Sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh để gỡ vướng cho ngành y tế

21:31 | 21/09/2022
(LĐTĐ) Ngày 21/9, tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dự luật này đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Quy định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh Đề nghị đầu tư xây dựng cơ sở khám chữa bệnh tại nơi tập trung đông công nhân

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được bố cục lại cho rõ ràng, hợp lý, sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, bỏ 1 điều và bổ sung 14 điều.

Cho biết đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của Dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cân nhắc việc xem xét dự án Luật này theo quy trình 3 kỳ họp.

Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến đều ghi nhận và đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra.

Sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh để gỡ vướng cho ngành y tế
Toàn cảnh phiên họp. (ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng; Hội đồng Y khoa quốc gia; hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; thẩm quyền cấp phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề... Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần cân nhắc thêm nguyện vọng của các y, bác sỹ rất mong muốn luật được ban hành và có hiệu lực sớm. Do đó, có thể xem xét ngày 1/7/2023 Luật có hiệu lực thi hành được không.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, ngành y tế có nhiều đóng góp, hi sinh trong công cuộc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn dân,… việc ban hành sớm Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để ngành y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng hơn.

Nhấn mạnh tính cấp thiết, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần ban hành sớm nhưng không vội vàng, vẫn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay. Do đó, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cần dành thời gian, huy động lực lượng chuyên gia, cán bộ, cùng với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một trong những luật xương sống của ngành. Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án luật. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến và đưa vào Báo cáo, Dự thảo trình Quốc hội.

Về thời điểm luật có hiệu lực, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất được giữ như quy định tại Dự thảo là ngày 1/1/2024, vì còn rất nhiều nội dung cần phải thể chế hóa, đảm bảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi ban hành sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật có tính chất “xương sống” của ngành y tế, định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Vì vậy, dự án Luật phải chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng.

“Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra chủ động phối hợp với tinh thần cao nhất, tích cực chuẩn bị nội dung phương án như ý kiến của Ủy ban Thường Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới”, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị.

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này