TP.HCM: Tháo gỡ khó khăn trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

20:43 | 20/09/2022
(LĐTĐ) Áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, cơ sở vật chất chưa đồng bộ... là những vấn đề mà ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang gặp phải khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
TP.HCM: Ra mắt mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng” TP.HCM: Tập trung giải quyết vấn đề thu nhập và thiếu giáo viên Huyện Củ Chi kỷ niệm 55 năm ngày nhận danh hiệu "Đất thép thành đồng"

Hàng loạt vấn đề còn tồn tại

Ngày 20/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi làm việc về khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2022. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã đưa ra những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục Thành phố.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM, chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nhưng vì áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số trường và số phòng học chưa đủ để đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số các lớp đông nên giáo viên rất vất vả trong việc giảng dạy và bao quát học sinh.

TP.HCM: Tháo gỡ khó khăn trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Toàn cảnh buổi làm việc

Cơ sở vật chất chưa đồng bộ để đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới, còn một số trường có diện tích nhỏ hẹp, có trường thuộc vùng ven hoặc vùng áp lực dân nhập cư như Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, quận 12 còn thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng, do tất cả phòng ốc đều tập trung cho việc học của học sinh.

Một số trường tiểu học thiếu phòng máy cho học sinh học tin học theo chương trình bắt buộc và sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày.

Ngoài ra, TP.HCM trải qua giai đoạn dạy học trực tuyến khá dài, một số học sinh không có thiết bị học tập, thời gian tương tác giữa giáo viên và học sinh ít, làm ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của học sinh, nhất là học sinh lớp 1.

Một khó khăn khác là việc tuyển dụng giáo viên cho năm học 2021-2022 thực hiện chậm dẫn đến một số trường thiếu giáo viên dạy nhiều môn, giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên tiếng Anh và Tin học - Công nghệ, Nghệ thuật. Tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng theo quy định đối với loại hình dạy học 2 buổi/ngày.

Hiện nay, số lượng giáo viên tiểu học toàn Thành phố (cả công lập và và ngoài công lập) hiện có 24.849 người. Tỉ lệ giáo viên tiểu học/lớp chỉ đạt 1,36, chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học.

Khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, dự kiến số giáo viên sẽ tăng. Việc đảm bảo 1 giáo viên dạy nhiều môn/lớp là một trong những thách thức đối với một số quận/huyện có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp. Về số lượng giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, toàn thành phố đạt 83%, trong đó, khối công lập đạt 74%.

Giải pháp cho ngành giáo dục

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Trong đó, ngành giáo dục Thành phố lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đại trà và chủ động liên kết với các trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Sài Gòn... mở các lớp bồi dưỡng để đảm bảo điều kiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán; Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, tổ trưởng chuyên môn cốt cán đã tham gia tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức về triển khai Chương trình GDPT 2018, đảm bảo cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng và hoàn thành chương trình bồi dưỡng, được cơ sở bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận hoàn thành.

TP.HCM: Tháo gỡ khó khăn trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
TP.HCM còn 26% giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 chịu nhiều thách thức.

Hiện nay, dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề trang bị sách giáo khoa cho học sinh, chất lượng dạy và học khi triển khai chương trình mới, cũng như chế độ chính sách dành cho giáo viên. Đồng thời, chương trình có sự thay đổi lớn khi triển khai một số môn học theo hình thức đa môn, thay cho việc dạy đơn môn trước đây.

Ngoài ra, bà Văn Thị Bạch Tuyết cũng rất chia sẻ những khó khăn và ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua. Bà Tuyết mong rằng, ngành giáo dục thành phố sẽ ghi nhận những đóng góp của các Sở ban ngành để triển khai trong thời gian tới.

"Trước đây còn quy định hộ khẩu, lộ giới, còn tới đây không còn hộ khẩu, địa giới hành chính. Trước đây, các trường còn lấy lý do không có hộ khẩu thường trú, còn tới đây như nhau hết. Do đó, ngành giáo dục cần tính toán việc này, để làm sao đảm bảo chỗ học cho học sinh - việc đầu tiên, quan trọng nhất để triển khai chương trình GDPT mới", bà Văn Thị Bạch Tuyết nói.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị, bằng nhiều giải pháp, ngành giáo dục cần phải đảm bảo được chất lượng giáo dục đã đặt ra; đảm bảo số lượng giáo viên, có chương trình bồi dưỡng thường xuyên chứ không phải theo đợt; đảm bảo thiết bị phục vụ dạy học cho giáo viên để đảm đương công việc của mình.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này