Tuân thủ các khuyến cáo, ngăn nguy cơ “dịch chồng dịch”

15:58 | 01/09/2022
(LĐTĐ) Hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó, thời điểm này đang là cao điểm dịch sốt xuất huyết, lại thêm nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có khả năng xâm nhập vào nước ta,… đặt ra không ít khó khăn trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đứng trước nguy cơ “dịch chồng dịch”, ngành Y tế đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp ứng phó dịch bệnh hiệu quả.
Ngành Giáo dục và Đào tạo: Nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ 8 nhiệm vụ trọng tâm để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả

Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã được khống chế, số ca mắc có xu hướng giảm. Tuy nhiên, biến thể phụ của biến chủng Omicron đã xuất hiện ở trong nước, có khả năng lây lan nhanh, nên dịch Covid-19 vẫn rất khó lường. Trong khi đó, đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong một bộ phận người dân, nhiều người không thực hiện việc tiêm mũi vắc xin nhắc lại theo chủ trương của Nhà nước và khuyến cáo của ngành Y tế, để tăng cường việc phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Tuân thủ các khuyến cáo, ngăn nguy cơ “dịch chồng dịch”
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh. Ảnh: Minh Khuê.

Cùng với tình hình dịch Covid-19, hiện tại dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang vào “mùa” với số mắc liên tục tăng cao trong những tuần gần đây. Tại một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã gia tăng ca mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng. Điển hình, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng, thậm chí đã có ca tử vong. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 2 tuần nay, Khoa Cấp cứu tiếp nhận 8 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trong đó có 1 bệnh nhân đã tử vong. Hiện có 3 trường hợp sức khỏe tiến triển và được chuyển về tuyến dưới để theo dõi thêm.

Trường hợp tử vong là nam thanh niên vào viện ở ngày thứ 6 của bệnh. Khi được chuyển vào Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã có dấu hiệu suy hô hấp, xuất huyết trong cơ, thoát dịch, rối loạn chuyển máu nặng, suy đa tạng. Dù đã đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng bệnh nhân tiên lượng nguy kịch, chuyển viện khác và tử vong sau đó.

Hiện Khoa đang điều trị cho 4 ca sốt xuất huyết nặng, trong đó có 2 bệnh nhân hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Đơn cử như trường hợp nữ bệnh nhân 38 tuổi vào viện khi đã ở ngày thứ 4, là giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết. Bệnh nhân này có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. "Sau khi có triệu chứng sốt cao, đau đầu, bệnh nhân tự điều trị ở nhà 2 ngày không đỡ, kèm thêm các triệu chứng đau mỏi người, nôn nhiều. Bên cạnh đó, bệnh nhân có tình trạng rối loạn ý thức nên gia đình đã chuyển ngay bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương", bác sĩ Hùng cho biết.

Khi vào viện, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tình trạng khó thở, thiếu máu, có tổn thương ở phổi. Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành truyền dịch, thuốc vận mạch và đặt thở máy cho bệnh nhân. Bệnh nhân còn bị rối loạn đông máu khá nặng, có hiện tượng tăng kali máu và nhanh chóng được hỗ trợ thở oxy nhưng không hiệu quả.

Hiện tại, tình trạng suy thận của bệnh nhân tăng lên và đã được lọc máu liên tục để cân bằng toan kiềm và giải quyết vấn đề suy thận của người bệnh. Bác sĩ Hùng cho biết, tiên lượng về bệnh nhân này tương đối nặng. Hy vọng đáp ứng của bệnh nhân điều trị tốt thì sẽ qua được.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Cũng theo Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một trong những yếu tố quan trọng nhất khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết thì cần phải theo dõi rất sát các dấu hiệu sinh tồn, cũng như các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện trong quá trình bệnh nhân nhiễm bệnh. "Sốt xuất huyết diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi, đây là giai đoạn bệnh nhân có hiện tượng thoát huyết quản. Tại thời điểm này, nguy cơ bệnh nhân sẽ đi vào xuất hiện các cảnh báo và đi vào sốc", bác sĩ Hùng lưu ý.

Hiện miền Bắc đang trong giai đoạn cao điểm của dịch. Tuy nhiên, vẫn có bộ phận người dân còn nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết với Covid-19, do đó khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ Hùng khuyến cáo, trong bối cảnh “dịch chồng dịch” như hiện nay, người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán.

Đặc biệt, người dân khi mắc sốt xuất huyết cũng không nên tự truyền nước tại nhà hoặc sử dụng dịch vụ y tế tại nhà mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhân viên y tế là hết sức nguy hiểm. Bên cạnh đó, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được truyền dịch. Trong bệnh cảnh của sốt xuất huyết, những ngày đầu tiên có thể truyền dịch được, còn thời điểm bệnh nhân đang trong giai đoạn thoát dịch, việc truyền dịch không được kiểm soát dễ dẫn đến tràn dịch ở các mạch, tràn dịch màng phổi, tim, bụng, có thể làm nặng thêm tình trạng của bệnh của bệnh nhân…

Riêng với Covid-19, để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế tiếp tục nhấn mạnh vai trò của tiêm vắc xin là vô cùng quan trọng. Trong đó, các nghiên cứu mới nhất trên thế giới cho thấy, hiệu quả của vắc xin Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian, khoảng 6 tháng sau khi tiêm. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 để phòng chống dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã ghi nhận các biến thể phụ của chủng Omicron.

Theo đó, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả và lớn nhất trong lịch sử bắt đầu từ tháng 3/2021. Tính đến ngày 28/8, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 255 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, là quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Ý, Pháp. Việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từng bước đạt được mục tiêu đề ra, với gần 15 triệu liều vắc xin đã được tiêm.

Các chuyên gia y tế cũng nhận định, để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là Covid-19 ngành Y tế và các địa phương cần tiếp tục truyền thông về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc xin; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thông qua kết hợp các phương pháp như: "2K" (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân...

Bên cạnh đó, với bệnh cúm mùa, ngành Y tế khuyến cáo người dân bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, giữ ấm cơ thể, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Bệnh cúm cũng có thể chủ động phòng bệnh khi tiêm vắc xin hàng năm.

Sự chủ động và quyết liệt trong thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho thấy quyết tâm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết của ngành Y tế. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch bệnh thực sự hiệu quả thì cần có sự chung tay của tất cả các ngành, địa phương và nhất là tinh thần tự giác, trách nhiệm vì cộng đồng của mỗi người dân. /.

Nhân dịp Tết Trung thu 2022, khai giảng năm học mới 2022- 2023, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em cả nước với chủ đề “Vui Trung thu và tựu trường an toàn”. Với mong muốn mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được tạo điều kiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 để có miễn dịch chủ động với vi rút SARS-CoV-2, để có thể vui chơi, học tập và sinh sống an toàn, các địa phương đạt được mục tiêu tiêm chủng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: “Để chiến dịch đạt hiệu quả và thành công, với phương châm "tiêm vắc xin là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là quyền lợi của mỗi người"; "tiêm vắc xin là để đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch", người dân và trẻ em cần được tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều và an toàn”.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này