Thoát nghèo nhờ Quỹ trợ vốn

09:04 | 15/09/2022
(LĐTĐ) Trong những năm qua, Quỹ trợ vốn Công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình trực thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội (gọi tắt là Quỹ trợ vốn), thực sự đã phát huy được vai trò là chỗ dựa đáng tin cậy cho hàng ngàn CNVCLĐ vươn lên thoát nghèo. Tại huyện Mê Linh, nguồn vốn vay này cũng đang được LĐLĐ huyện phối hợp với Quỹ trợ vốn triển khai hiệu quả, qua đó giúp đoàn viên, người lao động có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cải thiện cuộc sống từ vay vốn Công đoàn Giúp công nhân tránh xa “tín dụng đen” Trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ trợ vốn

Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

Chị Nguyễn Thị Bốn (Giáo viên Trường Mầm non Tiền Phong B, huyện Mê Linh) là một trong những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn từ nguồn vốn của Quỹ trợ vốn. Vợ chồng chị Bốn có 2 con nhỏ đang tuổi đi học, chồng chị làm bảo vệ với mức thu nhập thấp, tổng thu nhập của 2 vợ chồng mỗi tháng được khoảng hơn chục triệu đồng. Số tiền này cũng vừa đủ để vợ chồng chị trang trải sinh hoạt hàng tháng, không có tiền dư để tiết kiệm.

Thoát nghèo nhờ Quỹ trợ vốn
Mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Bốn bước đầu đã đưa lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Ảnh: Lương Hằng

Thời gian phải nghỉ dạy vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Bốn đã ấp ủ mong ước đầu tư một trang trại nhỏ để kiếm thêm thu nhập sau giờ làm việc. Cũng từ mong mong muốn đó, chị Bốn đã đề xuất với Công đoàn Trường Mầm non Tiền Phong B cho vay vốn từ Quỹ trợ vốn để có thêm vốn đầu tư trang trại. Ngay sau khi được giải ngân, chị Bốn đã triển khai mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi từ đầu năm 2022. Theo đó, với số tiền được vay 30 triệu đồng, chị đã đầu tư cơ sở vật chất để nuôi chó, gà và lợn trồng cây ăn quả. Từ khi triển khai đến thời điểm hiện tại, mô hình kinh tế của chị Bốn đã đem lại thu nhập mỗi tháng từ 5 - 6 triệu đồng (chưa trừ chi phí thức ăn chăn nuôi).

“Tôi thấy rằng việc vay vốn từ Quỹ trợ vốn có nhiều ưu điểm so với các hình thức vay vốn khác. Theo đó, thủ tục vay vốn rất đơn giản, quá trình giải ngân nhanh. Vốn vay không quá lớn nhưng cũng góp phần giúp tôi có thêm kinh phí để hoàn chỉnh mô hình kinh tế của mình.”- chị Bốn nói.

Không chỉ có chị Bốn được vay vốn từ Quỹ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, Công đoàn Trường Mầm non Tiền Phong B đã hỗ trợ cho nhiều đoàn viên khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn. Chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Tiền Phong B cho biết, sau khi nhận được thông báo của LĐLĐ huyện về việc triển khai hỗ trợ vốn vay, Công đoàn nhà trường đã triển khai tới tất cả đoàn viên. Theo đó, đoàn viên có nhu cầu vay vốn sẽ đăng ký với Ban Chấp hành Công đoàn, tiếp đó Công đoàn sẽ lựa chọn các đoàn viên có đủ điều kiện vay vốn để tổ chức vay vốn.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Mầm non Tiền Phong B đang có 12 đoàn viên tham gia vay vốn từ Quỹ trợ vốn. Nguồn vốn được các đoàn viên sử dụng để trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh. Tất cả nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và đã đem lại lợi nhuận hàng tháng, nhiều mô hình đạt hiệu quả cao.

Nói về hiệu quả của nguồn vốn vay từ Quỹ trợ vốn, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Tiền Phong B cho hay: Khi tham gia vay vốn, đời sống của cán bộ giáo viên được cải thiện hơn vì có thu nhập thêm ngoài tiền lương. Trong việc giải ngân vốn vay, Quỹ trợ vốn và LĐLĐ huyện cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn viên công đoàn. Qua nắm bắt, đa số đoàn viên của nhà trường khi tham gia vay vốn đều hài lòng về nguồn vốn vay này.

