Nhiều giải pháp phục hồi thị trường lao động

09:18 | 30/08/2022
(LĐTĐ) Nhờ triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển thị trường lao động nên mặc dù vẫn còn chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, song hiện nay, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh.
Phục hồi thị trường lao động đảm bảo an sinh xã hội Đẩy mạnh hỗ trợ an sinh để thúc đẩy phục hồi thị trường lao động

Trợ lực cho doanh nghiệp và người lao động

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thời gian qua, thị trường lao động nước ta chịu tác động từ bối cảnh cả trong và ngoài nước, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình đó, Chính phủ, các cấp, ngành đã có nhiều chính sách, giải pháp để phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong đó có nhóm các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Nhiều giải pháp phục hồi thị trường lao động
Thị trường lao động phục hồi, tỷ lệ người lao động có việc làm tăng trở lại.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như: Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp... qua đó đã cơ bản hỗ trợ được người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương vượt qua những khó khăn của dịch bệnh.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP, số 116/NQ-CP, từ năm 2021 đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động, trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó có các biện pháp giúp doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc duy trì, thu hút lao động vào làm việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, tổ chức hoạt động thông tin, kết nối cung - cầu lao động trên cơ sở liên kết, hợp tác vùng (bao gồm nội vùng, các vùng) và cả nước nói chung.

Cùng với đó, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các nội dung như: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội; đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động, nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề... Nhìn chung, các chính sách đã ban hành kịp thời, nhanh chóng tạo hành lang pháp lý để tổ chức, vận hành phát triển thị trường lao động thời gian qua.

Việc làm tăng, thu nhập được cải thiện

Với những giải pháp trợ lực tích cực như trên, theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, thị trường lao động Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn còn bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng mức độ đã giảm đi rất nhiều. Cụ thể Quý I năm 2022 có 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động (đã giảm 7,8 triệu lao động so với các quý Quý IV năm 2021), đến Quý II chỉ còn 8 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực (giảm 8,9 triệu so với quý trước và giảm 4,8 triệu so với cùng kỳ năm trước).

Hiện nay, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện. Điều này thể hiện trước hết ở việc lực lượng lao động tăng khá nhanh. Lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 51,4 triệu người, tăng 400 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động gia tăng mạnh ở khu vực thành thị (19,1 triệu người chiếm 37,2%, tăng 719 ngàn người so với cùng kỳ năm trước), trong khi giảm ở khu vực nông thôn (giảm 319 nghìn người); lực lượng lao động nam và lực lượng lao động nữ cũng đều tăng (tương ứng tăng 283 ngàn người và 76 ngàn người). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,3%, tăng 0,6% với Quý IV năm 2021 cho thấy, khi dịch bệnh được kiểm soát, người lao động đã dần trở lại tham gia thị trường lao động. Tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ 6 tháng đầu năm 2022 là 26,2% (tăng 0,1%).

Cùng với đó, số lao động có việc làm cũng tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước: Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2022 là 50,288 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động có việc làm tăng nhiều nhất là ở khu vực thành thị, tăng 762 nghìn người.

Ngoài ra, dấu hiệu phục hồi của thị trường lao động còn thể hiện ở việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành trở lại chiều hướng tích cực; thu nhập của người lao động được cải thiện; số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,1 triệu người, giảm 47,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,39%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thiếu việc làm trong độ tuổi là hơn 1,1 triệu người, giảm 30,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,48%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, theo Bộ LĐTBXH, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động; trình độ và kỹ năng của người lao động vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trên thế giới. Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN. Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.

Ngoài ra, việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chất lượng việc làm còn thấp, tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao; một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ… là những vấn đề còn hạn chế của thị trường lao động Việt Nam.

Về phương hướng tiếp tục phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, Bộ LĐTBXH đề xuất với Chính phủ trước mắt cần rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ; tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề…

Bộ cũng đề xuất Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động; có chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp để thu hút, sử dụng lao động chính thức, chuyển dần lao động phi chính thức sang lao động chính thức…/.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này