Nâng hiệu quả công tác xuất khẩu lao động

09:10 | 18/08/2022
(LĐTĐ) Những năm gần đây, công tác đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt, qua đó giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.
Nhiều tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu lao động Người lao động được vay vốn 100 triệu đồng để ký quỹ xuất khẩu lao động Hàn Quốc Bồi dưỡng nghiệp vụ về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Nhiều gam màu sáng

Tại Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Thực trạng và giải pháp” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội, đánh giá về công tác đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay: Các cấp ủy Đảng trong thời gian qua đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc đưa lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, do đó công tác này đã đạt những kết quả nhất định.

Theo ông Đỗ Ngọc An, trong 3 năm gần đây, lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài có giảm do dịch bệnh và các yếu tố khác nhưng nhìn chung giai đoạn 10 năm từ năm 2012 đến nay so với giai đoạn trước (1998-2012) tăng cả về số lượng và nâng lên về chất lượng.

Nâng hiệu quả công tác xuất khẩu lao động
Quang cảnh hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Thực trạng và giải pháp”.

Thông tin tại Hội thảo - ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho biết, trong những năm qua, công tác đưa NLĐ và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… gia tăng đáng kể; nhiều thị trường mới đã được mở ra như Úc, New Zealand, Đức, CH Séc, Slovakia, Rumani. Số lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống NLĐ và gia đình.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cũng cho biết, lĩnh vực NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình thế giới và bối cảnh thị trường lao động trong nước, đặc biệt, trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những biến động quốc tế chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

"Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết các quốc gia đều tập trung phòng, chống dịch, thực hiện các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội… tập trung mọi nguồn lực cho nghiên cứu, sản xuất và tiêm phòng Covid-19. Việc này dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực tới nền kinh tế, làm giảm nhu cầu sử dụng lao động của nhiều quốc gia"- ông Hoan cho hay.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước liên tục biến động như vậy, theo lãnh đạo Bộ LĐTBXH, công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp giám sát của người dân để đảm bảo hoạt động này đạt hiệu quả, đi vào thực chất, bảo đảm quyền và lợi ích của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Cần tiếp tục nâng chất lượng, hiệu quả

Tại hội thảo, các đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý đại diện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế đã tập trung trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có thực trạng lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, kết quả, hạn chế và nguyên nhân… Một trong những thực trạng được hầu hết các chuyên gia, nhà nghiên cứu đề cập là: Trình độ ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề của NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài còn hạn chế.

Trao đổi tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lài - Trường Đại học Kinh tế - Luật (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hầu hết lao động đi làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông, trình độ ngoại ngữ thấp nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc; sức khỏe, tầm vóc, độ dẻo dai trong công việc còn hạn chế so với lao động nhiều nước và thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán của nước sở tại. Bên cạnh đó, ý thức, tác phong của NLĐ còn ỷ lại, chưa chủ động thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình để đi làm việc ở nước ngoài, chưa thể tự giải quyết và chưa biết cách giải quyết những phát sinh trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Khi có phát sinh tranh chấp, thường phản ứng bằng cách nghỉ việc, bỏ việc hoặc đình công trái quy định của nước tiếp nhận. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật của NLĐ, mà cụ thể là việc chấp hành kỷ luật lao động, nội quy nơi làm việc, các cam kết trong hợp đồng lao động, hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài còn kém hơn so với các các nước khác. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động hết hợp đồng không về nước hoặc tự ý bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp.

Bên cạnh trình độ của NLĐ, theo các đại biểu những bất cập khác trong công tác xuất khẩu lao động còn là tình trạng cư trú bất hợp pháp của NLĐ, chi phí tuyển dụng cao, tình trạng lừa đảo của công ty môi giới làm mất hình ảnh, uy tín của lao động Việt Nam…

Từ thực trạng của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, các đại biểu dự hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là hoàn thiện các chính sách pháp luật về bảo hộ cũng như quy định đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, tăng cường công tác giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ NLĐ. Để giúp NLĐ yên tâm làm việc ở nước ngoài, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình họ cũng như lợi ích kinh tế cho đất nước (thông qua thuế mà họ phải nộp, khoản đầu tư mà họ có thể thực hiện...), Nhà nước cần quan tâm ký kết nhiều hơn các Hiệp định song phương về lao động.

Đây là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ NLĐ trong thời gian ở nước ngoài. Các Hiệp định song phương này cho phép cụ thể hóa các điều kiện làm việc, quyền và lợi ích cụ thể của NLĐ Việt Nam. Đặc biệt, các Hiệp định song phương là phương án thuận lợi nhất cho Việt Nam hiện nay khi chúng ta chưa phê chuẩn được các Công ước quốc tế về lao động di cư. Hiện, việc đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài chủ yếu do các doanh nghiệp tổ chức nên cần có quy định cụ thể hơn nhằm tăng cường gắn kết trách nhiệm giữa doanh nghiệp và NLĐ.

Về công tác đào tạo, nhiều đại biểu đề xuất cần có chính sách đào tạo lại lao động (về ngoại ngữ, tay nghề, kiến thức cơ bản về luật của nước sở tại và ý thức tổ chức kỷ luật...) nhằm nâng cao chất lượng lao động và ý thức tổ chức kỷ luật để đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động, tạo vị thế của lao động Việt Nam, đồng thời phòng tránh tình trạng NLĐ bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng đó, Nhà nước cần cụ thể hóa chính sách, có chế tài đủ mạnh đối với những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nghĩa vụ đối với NLĐ do mình đưa đi làm việc tại nước ngoài. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với xã hội, với NLĐ và cam kết cùng Nhà nước chung tay xây dựng thương hiệu thị trường cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao, uy tín và là chỗ dựa tin cậy cho các doanh nghiệp nước ngoài khi sử dụng lao động người Việt Nam…/.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này