Mong muốn được thêm nguồn vốn vay

Có thể khẳng định, nguồn vốn vay từ Quỹ trợ vốn là một trong những nguồn vốn vay hiệu quả với đoàn viên huyện Mê Linh. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Mê Linh Trần Thị Ngọc Dung, nhận thấy nhiều đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn huyện Mê Linh còn gặp khó khăn trong cuộc sống, thiếu nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, trong những năm qua LĐLĐ huyện Mê Linh đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ đoàn viên, trong đó có công tác phối hợp với Quỹ trợ vốn để triển khai công tác vay vốn đến đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, LĐLĐ huyện Mê Linh đã phối hợp với Quỹ trợ vốn giải ngân vốn vay cho 79 đoàn viên với số tiền 2 tỷ 379 triệu đồng. Do đặc trưng là huyện phát triển về nông nghiệp, đặc biệt là trồng hoa chiếm cơ cấu lớn nên LĐLĐ huyện Mê Linh luôn ưu tiên và khuyến khích cho đoàn viên, CNVCLĐ vay vốn để sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng hoa màu, cây cảnh, chăn nuôi… Theo đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, đời sống của đoàn viên ngày càng được cải thiện, thu nhập tăng từ 3-4 triệu/tháng.

Để phát triển công tác vay vốn từ Quỹ trợ vốn trong đoàn viên Công đoàn trên địa bàn, LĐLĐ Mê Linh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Cụ thể, LĐLĐ Mê Linh đã tiếp cận và triển khai hướng dẫn tới các Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc về hoạt động vay vốn nhằm mục đích tạo điều kiện cho đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn tiếp cận với nguồn vốn từ Quỹ trợ vốn để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để phát triển kinh tế gia đình nâng cao mức thu nhập; mua sắm phương tiện sinh hoạt; cải thiện nhà ở; hỗ trợ học nghề… từ đó, giúp cho đoàn viên Công đoàn, người lao động yên tâm công tác.

Căn cứ đăng ký nhu cầu vay vốn của các CĐCS, hàng năm LĐLĐ huyện đều tiến hành khảo sát và thống kê số CNVCLĐ thực sự có nhu cầu vay vốn để đề nghị với Quỹ trợ vốn cho vay vốn. Đồng thời, LĐLĐ huyện cũng hướng dẫn cụ thể các thủ tục vay vốn cho CNVCLĐ và thủ tục tín chấp của CĐCS trong quá trình thực hiện vay vốn. Theo khảo sát nhu cầu vay vốn tại địa bàn Mê Linh trong năm 2022 là 4 tỷ 020 triệu đồng, so với dư nợ hiện tại là 1 tỷ 335 triệu đồng, nguồn vốn từ Quỹ trợ vốn đã đáp ứng được 33,2% nhu cầu vốn.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn vay, LĐLĐ huyện thường xuyên giám sát, kiểm tra sau vay vốn. Đối với những đơn vị đã được giải ngân vốn vay, LĐLĐ huyện hướng dẫn, đôn đốc các CĐCS thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định trả tiền lãi định kỳ hàng tháng. Do đó, huyện không có hiện tượng nợ đọng, nợ xấu. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, định kỳ LĐLĐ huyện đã tiến hành kiểm tra, khảo sát đối với những đơn vị, cá nhân đang vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Qua kiểm tra cho thấy các CĐCS đã lựa chọn đúng đối tượng cho vay, phần lớn người vay vốn sử dụng đúng mục đích vốn vay của Quỹ.

“Vốn vay của Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình được triển khai hàng năm là nguồn vốn vay hiệu quả, thiết thực đối với CNVCLĐ trên địa bàn, đặc biệt là các khối trường học, các cô giáo mầm non với thu nhập thấp. Với số vốn vay 30 triệu đồng ban đầu, nhiều cán bộ giáo viên nhân viên đã triển khai hiệu quả các mô hình, từ đó tăng thu nhập hàng tháng, giúp họ ổn định cuộc sống”- Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Mê Linh khẳng định.

Tuy nhiên, để hoạt động vay vốn đạt hiệu quả nhiều hơn nữa, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Mê Linh đã đề xuất một số kiến nghị với Quỹ trợ vốn. Cụ thể, về mức vay, đối với vay sản xuất kinh doanh cải thiện thu nhập, hiện tại mức vay 30 triệu đồng là tương đối thấp để có thể thực hiện một phương án kinh doanh, do đó huyện mong muốn tùy vào từng phương án, dự án kinh doanh, Quỹ trợ vốn có thể áp dụng các mức vay khác nhau từ 30 triệu đến 50 triệu đồng. Đối với vay cải thiện nhà ở, hiện nay nguyên liệu đầu vào xây dựng đang tăng rất cao, mức vay 40 triệu là tương đối thấp, bởi vậy Quỹ trợ vốn có thể nâng mức vay lên 50 triệu đồng để phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng đó, hiện tại tiền tiết kiệm bắt buộc hàng tháng người vay phải trả là 300.000 đồng, tương đương món vay 30 triệu đồng và 400.000 đồng, tương đương với món vay 40 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm bắt buộc này là tương đối cao so với các tổ chức khác do đó số tiền phải trả hàng tháng của người vay cũng tăng lên. Vì vậy, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Mê Linh đề nghị Quỹ trợ vốn có thể xem xét để giảm tiền tiết kiệm bắt buộc người vay phải trả hàng tháng xuống mức thấp hơn để đoàn viên có thể dễ dàng chi trả hàng tháng, có thêm chi phí trang trải cuộc sống./.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này