Tổ 12, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy: Nhiều hộ dân trước nguy cơ "3 không"

15:49 | 12/09/2022
(LĐTĐ) Không chỉ “sống mòn” tại chính ngôi nhà của mình do những vướng mắc về quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng,… mà việc thực hiện các quyền lợi hợp pháp, chính đáng trong việc tiếp cận các dịch vụ sinh hoạt của một số hộ dân tại tổ 12, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng đang gặp khó, khi họ không thể đăng ký tạm trú dẫn đến cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bãi rác tự phát "bức tử" môi trường khu dân cư “Phình to” hơn sau chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy Quận Cầu Giấy ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông - trật tự đô thị

“Mắc kẹt” trong chính nhà của mình

Phản ánh đến Báo Lao động Thủ đô, hàng chục hộ dân thuộc tổ 12, phường Yên Hòa cho biết, thời gian gần đây, cuộc sống của người dân liên tục gặp xáo trộn. Theo đó, người dân không chỉ phải sống trong cảnh tạm bợ, nhà cửa xuống cấp, hư hỏng không được sửa chữa mà họ còn chịu nhiều “áp lực mềm” ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.

Đơn cử như việc một số hộ trước đó đã được chính quyền công nhận việc mua bán đất, quyền cư trú... nhưng hiện nay họ không thể thực hiện được các quyền công dân tối thiểu của mình như đăng ký tạm trú, ký kết thực hiện các hợp đồng kinh doanh, hợp đồng điện, nước, khám chữa bệnh,… khiến cuộc sống của họ ở đây đứng trước nguy cơ “3 không” đó là: Không được công nhận cư trú hợp pháp, không điện, không nước sinh hoạt.

Tổ 12, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy:  Nhiều hộ dân trước nguy cơ
Khu vực nhà ông Thành bị đào rãnh, xung quanh ngôi nhà ngổn ngang rác thải, phế thải xây dựng.

Ông Nguyễn Đức Thành, người dân sinh sống tại Tổ dân phố 12, phường Yên Hòa cho biết, năm 2001,gia đình ông mua lại mảnh đất tại địa chỉ số 22 ngõ 184/41 Hoa Bằng, Yên Hòa từ gia đình ông Nguyễn Văn Liên (việc mua bán này đã được chính quyền UBND phường Yên Hòa xác nhận và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh Cầu Giấy đã cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai vào năm 2017, đồng thời sinh sống ổn định cho đến khi việc bồi thường, giải phóng mặt bằng Khu đô thị mới Dịch Vọng diễn ra.

Sau khi thực hiện xong thủ tục mua bán đất tại Tổ dân phố 12, gia đình ông Thành đã thực hiện đầy đủ việc khai báo và đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương. Đồng thời, từ năm 2012 sau khi được chính quyền hướng dẫn, gia đình ông Thành đã thực hiện việc đóng thuế đất đầy đủ.

Cũng trong năm 2012, để phát triển sản xuất, mở rộng hoạt động kinh doanh, gia đình ông Thành đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh và thành lập Công ty TNHH Sản xuất TMDV và Đầu tư Thành Nam, địa chỉ đăng ký kinh doanh tại căn nhà số 22, ngõ 184/41 Hoa Bằng, Tổ 12, phường Yên Hòa. Để tiến hành việc đăng ký kinh doanh này, ông Thành đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật trong đó có việc đăng ký tạm trú hợp pháp.

Tổ 12, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy:  Nhiều hộ dân trước nguy cơ
Việc đào rãnh sâu quanh nhà, khiến ngôi nhà của ông Thành bị tụt móng gây sụt lún, nứt vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của gia đình.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo nguồn điện sản xuất, kinh doanh, ông Thành đã liên hệ với Công ty Điện lực Cầu Giấy để thay đổi Hợp đồng mua bán điện từ với mục đích: 50% sản xuất, 50% sinh hoạt theo giá điện bậc thang. Tuy nhiên đến năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Sản xuất TMDV và Đầu tư Thành Nam bị ảnh hưởng nặng nề và phải đóng cửa. Thời điểm này, ông Thành đã có đơn gửi Công ty Điện lực Cầu Giấy thông báo về việc dừng sử dụng điện sản xuất và mong muốn chuyển sang sử dụng điện sinh hoạt.

Tuy nhiên, việc thay đổi Hợp đồng mua bán điện với gia đình ông Thành gặp khó do ông Thành không thể cung cấp một số giấy tờ như thủ tục tạm trú theo yêu cầu của Công ty Điện lực Cầu Giấy (giấy tờ tạm trú trước đó đã hết thời hạn). Để hoàn thiện thủ tục này, ông Thành đã đến Công an phường Yên Hòa và UBND phường Yên Hòa xin xác nhận tạm trú và gia hạn tạm trú, nhưng yêu cầu của gia đình ông Thành bị bác bỏ với lý do: Ông Thành đang cư trú bất hợp pháp trên thửa đất mà ông đã mua lại của ông Liên trước đó?

Thực tế từ đó đến nay, gia đình ông Thành từ việc được UBND phường Yên Hòa cấp Giấy chứng nhận “Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục (2015 - 2017), bỗng nhiên đứng trước nguy cơ trở thành hộ gia đình 3 không: Bị thu hồi Giấy xác nhận đăng ký đất đai; không được đăng ký tạm trú; không được xác nhận công dân của phường. Đồng thời, gia đình ông Thành cũng phải đối diện với nguy cơ sống giữa Thủ đô mà không được sử dụng các dịch vụ, nhu cầu thiết yếu hàng ngày như: Dịch vụ điện, nước, giáo dục, y tế,… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ghi nhận của phóng viên, hiện tại xung quanh khu vực nhà ông Nguyễn Đức Thành đang sinh sống có nhiều rãnh đất bị đào sâu gây sụt lún, nứt vỡ một số nơi trong ngôi nhà. Phía bên ngoài, nhiều ngôi nhà được giải tỏa nửa vời, quây tôn tạm bợ. Phía đầu ngõ, Chủ đầu tư gắn biển thông báo với nội dung (di chuyển tài sản và bàn giao mặt bằng)...!

