Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải thể hiện được tinh thần "dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát"

17:02 | 15/09/2022
(LĐTĐ) Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức sáng nay (15/9), nhiều ý kiến cho rằng cần thể chế hóa đầy đủ phương châm dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư...
Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) Trình Quốc hội xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào tháng 10/2022 Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ được mở rộng

Sáng 15/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), với sự tham dự của 3.462 đại biểu tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải thể hiện được tinh thần
Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Các ông: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, nhấn mạnh Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện Dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Luật Đất đai đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tập trung trí tuệ, thảo luận kỹ lưỡng và ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp, 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi. Đây là định hướng chính trị đặc biệt quan trọng để sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải thể hiện được tinh thần
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đã góp ý, phản biện vào một số nhóm vấn đề như: Cần xem xét tính thống nhất, khắc phục sự chồng chéo giữa Luật Đất đai với các quy định khác của pháp luật; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước các cấp (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp; bộ, ngành, địa phương) và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng để tập hợp ý chí, trí tuệ góp ý cho các dự thảo. Đến nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp nhận những đóng góp quan trọng, có giá trị từ các tổ chức, cơ quan và thành viên của MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc thể chế mục tiêu chính sách, giải pháp và điều kiện thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai; chế định những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tài chính và định giá đất đai, về thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm đảm bảo mọi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi ích.

Cùng với đó, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục làm rõ, thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó làm rõ được vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải thể hiện được tinh thần
Quang cảnh Hội nghị.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, các ý kiến đều ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã chuẩn bị Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) công phu, bài bản, khoa học, bám sát nội dung Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; bám sát thực tiễn và tuân thủ Hiến pháp, cơ bản tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng đặt ra trong thực tiễn. Bước đầu đã tạo được niềm tin về một Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đáp ứng mong đợi của nhân dân.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị ban chuyên môn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị để gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường - đơn vị chủ trì soạn thảo - tiếp thu và phản hồi với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định.

Trước Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra hôm nay, trong khuôn khổ hoạt động phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 1 hội nghị góp ý kiến và 2 hội nghị tọa đàm tại 2 địa phương để lấy ý kiến của lãnh đạo quản lý, những người trực tiếp thi hành luật ở địa phương đối với Dự thảo luật.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này