Không nên tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà

10:13 | 08/09/2022
(LĐTĐ) Theo các chuyên gia y tế, khi mắc sốt xuất huyết, người dân không nên tự truyền nước hoặc sử dụng dịch vụ y tế tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chủ quan, tự chữa tại nhà, nên nhập viện muộn trong tình trạng nguy kịch, khiến việc điều trị càng trở trở lên khó khăn và tốn kém hơn.
Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát Tuân thủ các khuyến cáo, ngăn nguy cơ “dịch chồng dịch”

Ngừng tuần hoàn do sốt xuất huyết

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 8 tháng năm 2022, toàn Thành phố ghi nhận hơn 1.400 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021). Một số quận, huyện có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao như: Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì...

Theo nhận định, dịch sốt xuất huyết sẽ gia tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10 tới. Hiện, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng khoảng 20%/tuần. Đáng lo ngại, tại một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố, nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện muộn trong tình trạng nguy kịch.

Không nên tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Đơn cử, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chỉ tính riêng trong 2 tuần qua Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 8 ca mắc sốt xuất huyết nặng. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Hiện Khoa đang điều trị cho 4 ca sốt xuất huyết nặng, trong đó có 2 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch do nhập viện điều trị muộn.

Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân 42 tuổi (ở Đan Phượng, Hà Nội) vào viện ở ngày thứ 6 của bệnh. Bệnh nhân có bệnh lý nền đái tháo đường type 2.Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, đau mỏi người đi khám và điều trị tại nhà hai ngày thấy mệt hơn, sau đó được đưa vào Bệnh viện Đan Phượng và tiếp tục chuyển vào Bệnh viện Đống Đa chẩn đoán sốt xuất huyết ngày thứ 6. Khi có dấu hiệu nặng, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

"Tại thời điểm bệnh nhân vào viện, người bệnh đã có hiện tượng ngừng tuần hoàn và đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công. Sau đó bệnh nhân có dấu hiệu đông máu nặng nề, suy đa tạng, suy hô hấp và được đặt nội khí quản, thở máy. Ngoài ra, bệnh nhân cũng xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu nặng nề, chảy máu nhiều ở đường tiêu hóa, xuất huyết trong cơ nên cũng đang được điều trị lọc máu liên tục", bác sĩ Hùng cho biết. Hiện bệnh nhân vẫn được sử dụng thuốc vận mạch để tăng huyết áp, truyền các chế phẩm của máu.

Tương tự là trường hợp nữ bệnh nhân 38 tuổi vào viện khi đã ở ngày thứ 4 nhiễm bệnh. Bệnh nhân này có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. "Sau khi có triệu chứng sốt cao, đau đầu, bệnh nhân tự điều trị ở nhà 2 ngày không đỡ, kèm thêm các triệu chứng, đau mỏi người, nôn nhiều. Bên cạnh đó, bệnh nhân có tình trạng rối loạn ý thức nên gia đình đã chuyển ngay bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương", bác sĩ Hùng cho biết.

Khi vào viện, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tình trạng khó thở, thiếu máu, có tổn thương ở phổi. Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành truyền dịch, thuốc vận mạch và đặt thở máy cho bệnh nhân. Bệnh nhân còn bị rối loạn đông máu khá nặng, có hiện tượng tăng kali máu và nhanh chóng được hỗ trợ thở oxy nhưng không hiệu quả.

Hiện tại, tình trạng suy thận tăng lên và đã được lọc máu liên tục để cân bằng toan kiềm và giải quyết vấn đề suy thận của người bệnh. Bác sĩ Hùng cho biết, tiên lượng về bệnh nhân này tương đối nặng. Hy vọng đáp ứng của bệnh nhân điều trị tốt thì sẽ qua được.

