Nới hạn mức tín dụng cho ngân hàng: Khơi thông các dòng vốn cho phát triển

08:51 | 13/09/2022
(LĐTĐ) Có khá nhiều chính sách tích cực từ đầu tháng 9, đang ủng hộ hoạt động tăng tốc phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của hệ thống ngân hàng.
“Siết” tín dụng, thị trường bất động sản được thanh lọc? Tạo nguồn lực ổn định triển khai chương trình chính sách tín dụng

Ngân hàng Nhà nước vừa đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho 15 ngân hàng. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước mạnh tay nới hạn mức tín dụng với mức điều chỉnh cấp thêm từ 1% - 4% cho các ngân hàng thương mại.

Nới hạn mức tín dụng cho ngân hàng: Khơi thông các dòng vốn cho phát triển
Ảnh minh họa.

Từ sau kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái thực hiện phân bổ hạn mức tín dụng còn lại trong khoảng hơn 4% của tổng chỉ tiêu tín dụng toàn ngành năm nay, 14% cho các ngân hàng theo tiêu chí về “sức khỏe” tài chính, quy mô tín dụng, hỗ trợ cơ cấu tổ chức tín dụng. Theo đó, tạm thời nỗi lo đứt mạch vốn khi các ngân hàng cạn hạn mức cũng phần nào được xóa bỏ.

Lãnh đạo một số ngân hàng chia sẻ, hạn mức tín dụng được cấp thêm sẽ được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước...

Mới đây, đại diện Vietcombank đã có những chia sẻ về hạn mức mới được cấp. Theo đó, đại diện ngân hàng này cho biết, trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 đó là kiểm soát tốt lạm phát, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng giới hạn tín dụng tối đa cho các tổ chức tín dụng trong năm 2022 để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2022.

Về phía Vietcombank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến 31/12/2022. “Như vậy, trong suốt cả năm 2022, Vietcombank đã được tăng tín dụng ở mức 17,7% so với số dư cuối kỳ vào thời điểm 31/12/2021”, một lãnh đạo Vietcombank cho hay.

Cũng theo đại diện Vietcombank, để được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến cuối năm 2022, trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã nỗ lực để đạt được xếp hạng hạng A theo Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước về quy định xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, ngân hàng cũng thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu về an toàn vốn, về thanh khoản, về chất lượng điều hành cũng như đạt kết quả tốt về hoạt động kinh doanh. Mặt khác, Vietcombank đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước như giảm lãi suất, cho vay đối với doanh nghiệp và người dân cũng như hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém.

“Sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa, Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Đặc biệt, ngân hàng vẫn duy trì kiểm soát thanh khoản, kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp, duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay, đảm bảo ở mức hợp lý, hỗ trợ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp”, đại diện ngân hàng Vietcombank cho biết thêm.

Tương tự, đại diện ngân hàng Sacombank cũng cho hay, hạn mức tín dụng được cấp thêm sẽ hướng vào các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Còn với bất động sản, việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

Được biết, Sacombank là ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng nhiều nhất trong đợt này với mức 4%. Với việc nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11%, từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ còn khoảng 15.000 tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế.

Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết đã chính thức nhận được hạn mức tín dụng mới. Mức tăng cụ thể tại các ngân hàng gồm: Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; SHB 3,2%; OCB 3,2%; VIB 3%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%...

Bên cạnh đó, với nguồn “vốn mồi” từ tín dụng, khả năng hoạt động thanh lý, phát mãi tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay mà các ngân hàng đưa ra thị trường, dễ dàng được hấp thu, giúp ngân hàng thu hồi vốn nhanh hơn. Nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội lựa chọn để đầu tư tìm kiếm lợi nhuận chênh lệch từ tài sản thanh lý khi thị trường có dòng vốn chảy nhanh hơn.

Ở một khía cạnh khác, cho đến hiện nay, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn đang phải chờ chính sách mới. Cụ thể là Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020. Nếu tính cả năm ngoái và năm nay thì thời gian khoảng 10 tháng cho một dự thảo lấy ý kiến thị trường, đi kèm là các nghị định phải liên tiếp sửa đổi từ 2020-2021, cho thấy cơ quan quản lý đang đặt mục tiêu chính sách phải đón trước thị trường và đảm bảo đúng định hướng phát triển ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, với một số quy định trong dự thảo mà nhiều góp ý chưa được sửa đổi, số phận nhiều doanh nghiệp, dự án sẽ bị mắc kẹt. Bởi nếu doanh nghiệp thực thi không được phát hành trái phiếu để góp vốn đầu tư cổ phần, lập công ty… cơ bản hầu như họ đã mất đi một nguồn trung và dài hạn có tính ổn định cao, chi phí thấp.

Với thị trường nợ, quy định này nếu được áp dụng, cũng tựa như nút thắt cổ chai trong hoạt động phát mãi tài sản, thanh lý thu hồi nợ. Bởi, quy định này sẽ phần nào đi ngược lại mục tiêu khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, tham gia vào thị trường nợ, trên cơ sở xây dựng nền tảng giao dịch nợ xấu, chứng khoán hoá nợ xấu, giao dịch thứ cấp/cấp ba. Qua đó, gián tiếp thu hẹp lối vào với các thỏa thuận chuyển nợ thành vốn góp, và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp.

Do đó, song song với những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tăng tốc những tháng cuối năm đã và đang được triển khai như nới hạn mức tín dụng, tăng cường giải ngân gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%, doanh nghiệp cũng mong đợi ngay trong tháng 9 này, Nghị định sửa đổi Nghị định 153 sẽ được ban hành. Đây không chỉ là nền tảng rất quan trọng để thị trường giao dịch tập trung sớm đi vào vận hành, mà còn là một trong những điều kiện để kênh dẫn vốn tín dụng “thông đường”, giúp giảm tiềm ẩn nguy cơ đối với các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm tăng áp lực về nợ xấu phát sinh tại một số ngân hàng.

Ghi nhận đầu năm 2022 đến nay, một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng nợ xấu cao 2 chữ số (VPB (+53%), CTG (+21,3%), TPB (+25,2%), MBB (+17,3%) -BT), điều này cũng sẽ hạn chế vốn tín dụng của các nhà băng này dành cho doanh nghiệp những tháng còn lại./.

Trong bối cảnh phải co kéo nguồn tín dụng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là ưu tiên phân bổ cho các nhà băng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh và hệ số an toàn cao. Bên cạnh đó, những nhà băng đi đầu trong việc thực thi các chính sách Chính phủ như nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, hoặc tham gia vào việc tái cơ cấu nhà băng yếu kém cũng là những đơn vị được ưu tiên khi phân bổ tín dụng. Từ việc nới hạn mức tín dụng, vừa qua các ngân hàng đã đồng lọt tăng lãi suất tiền gửi ở mức giao động 7,5%/năm làm nguồn vốn trong dân “chảy” mạnh vào hệ thống ngân hàng khiến nguồn cung vốn cho thị trường dồi dào góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này