Tổ 12, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy:  Nhiều hộ dân trước nguy cơ
Người dân Tổ 12, phường Yên Hòa tập trung phản ánh trước tấm biển thông báo di chuyển tài sản và bàn giao mặt bằng của Công ty Cổ phần Xây dựng Từ Liêm.

Cần giải quyết dứt điểm

Không chỉ đứng trước nguy cơ sống “3 không” trong chính ngôi nhà của mình, hơn chục hộ dân tại tổ 12 cũng phản ánh những “bức xúc” của chính mình về con đường dân sinh trong khu vực liên tục bị gây “áp lực” nhưng chính quyền địa phương lại không ngó nghiêng, giải quyết.

Cụ thể, theo phản ảnh của người dân, vào khoảng 23h ngày 2/7/2022, có một xe trộn bê tông tươi mang biển số 29H-820.91 đi từ hướng đường Dương Đình Nghệ vào ngách 41. Tại đây, họ dựng cốp pha, sắt và chặn bằng nhiều bao tải phế liệu để đổ bê tông. Người dân sau đó đã phát hiện và trình báo Tổ trưởng Tổ dân phố và lực lượng Công an phường Yên Hòa.

Trước đó, vào ngày 30/6, người dân cũng cho biết, có người tự xưng là nhân viên Công ty Cổ phần Xây dựng Từ Liêm đến đọc loa yêu cầu người dân di dời để rào tôn, trả lại mặt bằng quy hoạch, mặc dù một số hộ dân ở đây vẫn chưa giải quyết xong việc thỏa thuận về giá bồi thương với Chủ đầu tư.

Tổ 12, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy:  Nhiều hộ dân trước nguy cơ
Con đường dân sinh qua Tổ 12 phường Yên Hòa ngập rác trước khi được dọn hết.

Cũng bức xúc về cách hành xử của Công ty Cổ phần Xây dựng Từ Liêm, bà Nguyễn Thị Thuận, người dân sinh sống tại đây cho biết, việc tiến hành rào đường, chặn lối đi dân sinh của người dân vào tháng 7/2022 không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp này thực hiện. Trước đó, Chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng đã có ý định triển khai rào chắn nhiều lần, nhưng bị người dân phản đối, đồng thời sự việc cũng đã được trình báo đến chính quyền địa phương, tuy nhiên sự việc không được giải quyết triệt để đã gây nhiều bức xúc, hoang mang, lo lắng cho người dân.

“Thực tế, doanh nghiệp không rào phần đất mà họ đã nhận chuyển nhượng từ các gia đình trước đây; mà họ muốn bịt lại con đường dân sinh mà người dân đang sinh sống tại Tổ dân phố 12 đã sử dụng nhiều năm nay”, bà Nguyễn Thị Sen, cư dân tổ 12, phường Yên Hòa cho biết.

Không chỉ gặp rắc rối trong việc bị doanh nghiệp liên tục “dọa” rào chắn lối đi, theo phản ánh của một số người dân, trước đó Công ty Cổ phần Xây dựng Từ Liêm đã cho người đến đào rãnh nước, rào chắn xung quanh khu vực đất, nhà ở của một số hộ dân đã giải phóng mặt bằng gây lún, nứt và sụt lún nghiêm trọng tại một số hộ. Đặc biệt là sau những trận mưa lớn, nước thải tràn ra lênh láng, ngập sâu tại các rãnh nước khiến người dân phải sống trong cảnh hôi thối, ngập lụt mỗi khi mưa về.

Tổ 12, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy:  Nhiều hộ dân trước nguy cơ
Xung quanh khu vực là ngổn ngang rác thải và phế thải xây dựng.

Để xác minh thông tin phản ánh của người dân, ngày 9/8, phóng viên báo Lao động Thủ đô đã liên hệ và gửi Giấy giới thiệu đến UBND quận Cầu Giấy. Sau khi tiếp nhận nội dung làm việc của phóng viên, Văn phòng UBND quận Cầu Giấy đã chuyển nội dung làm việc sang Phòng Tài nguyên môi trường quận. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sau nhiều lần liên hệ làm việc, chúng tôi vẫn chưa được Phòng Tài nguyên môi trường quận sắp xếp lịch.

Được biết, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên môi trường quận hiện nay là ông Hoàng Trung Kiên, nguyên Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (nhiệm kỳ 2016-2021); người nắm rất rõ những vướng mắc của các hộ dân tại tổ 12, Yên Hoà.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, những tồn tại như phản ánh của người dân có nguyên nhân xuất phát từ những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.

Thiết nghĩ, trong khi chờ các cơ quan chức năng xác minh thông tin, thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng,... đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị cung ứng dịch vụ như điện, nước, y tế, giáo dục,… tạo điều kiện để người dân được thụ hưởng các quyền cơ bản của mình như quyền tiếp cận các dịch vụ điện, nước, đăng ký thường trú theo đúng quy định của luật pháp. Đồng thời, các cơ quan chức năng, Chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đưa vào sử dụng quỹ đất tại Khu đô thị mới Dịch Vọng đã được UBND Thành phố bàn giao, sử dụng đúng mục đích, đúng tiến độ và đảm bảo lợi ích cho người dân có quyền lợi liên quan...

Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Anh Tuấn - Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này