đoạn đi ngầm của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, nhưng hiện nay đã phải xin kéo dài tới năm 2025 và phải tới năm 2027 mới vận hành được toàn tuyến. Nhìn chung, theo đánh giá của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội thì quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vấn đề pháp lý phát sinh chưa từng có tiền lệ và chưa có quy định cụ thể để giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ kéo dài, giải phóng mặt bằng khó khăn.

Được biết, hiện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã phối hợp xây dựng và báo cáo UBND thành phố Hà Nội về khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ, làm căn cứ thỏa thuận sử dụng đất trong thời gian thi công tuyến hầm. Theo đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 6 hộ phải phá dỡ khoảng 21 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng khoảng 4 tỷ đồng. Số kinh phí này sẽ sớm được chi trả và hoàn thành trong tháng 10 để có thể kịp thời bàn giao mặt bằng và đàm phán để nhà thầu thi công trở lại.

Trở lại vấn đề dân sinh, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, việc rào chắn đường quá lâu trong lúc chờ triển khai dự án là thực tế đang diễn ra, các cơ quan chức năng từ Sở Giao thông vận tải đến Ban Quản lý dự án, cần phải có ý kiến, không thể có chuyện không ai chịu trách nhiệm: “Các đơn vị phải họp bàn tìm nguyên nhân và cách khắc phục, tiến độ thi công phải được cập nhật thường xuyên cho người dân chịu ảnh hưởng trong khu vực, đoạn nào làm xong thì phải tháo dỡ rào chắn trả lại mặt bằng cho giao thông, phải làm với tinh thần có trách nhiệm, chứ không thể để mù mờ kéo dài như vậy”, ông Nguyễn Xuân Thủy cho hay.

Trước đó, vào tháng 10/2015, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tháo dỡ một số điểm rào chắn tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội tại những vị trí không tiến hành thi công và những vị trí đã hết hạn giấy phép thi công hoặc đã thi công xong để hoàn trả mặt đường phục vụ cho người và phương tiện tham gia giao thông./.

UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình thống nhất điều chỉnh thời gian thực hiện “Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn, Nhổn - ga Hà Nội” là 2009-2027, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022, đưa vào vận hành toàn tuyến vào năm 2027. Điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án là 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng trong đó ngân sách thành phố tăng 3.895,93 tỷ đồng và giảm vốn vay ODA 1.979,93 tỷ đồng.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này