Đóng cửa phố “cà phê đường tàu”: Nếu không nghiêm sẽ tạo tiền lệ tiêu cực

16:57 | 16/09/2022
(LĐTĐ) Những quán “cà phê đường tàu” tại Hà Nội mặc dù đã đem đến sự độc đáo, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế nhưng việc mọc lên một cách ồ ạt của loại hình này đã và đang tồn tại nhiều bất cập, gây mất trật tự, và mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tại nạn.
Nguy cơ mất an toàn từ quán cà phê đường tàu Từ ngày 15-17/9 sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép của các hộ kinh doanh cà phê đường tàu Không đánh đổi an toàn của người dân lấy lợi ích kinh tế đối với "cà phê đường tàu"

Khi được hỏi về những nguy hiểm tại các quán “cà phê đường tàu”, rất nhiều người dân Thủ đô đều bày tỏ sự lo ngại, bởi chưa có tai nạn nhưng không đồng nghĩa là những tai nạn không báo trước sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Do vậy, việc đóng cửa phố “cà phê đường tàu” nhận được nhiều ý kiến đồng tình của người dân.

Chị Lê Vân Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị đã từng đến quán cà phê đường tàu để tham quan. Mặc dù thấy các quán “cà phê đường tàu” tương đối đặc biệt và thú vị nhưng theo chị Vân Anh, vấn đề an toàn giao thông cho du khách vẫn cần được quan tâm hàng đầu.

Đóng cửa phố “cà phê đường tàu”: Nếu không nghiêm sẽ tạo tiền lệ tiêu cực
Khi tham quan phố "cà phê đường tàu", rất nhiều du lịch chụp ảnh ngay trên đường ray, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

“Trên thực tế, tôi đã chứng kiến một số quán cà phê bày bàn ghế hoặc xây dựng sát đường tàu. Thậm chí, du khách vẫn vô tư đứng trên đường ray tàu chụp hình, đi dạo trên đường tàu ngay cả khi đoàn tàu đã gần đến, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông. Theo tôi, việc đóng cửa các quán cà phê đường tàu là vô cùng cần thiết”, chị Vân Anh bày tỏ.

Đồng quan điểm với chị Vân Anh, ông Phạm Văn Hà (Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 5, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cũng nói thêm, chưa rõ mức độ đóng góp của các cửa hàng ở đây đem lại nguồn thu thế nào cho ngân sách, nhưng với những người có kiến thức pháp luật cơ bản cũng đủ hiểu hoạt động “cà phê đường tàu” là tự phát, không những vi phạm an toàn giao thông, trật tự xã hội, mà cũng chưa có cơ sở để được coi là phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế.

Cũng theo ông Hà, việc có ý kiến nào đó của du khách nước ngoài muốn “gìn giữ” hay “phát triển” thực chất chỉ là suy nghĩ cá nhân, hoặc cảm nhận mang tính hiếu kỳ trước hiện tượng lạ, tạo ra sự thú vị nhất thời. Trên thực tế thì mô hình “cà phê đường tàu” chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận rất nhỏ cư dân trong cộng đồng, nhưng tiềm ẩn hệ lụy khó lường, nếu không ngăn chặn sẽ tạo ra tiền lệ tiêu cực.

“Trên các tuyến đường sắt, đường bộ đang khai thác, bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến hành lang an toàn đều phạm luật. Do vậy, không thể vì sở thích ưa mạo hiểm của một số người mà đánh tráo khái niệm, cho đó là nét văn hóa đặc sắc, thu hút du khách quốc tế, phát triển du lịch. Việc kinh doanh, uống cà phê, chụp ảnh trên đường ray tàu hỏa có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân, cho người khác, cho cả đoàn tàu đang chạy”, ông Hà nhấn mạnh.

Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thì cho rằng, phố cà phê đường tàu là điểm du lịch hấp dẫn du khách song hoạt động du lịch cũng cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Do vậy, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm đồng tình với việc dẹp bỏ, đóng cửa các hàng quán, cà phê hoạt động vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Bởi không thể vì mục tiêu kinh tế mà bỏ qua sự an toàn cho du khách.

Đóng cửa phố “cà phê đường tàu”: Nếu không nghiêm sẽ tạo tiền lệ tiêu cực
Nhiều người dân đồng tình việc quyết liệt đóng cửa phố "cà phê đường tàu".

“Theo các quy định về đường sắt, khoảng cách tối thiểu của hành lang bảo vệ là 3m. Với các tuyến đường sắt đang khai thác, bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến hành lang an toàn này đều phạm luật. Khách du lịch có thể thấy lạ vì tò mò, nhưng việc mở quán cà phê hay buôn bán gần đường ray thực sự rất nguy hiểm, khó có thể xem là một nét văn hóa”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Liên quan đến việc siết chặt quản lý các quán “cà phê đường tàu”, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, những hành vi đi lại, thậm chí nằm trên đường ray để chụp ảnh không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn đường sắt mà còn là hình ảnh xấu, ảnh hưởng quá trình tuyên truyền pháp luật.

Hiện, UBND phường Hàng Bông đã phối hợp với các phường có đường sắt đi qua thành lập tổ công tác chung nhằm rà soát toàn bộ quán “cà phê đường tàu” trên địa bàn, yêu cầu ký cam kết dừng kinh doanh vì sự an toàn, sức khỏe, tính mạng của chính người dân, du khách. Lực lượng chức năng sẽ làm việc 3 ca để tránh tình trạng các cửa hàng mở bán sai quy định.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khẳng định quận Hoàn Kiếm không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào. Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm cũng đã chỉ đạo UBND các phường Hàng Bông, Cửa Nam, Cửa Đông ra quân tuyên truyền và quán triệt rõ ràng với người dân và du khách.

Về hướng ngăn chặn tái diễn vi phạm, theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, quận sẽ nghiên cứu thêm các đề án gắn với tuyến đường sắt để tạo điểm nhấn về du lịch, nhưng vẫn phải trên cơ sở đúng quy định pháp luật và đảm bảo sự an toàn tính mạng cho nhân dân.

Minh Phương - Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này