TP.HCM: Nguy cơ bùng dịch sởi do thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng

17:27 | 14/09/2022
(LĐTĐ) Từ tháng 5/2022, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) không còn nhận được vắc xin sởi liều đơn theo chương trình tiêm chủng mở rộng từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đến 31/8, TP.HCM đã cạn kiệt loại vắc xin này.
TP.HCM: Đồng loạt kiểm tra an toàn PCCC sau vụ cháy quán karaoke Bình Dương Gà Spa liên tục bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM "tuýt còi" TP.HCM: Hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong

Liên quan đến việc thiếu vắc xin sởi và DPT, chiều 14/9, Sở Y tế TP.HCM phát đi thông báo thông tin hiện nay nhu cầu loại vắc xin này hàng tháng của Thành phố là hơn 8.000 liều cho mỗi loại. Việc nguồn cung ứng 2 loại vắc xin có dấu hiệu bị gián đoạn, Sở Y tế Thành phố đã 3 lần gửi công văn (tháng 6, tháng 8 và tháng 9/2022) báo cáo Bộ Y tế và đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Chương trình tiêm chủng Quốc gia phân bố kịp thời đủ số lượng cho Thành phố, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn chưa nguồn vắc xin cung cấp cho Thành phố.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tháng 5/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã không nhận được 2 vắc xin sởi và DPT từ Viện Pasteur TP.HCM. Ngày 12/8, Viện Pasteur TP.HCM đã phân bổ 6.000 liều vắc xin DPT hạn dùng đến ngày 5/9 cho HCDC. Hiện số vắc xin này đã sử dụng hết.

Ngày 31/8, Viện Pasteur TP.HCM có thông báo kho vắc xin của Viện đã hết các loại vắc xin sởi và DPT. Với tình hình cấp vắc xin như vậy, ngành y tế TP.HCM đang thiếu 2 loại vắc xin sởi và DPT.

"Trước tình hình gián đoạn cung ứng 2 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin sởi đơn (tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi) và vắc xin DPT (tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi), một nguy cơ đáng lo ngại có khả năng cao xảy ra đó là thêm dịch sởi bùng phát chồng lên các dịch bệnh hiện hữu là rất lớn (dịch số xuất huyết và Covid-19)", đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết.

TP.HCM: Nguy cơ bùng dịch sởi do thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng
Tiêm vắc xin cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ảnh: HCDC

Trong tình hình gián đoạn tạm thời vắc xin sởi và DPT như hiện nay, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các trạm y tế phường, xã lập danh sách các trẻ đã đủ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng để mời tiêm ngay khi nhận được vắc xin từ chương trình, trong trường hợp các bậc phụ huynh quá lo lắng và muốn trẻ được tiêm đúng lịch, tư vấn cho phụ huynh có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm chủng.

Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên nhưng chưa được tiêm vắc xin sởi, trạm y tế có thể chỉ định tiêm vắc xin MR (sởi - rubella) trong chương trình TCMR, hoặc tư vấn tiêm MMR (sởi - quai bị - rubella) thuộc nhóm vắc xin dịch vụ (nếu phụ huynh có nhu cầu).

Trao đổi với Phóng viên Báo Lao động Thủ đô, đại diện Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước thành phố Thủ Đức, cho biết, tình trạng thiếu vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi đã xảy ra cách đây hơn 2 tháng, dự kiến phải đến cuối năm mới có lại loại vắc xin này. "Tình trạng này không chỉ diễn ra chỉ một phường mà trên toàn thành phố đều thiếu vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi", đại diện Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước nói thêm.

Ngoài Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước, một số trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn TP.HCM cũng xác nhận đã hết vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi các đây khoảng 2 tháng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, ngành y tế cần nhanh chóng tìm nguồn vắc xin phòng sởi để tiêm cho trẻ nhỏ. "Việc thiếu vắc xin sởi trong tiêm chủng mở rộng là vấn đề nghiêm trọng, cần phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao. Nếu tiêm chậm, dịch bệnh sẽ quay trở lại", bác sĩ Khanh lo ngại.

Bác sĩ Khanh cho biết, trẻ em dưới 12 tháng tuổi nếu không may mắc sởi thì nguy cơ chuyển nặng và biến chứng sang viêm phổi là rất cao. Đồng thời, tốc độ lây lan của sởi rất mạnh, thậm chí còn mạnh hơn Covid-19, vì vậy cần phải có biện pháp để kịp thời tiêm vắc xin phòng ngừa cho trẻ.

Theo Sở Y tế TP.HCM: Tính đến tháng 8/2022, trẻ sinh năm 2020 có tỷ lệ tiêm nhắc sởi mũi 2 (lúc 18 tháng tuổi) chỉ mới đạt 75,3% (thiếu 19,7% so với chỉ tiêu 95%), còn trẻ sinh năm 2019 tỷ lệ tiêm sởi mũi 2 đạt 83,6% (vẫn thiếu 11,4% so với chỉ tiêu 95%). Thêm vào đó, trong thời gian qua, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2021 vẫn chưa đạt do nguồn vắc xin sởi bị gián đoạn, chỉ mới đạt 79,9% (thiếu 15,1% so với chỉ tiêu đạt 95%).

Trong 3 năm qua (2019-2021), tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin sởi đều không đạt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và mới đây là gián đoạn nguồn cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên nguy cơ dịch sởi tái bùng phát là lớn hơn rất nhiều lần so với những đợt dịch trước.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này