Hà Nội chú trọng sàng lọc, tuyên truyền phòng tránh bệnh Thalassemia

20:49 | 25/08/2022
(LĐTĐ) Thời gian qua, tại Hà Nội ngành dân số đã triển khai sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) tại một số huyện trên địa bàn bằng việc tổ chức khám, lấy mẫu máu và xét nghiệm cho học sinh. Kết quả cho thấy tình trạng báo động là nhóm học sinh nghi ngờ mang gen bệnh khá cao (10,9%).
Mắc bệnh thalassemia có phát triển bình thường? Việt Nam hiện có trên 12 triệu người mang gen bệnh Thalassemia Nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về căn bệnh gây suy kiệt giống nòi

Thalassemia là một trong những bệnh di truyền phổ biến, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, là gánh nặng cả về vật chất và tinh thần cho những gia đình có con em mắc bệnh. Hiện nay có rất nhiều người mang gen bệnh nhưng không biết mình bị bệnh.

Do đó, tỷ lệ hai người cùng mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau ngày càng cao, điều này đã và đang ảnh hưởng xấu tới chất lượng dân số và sự phát triển giống nòi.

Hà Nội chú trọng sàng lọc, tuyên truyền phòng tránh bệnh Thalassemia
Học sinh tại một số huyện được sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh

Để nâng cao chất lượng dân số, ngành dân số Hà Nội đi đầu cả nước trong phối hợp sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho người dân trên địa bàn theo đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh của Thành phố giai đoạn 2016-2020.

Nhóm đối tượng được Đề án hướng đến là sàng lọc sơ sinh cho trẻ về tan máu bẩm sinh và tư vấn, sàng lọc phát hiện bệnh, nguy cơ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh cho các đối tượng từ 12 đến 18 tuổi để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Hà Nội đã đưa nội dung này vào để triển khai 2 nhánh: Nằm trong Đề án và Chương trình sàng lọc trước sinh sơ sinh giao Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện thông quan Trung tâm sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Sở Y tế thành phố Hà Nội, Chi cục Dân số - kế hoạch hoá gia đình đã phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương triển khai Chương trình can thiệp giảm tỷ lệ tan máu bẩm sinh cho nhóm đối tượng tiền hôn nhân là học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tại 5 huyện ngoại thành có tỷ lệ người dân tộc đông gồm: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, tập trung ở 152 thôn và 14 xã.

Cụ thể, ngành dân số Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm cho 25.047 học sinh tự nguyện tham gia, có 4.735 trường hợp (18,5%) được phát hiện các bất thường xét nghiệm, hầu hết có liên quan tới tình trạng có thiếu máu hoặc mang gen, nghi ngờ mang gen Thalassemia; phát hiện 7 học sinh bị bệnh Thalassemia thể nhẹ, có thiếu máu nhưng chưa hề được khám, tư vấn về bệnh. Nhóm học sinh tham gia nghiên cứu có tỷ lệ nghi ngờ mang gen Thalassemia khá cao (10,9%).

Bên cạnh đó, Thành phố tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về can thiệp giảm thiểu bệnh tan máu bẩm sinh, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã tổ chức hơn 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe gắn với bệnh Thalassemia cho cán bộ y tế, dân số, đoàn thể, cộng tác viên dân số về kỹ năng truyền thông, kiến thức và kỹ năng thực hiện các hoạt động cho chủ nhiệm câu lạc bộ.

Tổ chức hơn 200 cuộc truyền thông cho học sinh các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông về bệnh tan máu bẩm sinh, lợi ích của việc xét nghiệm, sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh để các em có hiểu biết, có kiến thức trước khi được xét nghiệm sàng lọc.

Hơn 150 cuộc truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng, phụ nữ có thai, nam, nữ trong độ tuổi kết hôn. Đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng - đặc biệt là các cặp vợ chồng, phụ nữ có thai; nam, nữ trong độ tuổi kết hôn, học sinh tại vùng miền núi về bệnh tan máu bẩm sinh.

Các nội dung phòng, tránh bệnh Thalassemia được lồng ghép vào hoạt động của các Câu lạc bộ tiền hôn nhân tại các xã, các trường, các buổi truyền thông, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Thời gian tới ngành dân số sẽ tham mưu Thành phố thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh đến năm 2025, có nội dung tư vấn khám sàng bệnh trước khi kết hôn, trong đó có nội dung sàng lọc Thalassemia cho nhóm đối tượng này. Tại một số quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy... mặc dù không được Thành phố hỗ trợ kinh phí triển khai chương trình nhưng Trung tâm Y tế quận cũng đã chủ động tham mưu triển khai Chương trình bằng nguồn kinh phí của quận.

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này