Từng bước đưa chuyển đổi số đến gần hơn với mỗi người dân

10:47 | 25/09/2022
(LĐTĐ) Chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Để giúp người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã triển khai nhiều hoạt động đem lại những hiệu quả thiết thực.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính để tiến tới phát triển xã hội số Hà Nội: Truyền cảm hứng cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo Đào tạo “Chuyển đổi số báo chí” cho các cơ quan báo chí

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trên toàn quốc đã có 100% bộ, ngành, địa phương kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số; 100% bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số.

Từng bước đưa chuyển đổi số đến gần hơn với mỗi người dân
Người dân thực hiện các giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt (Ảnh: N.Hoa)

Trên thực tế triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành một số văn bản triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, tổ chức các hoạt động phổ biến, bồi dưỡng tập huấn, tuyên truyền, xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu phổ cập kỹ năng và tổ chức các khóa học trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà để Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai tại các địa phương.

Theo số liệu thống kê đến cuối tháng 8/2022, cả nước có 51/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 45.895 Tổ công nghệ số cộng đồng và 211.737 thành viên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, tổ dân phố. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã góp phần làm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số của mỗi người dân.

Tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng ngõ ngách của cuộc sống, đảm bảo tiếp cận người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biệt là khu vực nông thôn, các Tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt đi từng ngõ, từng nhà hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng các nền tảng số, công nghệ số.

Cụ thể người dân được tạo tài khoản, đăng nhập và sử dụng các phần mềm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cài app thanh toán không sử dụng tiền mặt như: VNPT money, Mobifone money, Viettel money…

Dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng, người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai đã quen dần với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với hóa đơn điện, nước, mua sắm; nắm bắt thị trường nông sản, đặc sản vùng miền qua sàn Postmart. Từ đó, tạo thuận lợi và sự minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm các thủ tục hành chính, giảm áp lực công việc cho cán bộ, công chức các đơn vị.

Tương tự tại huyện Gia Lâm, các Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, tổ dân phố thuộc các xã Dương Xá, Phù Đổng… cũng đã ra mắt với mục tiêu đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân. Qua đó thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số.

Tại nhiều tỉnh, thành phố khác, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ cũng như có tác động tích cực nhằm hướng người dân lên môi trường số. Tính đến cuối tháng 8/2022, tỉnh Bắc Giang đã thành lập 209 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 3.870 thành viên, đạt 100%; trong đó một số huyện thành lập 100% đến cấp thôn như Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn.

Với tôn chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, Tổ công nghệ số cộng đồng được xem là có vai trò quan trọng góp phần vào quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng, triệt để, hiệu quả ở Lạng Sơn. Tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có trên 1.600 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 7.700 thành viên, phủ kín 100% các thôn, bản, khối phố trên địa bàn…

Từ những hiệu quả thiết thực mà các Tổ công nghệ số cộng đồng đem lại, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với các địa phương trong các hoạt động chuyển đổi số nói chung và hướng dẫn hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng nói riêng. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, doanh nghiệp triển khai bồi dưỡng, tập huấn Tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các địa phương theo hình thực trực tuyến và trực tiếp.

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này