Nâng tầm và gìn giữ di sản Hoàng thành Thăng Long

08:47 | 13/09/2022
Kể từ khi Hoàng thành Thăng Long được phát lộ, đã có nhiều nỗ lực của Thành phố nói chung và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nói riêng trong công tác trùng tu, gìn giữ và phát huy giá trị khu di sản này.
Bế mạc Hội thảo “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” Hướng đi mới để phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long

Minh chứng khẳng định những nỗ lực ấy là trong 2 ngày 8 và 9/9 vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội”.

Hội thảo đã tổng kết những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội từ 2002 đến nay, đặc biệt giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ học 10 năm gần đây tại khu vực Chính điện Kính Thiên (2011 - 2021).

Nâng tầm và gìn giữ di sản Hoàng thành Thăng Long
Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

PGS.TS Tống Trung Tín - Hội Khảo cổ học Việt Nam thông tin tại Hội thảo: Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên.

Nghiên cứu về Chính điện Kính Thiên thời Lê, TS Nguyễn Văn Sơn, Hội Sử học Hà Nội cho biết, điện Kính Thiên là kiến trúc quan trọng bậc nhất của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng, khởi dựng từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ, nơi đặt ngự tọa của Hoàng đế Đại Việt.Tại đây, Hoàng đế cử hành các đại điển lễ của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần... Do đó điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV - XVIII).

Các cuộc khảo sát, khai quật tại đây từ năm 2011, đến nay đã mở ra những hiểu biết mới về Chính điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên qua hệ thống di tích, di vật. Tuy nhiên, cấu trúc mặt bằng và phân gian kiến trúc điện Kính Thiên vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

“Căn cứ vào các nguồn sử liệu để nghiên cứu quá trình xây dựng, cấu trúc nền móng và phân gian kiến trúc của các chính điện triều Lý, Trần, Hồ, Lê (Lam Kinh) và Nguyễn từ đó đưa ra hướng nghiên cứu tìm hiểu về cấu trúc mặt bằng điện Kính Thiên. Kết quả nghiên cứu góp phần hướng tới việc nghiên cứu, phục dựng Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê trong khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”, TS Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm khôi phục kiến trúc từ di tích khảo cổ học, GS. Ueno Kumikazu - GS. Danh dự Đại học nữ sinh Nara, Nhật Bản cho hay: Trong quá trình nghiên cứu, thường chúng tôi phải dựng mô hình ở tỉ lệ 1/50 đến 1/100. Chúng tôi kiểm tra các vấn đề khác nhau trong quá trình phục dựng. Khi đón công chúng tới thăm quan công trình phục dựng, chúng ta phải lưu ý ít nhất 2 vấn đề an toàn và bảo tồn hiện vật nguyên gốc.Trong đó, an toàn - sau khi hoàn thành việc xây dựng lại, mọi người sẽ vào tham quan. Chúng ta cần thiết lập an toàn trong các công trình được phục dựng lại; bảo tồn các di tích khảo cổ - công trình được phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ được phá hủy các hiện vật có giá trị nguyên gốc.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia phụ trách văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung tâm Di sản thế giới Nao Hayashi nhấn mạnh: “Bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu đòi hỏi liên tục suy ngẫm, chiêm nghiệm và đổi mới để mang lại sự hài hòa giữa nhu cầu cuộc sống hiện đại, các giá trị di sản và khát vọng của người dân về một tương lai tốt đẹp hơn. Mục tiêu chính của việc ghi danh là để bảo quản tài sản này một cách tốt nhất. Chính vì vậy việc trang bị cho khu di sản những kinh nghiệm trong bảo tồn là cần thiết. Trong đó, cần luôn lưu ý, xác định rõ những yếu tố xác thực của di sản để công tác phát huy giá trị đúng trọng tâm”.

Nêu những vấn đề đặt ra trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Quốc hội, cho biết, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là việc làm cần thiết đối với mọi di sản. “Với Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long công tác này có ý nghĩa lớn lao hơn. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong công tác này. Tuy nhiên, những kết quả ghi nhận trong những năm qua chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân Thủ đô về một di sản tầm cỡ như Hoàng thành Thăng Long”, TS Nguyễn Viết Chức thẳng thắn cho biết.

Theo TS. Nguyễn Viết Chức, những khó khăn đang đặt ra trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long như di sản được hình thành và tồn tại trong thời gian dài hơn 13 thế kỷ với nhiều biến động theo thời gian và thăng trầm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội có tác động trực tiếp đến di sản.Về di sản vật thể, các di sản quan trọng của 3 triều đại phong kiến Việt Nam Lý - Trần - Lê hầu như chỉ còn dấu tích trong lòng đất. Hiện trên mặt đất chỉ còn một số di tích thời Nguyễn và một số công trình thời Pháp.

Việc phục dựng các di sản trong Hoàng thành phải chấp nhận phương án tối ưu, nghĩa là giữ được cái này có thể phải hy sinh cái kia. Vấn đề này đòi hỏi phải nghiên cứu thận trọng và có ý kiến của các nhà khoa học và các cơ quan có thẩm quyền.

Trước những khó khăn trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Quốc hội kiến nghị thành phố Hà Nội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tờ trình UNESCO về phương pháp bảo tồn có chọn lọc, trên cơ sở đó trình việc phục dựng điện Kính Thiên, đồng thời triển khai ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành.../.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này