Phát huy các thế mạnh để xây dựng nông thôn mới

18:54 | 07/09/2022
(LĐTĐ) Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ đã đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, đổi mới, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Huyện Mê Linh chuyển mình sau 10 năm xây dựng nông thôn mới Xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao thu nhập cho người dân Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện Phúc Thọ cho thấy, huyện đã chỉ đạo, tập trung phát huy các thế mạnh phát triển kinh tế ở từng địa phương; từng bước phát triển dịch vụ, thương mại, làng nghề tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch; quan tâm thu hút đầu tư mở rộng sản xuất; huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.

Đến nay, 20/20 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và huyện đạt 9/9 tiêu chí. Trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: 100% đường trục xã, liên xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% các xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2018-2020; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh ở các xã đạt 100%...

Xây dựng nông thôn mới tại huyện Phúc Thọ theo hướng nâng cao, kiểu mẫu
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Phúc Thọ.

Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 62 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 5 lần so với năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm đạt 97,5%.

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện đã từng bước đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, huyện đã thực hiện chuyển đổi 480ha rau an toàn, 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả, 28ha diện tích ứng dụng công nghệ cao và 3.063ha lúa chất lượng cao, tạo tiền đề cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Xây dựng, phát triển nhãn hiệu cho 8 sản phẩm; một số sản phẩm đã sử dụng tem Qrcode để truy xuất nguồn gốc sản xuất.

Đặc biệt, huyện Phúc Thọ đã huy động được nguồn lực lớn trong xây dựng nông thôn mới. Ngay từ giai đoạn đầu triển khai Chương trình, huyện đã xác định xây dựng nông thôn mới có điểm đầu không có điểm kết thúc, Nhà nước và nhân dân cùng làm, lấy sức dân là chính, người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng. Do đó, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, công trình, hiện vật, ngày công, tiền của ủng hộ xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn từ năm 2010 - 2020, tổng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện là 4.028 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và nhân dân đóng góp là 1.114 tỷ đồng (chiếm trên 29%). Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, ngày càng văn minh, khang trang, sạch đẹp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; 100% số xã có lực lượng dân quân và quân dự bị động viên hoạt động tốt...

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.

Quyết tâm thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến
Diện mạo huyện Phúc Thọ ngày càng khang trang.

Theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch, nhất là quy hoạch các vùng kinh tế, các khu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp chuyên canh chất lượng cao, khu đô thị sinh thái. Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm.

Huyện cũng sẽ chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung; thực hiện hiệu quả chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); tiếp tục thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào huyện theo hướng sạch, an toàn, thân thiện môi trường.

Cạnh đó, huyện tập trung nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt Cuộc vận động “Ba sạch”; chăm lo đời sống của nông dân. Huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công và công tác giảm nghèo bền vững. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các nhà trường.

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Thực hiện tốt Đề án Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng để phát triển huyện.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này