Quy định cơ chế hỗ trợ học phí của thành phố Hà Nội:

Nhân văn và tạo động lực học tập cho học sinh

09:04 | 15/09/2022
(LĐTĐ) Các nghị quyết liên quan đến học phí năm học 2022-2023 vừa được Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội thông qua đã nhận được những phản ứng tích cực từ dư luận. Quyết định đậm tính nhân văn một lần nữa khẳng định quan điểm của Thành phố luôn ưu tiên cho giáo dục; góp phần giảm gánh nặng cho gia đình học sinh và tăng động lực học tập cho học sinh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Hà Nội đề xuất không tăng học phí trong năm 2022-2023 Thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022-2023

Giảm bớt gánh nặng tài chính

Vừa qua, tại kỳ họp thứ chín HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết Quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023 và Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023.

Nhân văn và tạo động lực học tập cho học sinh
Học phí luôn là vấn đề được dư luận quan tâm.

Theo đó, mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố năm học 2022-2023 cụ thể như sau: Ở vùng thành thị (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các phường và thị trấn) các bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đều là 300.000 đồng/học sinh/tháng. Ở vùng nông thôn (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã trừ các xã miền núi), các bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là 100.000 đồng/học sinh/tháng; trung học phổ thông là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn xã miền núi), các bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là 50.000 đồng/học sinh/tháng; trung học phổ thông là 100.000 đồng/học sinh/tháng. Mức học phí theo hình thức học trực tuyến (online) bằng 75% mức học phí nêu trên.

Trong trường hợp sau thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực, Chính phủ ban hành quy định về việc giữ nguyên mức học phí năm học 2022-2023 bằng mức học phí năm học 2021-2022 thì mức thu học phí năm học 2022-2023 sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND Thành phố quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội năm học 2021-2022.

Theo HĐND thành phố Hà Nội, việc áp dụng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ là việc bắt buộc thực hiện theo lộ trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo và tại thời điểm này Thành phố quy định theo mức sàn (là mức thấp nhất) của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Đặc biệt, trong bối cảnh sau 2 năm đại dịch, đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, Thành phố sẽ dùng ngân sách để bù đắp phần chênh lệch tăng so với năm học trước và tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022-2023 như mức hỗ trợ năm học 2021-2022. Dự kiến, tổng mức ngân sách Thành phố hỗ trợ năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng.

Cùng với đó, cơ chế hỗ trợ học phí cho các đối tượng theo quy định cũng có kinh phí ngân sách khoảng hơn 17 tỷ đồng. Điều này không chỉ mang đến sự phấn khởi, vui mừng cho phụ huynh, nhà trường, mà còn thể hiện tính nhân văn trong việc ban hành chính sách và một lần nữa khẳng định quan điểm của thành phố Hà Nội luôn ưu tiên cho giáo dục.

Chính sách mang đậm tính nhân văn

Phải khẳng định, quyết định mang đậm tính nhân văn của Thành phố đã kịp thời động viên trẻ em, học sinh phổ thông, gia đình học sinh, qua đó tạo thêm động lực để toàn ngành khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Chị Đinh Thị Tuyến (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết, bản thân chị và gia đình cảm thấy rất vui mừng khi nghe tin năm học này, Thành phố tiếp tục hỗ trợ học phí cho học sinh. Chị Tuyến tâm sự, gia đình chị ở mãi tận vùng ngoại thành Ứng Hòa, lên Hà Nội mưu sinh cũng được gần 7 năm nay. Chị và chồng đều là những người lao động tay chân, tiền mỗi tháng kiếm được cũng chỉ đủ lo sinh hoạt và ăn học cho hai con.

“Với mong muốn con được học hành đàng hoàng, ở quê lại làm ăn khó khăn nên vợ chồng tôi quyết định lên Thành phố kiếm sống. Tôi bán rau mỗi ngày trung bình được khoảng 100.000 đồng. Chồng tôi làm nghề tự do, thu nhập được khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày. Bước vào năm học mới, điều tôi và chồng lo lắng nhất là các khoản đóng góp đầu năm. Nhà có 2 con nhưng hiện giờ trong nhà cũng không dư dả nhiều. Nay nhận được tin các con được giảm học phí tôi rất vui”, chị Đinh Thị Tuyến bày tỏ.

Là một phụ huynh có 3 con đang trong độ tuổi ăn học, chị Nguyễn Thị Hồng (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Khi nhận được thông tin này, tôi cảm thấy rất phấn khởi vì giảm bớt được gánh nặng về chi phí học hành của con. Hiện nhà tôi có 1 cháu học lớp 9, 1 cháu học lớp 3 và cháu còn lại học mẫu giáo. Cứ mỗi đầu năm học, các khoản thu bao gồm cả học phí của con luôn khiến tôi lo lắng. Kinh tế không thuộc dạng khá giả nên khoản chi này chiếm một phần lớn trong thu nhập của vợ chồng tôi. Chính vì vậy, tôi cho rằng đây là quyết định rất nhân văn của Thành phố”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam), quyết định rất kịp thời, có ý nghĩa không nhỏ trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh. Đây cũng là động lực để các gia đình yên tâm, có thêm nguồn lực quan tâm mua sắm thiết bị học tập và các điều kiện để giúp học sinh học hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, thành phố Hà Nội hiện còn có 2 đối tượng cần quan tâm đến. Một là con công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất, không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Hai là con của người lao động thuộc đối tượng di dân của thành phố Hà Nội. Đây là những đối tượng gặp khá nhiều khó khăn do thiếu sự ổn định. Do vậy cần xem xét, đưa họ vào đối tượng được hỗ trợ.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan (giáo viên Trường Trung học cơ sở Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, học phí luôn là vấn đề được dư luận quan tâm và luôn được Thành phố tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra những quyết định phù hợp thực tiễn. “Với các nghị quyết liên quan đến học phí năm học 2022-2023 vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, nếu chia trên đầu học sinh, có thể tuy không lớn, nhưng thực sự sẽ làm giảm bớt một phần gánh nặng đối với phụ huynh học sinh, đặc biệt những người có thu nhập thấp, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong thời điểm giá cả leo thang đang tác động rất lớn đến đời sống”, cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan bày tỏ.

Hiện nay, về cơ bản dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát. Kinh tế Thành phố đang từng bước phục hồi, ổn định. Tuy nhiên, đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc ban hành các nghị quyết này một lần nữa thể hiện chính sách ưu việt và là đặc thù riêng của thành phố Hà Nội, góp phần chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh và để đảm bảo an sinh xã hội./.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này