Để phân phối hợp lý lợi nhuận chuỗi giá trị nông sản thực phẩm

20:43 | 20/08/2022
(LĐTĐ) Khi việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm hợp lý hơn, chắc chắn đời sống người nông dân sẽ không còn khó khăn.
Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững Ngư dân trúng đậm mẻ cá, thu về 2,4 tỷ đồng là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022” Trồng sen trên đất lúa, nông dân ngoại thành Hà Nội thu lợi lớn

Một chủ tịch tập đoàn lúa gạo tại An Giang chỉ rõ nguyên nhân tại sao đời sống của người dân trồng lúa vẫn khó khăn, đó là vì việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi lúa gạo chưa hợp lý, công bằng. Tương tự như vậy, những người nông dân trồng mía ở các tỉnh phía Nam cũng phải kêu lên rằng: Nhà máy mía đường ép chúng tôi đủ các loại như không minh bạch về việc chữ lượng đường của cây mía, thu mua mía không ổn định, giá cả không hợp lý,...

Trước thực tế này, năm 2021, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã kiến nghị phải phân phối lại lợi nhuận hợp lý cho người nông dân trồng mía. Bởi hiện người trồng mía chỉ được hưởng 10-20% là cùng, còn lại 80-90% lợi nhuận là của nhà máy và hệ thống phân phối, các trung gian cho đến bán lẻ ra thị trường.

Các hệ thống phân phối, các trung gian cho đến bán lẻ,... đều giàu lên nhờ nông dân, trong khi đó đời sống người nông dân vẫn khó khăn

Người cung cấp vật tư nông nghiệp, giống phân bón thuốc từ sâu, công ty lương thực thì giàu lên,… trong khi đó người nông dân đời sống vẫn còn khó khăn. Đây là một nghịch lý, một mâu thuẫn cần phải sớm nghiên cứu, có những chính sách hữu hiệu nhằm đem lại lợi ích chính đáng hợp lý cho người nông dân Việt Nam.

Nêu ví dụ rất điển hình của 2 mặt hàng chính trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là mía và lúa cho ta thấy một tình hình chung là, không phải chỉ riêng 2 mặt hàng này mà còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như hoa quả, thịt heo, thuỷ hải sản,… đều diễn ra tình trạng tương tự như đã nói ở trên.

Tình hình này đã kéo dài nhiều năm nay tuy diễn biến ở các mức độ khác nhau và những năm gần đây đã có tiến bộ hơn trước song nhìn chung lại những người làm ra của cải vật chất xã hội, làm bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế ở bất kì thời điểm nào vẫn bị thiệt thòi và luôn gặp khó khăn, họ có thu nhập bình quân khoảng 3,1 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng, đây là mức thu nhập khiêm tốn và thấp nhất trong thu nhập bình quân của các lực lượng sản xuất xã hội.

Từ tình hình trên dẫn tới tình trạng bỏ ruộng đi xuất khẩu lao động, ra thành phố làm ăn diễn ra khá phổ biến. Bởi hạt lúa, củ khoai, quả cam, con cá,… khi bán ra họ không đủ bù đắp chi phí sản xuất, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng và không thu được lợi nhuận hợp lý vì nhiều nguyên nhân.

Hệ thống sàn thương mại nông sản phát triển sẽ giúp công khai, minh bạch giá bán, từ đó đem lại lợi nhuận hợp lý cho người nông dân

Để giải bài toán này chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau đây: Nhà nước cần có những chính sách phát triển nông nghiệp, nhằm hỗ trợ cho sản xuất chăn nuôi từ đầu vào đến đầu ra. Bà con nông dân từng bước được tập hợp lại vào các hợp tác xã để làm ăn có bài bản có thương hiệu, kịp thời nắm bắt thông tin thị trường. Có vị thế đàm phán khi mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, đồng thời cũng có vị thế đàm phán để tiêu thụ sản phẩm làm ra trên thị trường thông qua các sàn giao dịch hàng hoá được thiết lập tại các chợ đầu mối, các vùng ở các địa phương.

Đầu tư cơ sở hạ tầng chính, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và lưu thông hàng hoá phát triển, giảm tối đa các chi phí kể cả chi phí trung gian, chi phí chiết khấu quá cao ở khâu bán lẻ, góp phần đem lại lợi nhuận hợp lý cho nông dân hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, tăng cường khâu dự trữ, chế biến sâu các sản phẩm làm tăng thêm giá trị của các mặt hàng.

Có chính sách phát triển hệ thống phân phối bao gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn, siêu thị mini, hình thành các tập đoàn bán lẻ Việt đủ sức dẫn dắt thị trường, mở cửa thuận tiện để tiêu thụ các sản phẩm Việt một cách ổn định, hiệu quả, khi đó người sản xuất và người làm bán lẻ, phân phối đều có lợi. Thiết lập sớm các chuỗi cung ứng ngắn trong toàn quốc để từng bước hình thành việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm một cách khoa học, hiệu quả, ít chi phí nhất, điều mà các nước phát triển đã đi trước chúng ta hàng chục năm nay.

Tăng cường kiểm soát thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường nội địa Xây dựng các chính sách bảo hiểm nông nghiệp giảm bớt rủi ro cho người sản xuất. Tạo điều kiện cho việc mở rộng sản xuất theo hướng hàng hoá, tiếp cận và mở rộng đất đai thuận tiện, cung cấp tín dụng cho sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia.

Làm được những điều cơ bản trên chính là từng bước làm cho người sản xuất nông nghiệp có thu nhập hợp lý, tái sản xuất mở rộng. Việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm ngày càng hợp lý hơn, mọi chủ thể trong đó có người nông dân khi kinh tế nông nghiệp phát triển, đều ngày càng giàu lên một cách chính đáng.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này