Nâng tầm tay nghề để không bị tụt hậu

09:04 | 15/09/2022
(LĐTĐ) Theo các chuyên gia lao động, một trong những “điểm nghẽn” của thị trường lao động Việt Nam hiện nay là trình độ và kỹ năng của người lao động vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trên thế giới, chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm thấp của ASEAN. Từ thực tế trên, trong số các giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đưa ra, việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động là giải pháp đáng chú ý.
Phát triển thị trường lao động theo hướng "nâng tầm" chất lượng Thị trường lao động đang phục hồi tương đối nhanh Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trình độ, kỹ năng tay nghề chưa cao

Đề cập về tình hình thị trường lao động trong thời gian gần đây, Bộ LĐTBXH cho biết, hiện nay, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Chất lượng việc làm được nâng lên, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện…

Nâng tầm tay nghề để không bị tụt hậu
Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, theo Bộ LĐTBXH, thị trường lao động ở nước ta vẫn còn bộc lộ những điểm yếu. Đáng chú ý, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động; trình độ và kỹ năng của người lao động vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trên thế giới.Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN.

Tại Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập do Văn phòng Chính phủ và Bộ LĐTBXH tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng của người lao động Việt Nam còn hạn chế chính là một trong những “điểm nghẽn” cản trở phát triển của thị trường lao động.

Ông Nguyễn Xuân Sơn đại diện Manpower tại Việt Nam cho biết, theo một khảo sát của Manpower, ở Việt Nam, tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao. Ngoài kỹ năng nghề, lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, tỷ lệ lao động sử dụng được tiếng Anh chỉ chiếm 5%. Điều này dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động Việt Nam còn thấp.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận xét, trên thực tế, lực lượng lao động tại Việt Nam có kỹ năng thấp. Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp 103/141 quốc gia về kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại; thứ 116 về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp. Vì độ vênh lớn giữa yêu cầu công việc và năng lực, kỹ năng của người lao động khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng.

Theo khảo sát kỹ năng và doanh nghiệp của WB năm 2019 với các doanh nghiệp Việt Nam, có 73% doanh nghiệp khảo sát gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng quản lý và lãnh đạo; 68% gặp khó khăn khi tuyển lao động có chuyên môn kỹ thuật, 54% gặp khó khăn khi tuyển lao động có kỹ năng cảm xúc xã hội…

Tăng cường giáo dục nghề nghiệp

Từ thực trạng nói trên, khi đưa ra các giải pháp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH và các chuyên gia đã nhấn mạnh các giải pháp liên quan đến đổi mới, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, về giải pháp trước mắt, Bộ LĐTBXH cho rằng, cần rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm đồng thời đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gẫy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.

Thứ hai, Bộ LĐTBXH cho rằng cần tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế - xã hội. Giải pháp cơ bản là đẩy mạnh truyền thông, làm tốt phân luồng học sinh sau trung học, bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bộ đề xuất Chính phủ có Nghị quyết miễn học phí học giáo dục nghề nghiệp đối với các ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn cho phục hồi kinh tế đồng thời, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo (triển khai nhanh chính sách đào tạo, đào tạo lại theo QĐ 1446/QĐ-TTg); có chính sách thẻ hoặc tín dụng ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong gắn kết với doanh nghiệp (vấn đề người dạy trong doanh nghiệp).

Về giải pháp lâu dài, Bộ LĐTBXH cho rằng, cần khẩn trương triển khai các điều kiện đảm bảo hiệu quả việc phân luồng, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời trong cộng đồng, trong công nhân lao động; Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền và liên kết vùng miền hiệu quả. Cùng với đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đa dạng hóa phương thức tổ chức quá trình dạy học, Đẩy mạnh mô hình đào tạo chất lượng cao.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường tiếp nhận, chuyển giao và nghiên cứu nhân rộng hiệu quả các bộ chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế; xây dựng các chuẩn đào tạo để thống nhất sử dụng trong đào tạo và trong đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho công nhân lao động; quy định cụ thể đối với các ngành nghề, công việc phải sử dụng lao động qua đào tạo; xây dựng chính sách tuyển dụng, trả lương, tiền công theo kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động.

Bộ LĐTBXH cũng đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách để triển khai các giải pháp nâng cao năng lực đào tạo nghề cho lao động, gồm: Chính sách tín dụng hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề cho công nhân đồng thời, quy định các chuẩn chuyên môn và điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề tại doanh nghiệp; thí điểm mô hình đào tạo tại doanh nghiệp bảo đảm phù hợp đối với đặc điểm, tính chất của công nhân lao động và điều kiện sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI; hình thành mạng lưới của những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về để làm việc cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ LĐTBXH sẽ triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia, phần mềm kết nối cung - cầu về lao động./.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này