Trước đó, tại Bệnh viện Thanh Nhàn cũng ghi nhận bệnh nhân do nhầm lẫn triệu chứng giữa Covid-19 và sốt xuất huyết nên cũng nhập viện muộn khiến bệnh thêm trầm trọng. Cụ thể trường hợp nam thanh niên 26 tuổi, mắc sốt xuất huyết đúng lúc dịch Covid-19 cao điểm (năm 2021) nên ngại đến viện thăm khám.

Khi xuất hiện tình trạng nặng, được đưa vào viện thì tiểu cầu của bệnh nhân đã giảm gần như bằng không, bị biến chứng tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, xuất huyết nhiều nơi. Trường hợp ca bệnh này sau đó được bác sĩ cứu sống, nhưng khó tránh khỏi di chứng lâu dài.

Nên đi khám để đảm bảo an toàn

Theo Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ươngphân tích,một trong những yếu tố quan trọng nhất khi bệnh nhân được chẩn đoán là sốt xuất huyết thì cần phải theo dõi rất sát các dấu hiệu sinh tồn, cũng như các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện trong quá trình bệnh nhân nhiễm bệnh.

"Sốt xuất huyết diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi, đây là giai đoạn bệnh nhân có hiện tượng thoát huyết quản. Tại thời điểm này, nguy cơ bệnh nhân sẽ đi vào xuất hiện các cảnh báo và đi vào sốc", bác sĩ Hùng lưu ý.

Còn theo Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn Nguyễn Thu Hường cho biết: "Biến chứng nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu, từ đó dẫn tới tình trạng xuất huyết não, xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng…Trong đó xuất huyết nội tạng rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Chính vì vậy, mọi người khi có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để thăm khám, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định xem có cần nhập viện hay không".

Bác sĩ Hường cho rằng, nhiều trường hợp nhập viện gần đây thường nhầm lẫn sốt xuất huyết với Covid-19. Có người nghĩ mình bị Covid-19, cho rằng đã tiêm vắc xin rồi chỉ 1-2 ngày sẽ đỡ. Thậm chí có trường hợp test âm tính thì lại càng yên tâm hơn."Đây thực sự là vấn đề rất đáng cảnh báo, vì mắc sốt xuất huyết tiểu cầu giảm nhanh, nếu không được can thiệp thì sẽ rất nguy hiểm", bác sĩ Hường cảnh báo.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Hùng cho rằng, hiện miền bắc đang trong giai đoạn cao điểm của dịch. Tuy nhiên, vẫn có bộ phận người dân còn nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết với Covid-19, do đó khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch. Bởi vậy, Bác sĩ Hùng khuyến cáo, trong bối cảnh “dịch chồng dịch” như hiện nay, người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán.

Khi có dấu hiệu sốt cao, nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng sốt thông thường nên tự ý dùng thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt, đến khi bệnh trầm trọng thì mới nhập viện điều trị. Điều này hết sức nguy hiểm.

“Người bệnh không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh thêm.

Theo các chuyên gia y tế, số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn lưu hành, thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: Sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Bên cạnh đó, trước thông tin không ít người cho rằng, sốt xuất huyết đã mắc một lần là có miễn dịch và không mắc lại, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, điều này không đúng bởi sốt xuất huyết có nhiều tuýp khác nhau và có thể mắc lại nhiều lần. Mỗi lần mắc bệnh là do một tuýp vi rút khác nhau, do cơ thể chỉ tạo ra miễn dịch với tuýp vi rút đó chứ chưa có khả năng chống lại các tuýp còn lại./.

Theo các chuyên gia y tế, với trường hợp mẹ có con nhỏ nếu mắc sốt xuất huyết không nên dừng cho con bú, vì sốt xuất huyết lây qua vật chủ trung gian là muỗi chứ không lây qua sữa mẹ. Đồng thời, để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch ngay tại nhà.

Trong đó, cần thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như xô, thùng, chậu, lọ hoa. Lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng… Bên cạnh đó, người dân cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch và trong các đợt thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy nhằm phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này