Hiện tượng “lệch chuẩn” văn hóa: Nỗi trăn trở và lời giải đáp

07:46 | 16/08/2022
(LĐTĐ) Trong bối cảnh hiện nay, hiện tượng “lệch chuẩn” về văn hóa, đạo đức xã hội đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng xấu, không chỉ gây ra những hình ảnh phản cảm mà còn làm mất niềm tin của dư luận về bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát động thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí Thủ đô" Đề cao vai trò gương mẫu, dẫn dắt của nhà giáo trong xây dựng văn hóa học đường

Vừa qua, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến lĩnh vực Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang quản lý, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề về tình trạng xuống cấp đạo đức gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc. Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu tình trạng, hiện nay, môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại không chỉ ở trong nhà trường, xã hội mà cả ở trong gia đình.

Đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ ngành Văn hóa cũng có hiện tượng xuống cấp về lối sống, đạo đức. Tương tự, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch cho biết, việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào và giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội thời gian tới.

Hiện tượng “lệch chuẩn” văn hóa: Nỗi trăn trở và lời giải đáp
Ảnh minh hoạ.

Thời gian qua, không thể phủ nhận tình trạng một số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ cương phép nước, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào tham nhũng, chà đạp lên những giá trị, lợi ích quốc gia dân tộc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường văn hóa, làm suy giảm niềm tin giữa nhân dân với Đảng, chính quyền. Hiện tượng suy thoái đạo đức không chỉ diễn ra ngoài xã hội mà còn ngay chính trong nhiều gia đình.

Trong gia đình, đây đó do mâu thuẫn lợi ích cũng đã dẫn đến xung đột “tan cửa, nát nhà”. Những mối quan hệ rường cột như cha - con, anh - em, vợ - chồng cũng bị tệ nạn xã hội làm cho lung lay. Sự xung đột giữa các thế hệ tuy không quá gay gắt như một số quốc gia khác trên thế giới nhưng cũng ẩn chứa những sóng ngầm mà nếu không sớm tìm biện pháp hóa giải thì sẽ dẫn đến nguy cơ va chạm. Sự phát triển của công nghệ, truyền thông đã làm thay đổi các hình thức liên kết xã hội truyền thống. Nhiều người rơi vào tình trạng cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Ở môi trường học đường cũng xuất hiện nhiều tiêu cực đáng lo ngại. Văn hóa ứng xử giáo viên - học sinh, giáo viên - phụ huynh, học sinh - học sinh đã có dấu hiệu lệch chuẩn. Nạn bạo lực học đường, hiện tượng chạy điểm, chạy trường... không những ảnh hưởng đến uy tín của ngành Giáo dục, mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, đến nhân cách và niềm tin của thế hệ tương lai đất nước.

Theo ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, môi trường văn hóa ở nhiều nơi bị “ô nhiễm” xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, nhất là những tác động của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước, mặt trái của nền kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập quốc tế; việc ban hành quy định, hướng dẫn về xây dựng môi trường văn hóa nói chung chưa đồng bộ, công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm. Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển văn hóa chung, xây dựng môi trường văn hóa nói riêng. Chính vì thế, các phong trào, chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa diễn ra còn mang tính hình thức, thời vụ. Các nguồn lực đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vị thế của văn hóa.

Trả lời chất vấn về vấn đề môi trường văn hóa, môi trường gia đình, xã hội hiện nay có dấu hiệu xuống cấp, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận thực trạng đang tồn tại song để khắc phục vấn đề phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục, bồi đắp, bồi dưỡng ý thức về văn hóa, ý thức về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, về mặt chủ trương thì đã có đầy đủ và gần đây Bộ cũng đã ban hành tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, đặt ra các tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên không có một chế tài nào cụ thể mà chỉ trên cơ sở ý thức xây dựng gia đình của mình. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là một cuộc cách mạng có tính chất lâu dài. Với tinh thần khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, các gia đình văn hóa với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, từ đó để tuyên truyền, nhân lên những hình ảnh đẹp trong các cộng đồng.

“Vấn đề xây dựng văn hóa là công việc lâu dài. Trong xây dựng văn hóa thì xây dựng con người văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người thực hiện nhiệm vụ, vì vậy, phải có trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Khi hình thành được môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và xã hội thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng của con người văn hóa và hạn chế được sự xuống cấp của vấn đề đạo đức”, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để phát triển văn hóa dân tộc hiện nay. Việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ góp phần tạo ra những con người mới có nhân cách, đạo đức, tri thức, năng lực và bản lĩnh, đồng thời khắc phục và đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội. Môi trường văn hóa lành mạnh là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và củng cố an ninh quốc phòng đất nước./.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này