Phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

20:32 | 10/08/2022
(LĐTĐ) Chiều 10/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội Phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030: Cần tuân thủ Luật Thủ đô và đảm bảo cảnh quan, kiến trúc đô thị Nâng mức thu học phí gắn liền với nâng cao trách nhiệm của người dạy và học

Các ông: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Trình bày Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp cao nhất theo quy định của Luật quy hoạch và lần đầu tiên được triển khai ở nước ta. Do đó, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, chưa có tiền lệ.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là một bước cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tập trung vào việc phân bổ các tổ chức, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường. Dự thảo cũng đề cập đến việc phân vùng, trục tăng trưởng, hành lang kinh tế. Đây là cơ sở để làm các quy hoạch khác như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, địa phương.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ Quy hoạch, trong đó phân tích để thấy cơ sở pháp lý, thực tiễn thời kỳ quy hoạch; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành kinh tế; định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; định hướng sử dụng tài nguyên Quốc gia, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Các ý kiến góp ý tập trung vào các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và các dự án quan trọng Quốc gia; phân tích, chỉ rõ dự báo, khả năng trong thực hiện quy hoạch, thực hiện các dự án quan trọng quốc gia; phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Quốc gia; phân tích làm rõ cơ sở, tác động của việc phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia; phương hướng phát triển đô thị xanh, phát triển bền vững…

Phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đại biểu tham dự, đóng góp ý kiến cho dự thảo.

Góp ý kiến vào dự thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, dự thảo Quy hoạch chưa nêu tên và trích dẫn các văn bản pháp quy liên quan đến quy hoạch từng ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch tổng thể; chưa nêu được luận chứng để phát triển ngành hạ tầng kỹ thuật mà đi sâu vào trình bày quy mô phát triển của từng ngành…

Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), báo cáo minh họa cho dự thảo Quy hoạch đã chỉ ra thực trạng động thái dịch chuyển nhân lực giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, cần nối kết động thái này với phân tích thay đổi cơ cấu kinh tế ngành - vùng để có những nhận xét sâu hơn, thực chất hơn về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời cần có sự khái quát cao hơn về xu thế dịch chuyển cấu trúc kinh tế vùng.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 là văn bản hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là cơ sở quan trọng để hoạch định phát triển đất nước trong những năm tới đảm bảo hiệu quả và bền vững. Đây cũng là văn kiện chung để triển khai các quy hoạch trên các vùng, các ngành, xây dựng quy hoạch các địa phương của cả nước.

Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, thông qua qua lắng nghe các ý kiến phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bộ phận soạn thảo sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, tiếp thu ý kiến xác đáng để bổ sung vào báo cáo quy hoạch; đồng thời đề nghị trong quá trình thẩm định hoặc tổ chức các cuộc hội thảo, với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi cho MTTQ Việt Nam để tiếp tục tham gia ý kiến.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, thành viên của Mặt trận sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với cơ quan chủ trì soạn thảo về những khó khăn trong quá trình lập, thẩm định, trình phê duyệt Quy hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để đưa Quy hoạch vào thực tiễn cuộc sống.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này