Cẩn trọng khi tự ý sử dụng thuốc điều trị cúm A tại nhà

17:17 | 10/08/2022
(LĐTĐ) Hiện, số ca mắc cúm A đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều ca diễn biến nặng. Một trong những nguyên nhân là nhiều người chủ quan với bệnh, tự ý mua thuốc điều trị cúm tại nhà.
Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai thành lập Phòng khám Nhi theo yêu cầu Phấn đấu tới năm 2030 sẽ có 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển Bộ Y tế: Có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá thuốc điều trị cúm

Theo chuyên gia y tế, các bệnh cúm thường xuất hiện nhiều vào mùa Đông - Xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm. Thông thường, thời tiết khô nóng của mùa hè không thích hợp cho vi rút cúm phát triển và gây bệnh.

Tuy nhiên, mùa Hè năm nay lại ghi nhận số ca mắc cúm A gia tăng một cách bất thường. Đáng lo ngại, nhiều người dân vẫn có tâm lý chủ quan, cho rằng cúm A là bệnh cảm mạo thông thường, có thể tự khỏi mà không cần đi khám bệnh; thậm chí nghĩ rằng có thể tự mua thuốc điều trị.

Cẩn trọng khi tự ý sử dụng thuốc điều trị cúm A tại nhà
Bác sĩ khuyến cáo với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A nên đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa.

Mới đây chị Thúy Hoa (34 tuổi, Hà Nội) đã phải nhập viện cấp cứu trong đêm sau khi tự ý dùng thuốc điều trị cúm. Chị Hoa kể lại rằng, đây thực sự là trải nghiệm “nhớ đời” khi chủ quan với sức khỏe.

Theo đó, ngày 12/7, chị Hoa có những triệu chứng đầu tiên là ho, sổ mũi. Ban đầu, chị nghĩ là cảm cúm thông thường do nằm điều hòa nên đã tự điều trị bằng thuốc cảm cúm. Nhưng sau 6 ngày, tình trạng bệnh không giảm mà còn có thêm triệu chứng ho có đờm, chảy nước mũi liên tục. Đến ngày thứ 7, chị sốt 39 độ, người mệt mỏi nhiều nên lập tức trong đêm đến viện khám. Sau khi test, chị có kết quả dương tính với cúm A và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị.

Sức khỏe của chị chưa kịp bình phục thì sau 1 ngày sau, bé N.M.K (14 tháng tuổi) là con chị Hoa ở nhà cũng có biểu hiện sốt, ho, nôn trớ… Lo lắng bé lây cúm A từ mẹ, cùng tình trạng li bì kéo dài, gia đình lập tức đưa bé vào viện khám. Kết quả xét nghiệm dương tính cúm A nên bệnh viện có chỉ định nhập viện gấp.

Bác sĩ Trần Tiến Tùng (chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Medlatec) cho biết: "Bệnh cúm thường gặp, nhưng không vì thế mà người dân lơ là, chủ quan. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, nguy cơ “dịch chồng dịch” là rất lớn - bao gồm dịch cúm, sốt xuất huyết, Covid-19, thậm chí là cả bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới".

Bác sĩ Tùng khuyến cáo, việc điều trị cúm chỉ dễ dàng và hiệu quả khi được phát hiện sớm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh này có thể để lại hậu quả khôn lường như viêm xoang, viêm tai, nặng hơn là suy đa cơ quan.

Do đó, để tránh biến chứng và hậu quả khôn lường có thể xảy ra do cúm, khi có dấu hiệu người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm kịp thời. Sau sốt 24 giờ là thời điểm thích hợp nhất để làm xét nghiệm nhằm biết được có bị cúm hay không. Người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, mà cần uống thuốc theo đơn bác sĩ.

"Triệu chứng đặc trưng cúm là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi, nhưng có thể nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và cúm. Vì vậy, xét nghiệm được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cúm. Việc chẩn đoán chính xác cúm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh để làm giảm việc sử dụng kháng sinh không đúng và lựa chọn liệu pháp kháng vi rút. Đồng thời, chẩn đoán kịp thời bệnh nhân được cách ly và điều trị, nên hạn chế biến chứng và khả năng lây lan ra cộng đồng, người xung quanh", bác sĩ Tiến Tùng phân tích.

Đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh nền thì nên chú ý khi có những triệu chứng cảnh báo. điển hình, vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nữ, 40 tuổi (ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) mắc cúm A trên nền suy tuỷ nguy kịch. Sau khi nhập viên, bệnh nhân đã phải thở máy, phụ thuộc vào ECMO (tim phổi nhân tạo... Hiện các bác sĩ đang điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch thì sẽ nặng hơn bệnh nhân thường. Một số đối tượng khác có yếu tố nguy cơ cao khi mắc cúm A bao gồm: Người tuổi trên 65; bệnh nhân có mắc các bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu; trẻ em dưới 2 tuổi; phụ nữ mang thai…

Thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong thời gian gần đây, có thời điểm mỗi ngày ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, nhiều trường hợp là trẻ em. Để phòng tránh cúm A, theo bác sĩ Phúc, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hằng năm. Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A, không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa, cùng theo dõi và chỉ định phù hợp.

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A). Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này