Tổng LĐLĐ Việt Nam - Bộ Tài chính:

Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng tài sản công của tổ chức Công đoàn

07:30 | 06/08/2022
(LĐTĐ) Chiều 5/8, tại trụ sở, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có buổi làm việc với Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa và một số vấn đề có liên quan.
Khối Thi đua các tổ chức chính trị - xã hội: Ghi nhận nhiều cách làm mới, mô hình hay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập huấn nghiệp vụ công tác Văn phòng cho cán bộ công đoàn Đẩy nhanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ Tài chính và Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng tài sản công của tổ chức Công đoàn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, bàn về vấn đề thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Tổng Liên đoàn theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết đơn vị đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Tổng LĐLĐ Việt Nam .

Theo đó, tổng số cơ sở nhà, đất trên toàn quốc là 598 cơ sở nhà, đất. Số lượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP là 536 cơ sở nhà, đất.

Tính đến ngày 3/8/2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà, đất tại 36/63 tỉnh/thành phố với số lượng hoàn thành (đã ký Biên bản kiểm tra hiện trạng) là 342 cơ sở nhà, đất.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính tăng cường phối hợp cùng Tổng Liên đoàn sớm hoàn thành kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà, đất tại TP.Hồ Chí Minh. Đối với các cơ sở nhà, đất của tổ chức Công đoàn tại 4 thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì làm việc, thống nhất với UBND tỉnh, thành phố phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tổ chức công đoàn tại địa phương để có cơ sở thực hiện.

Đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh thời gian xem xét, có ý kiến đối với các hồ sơ Tổng Liên đoàn đã gửi Bộ Tài chính về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tổ chức Công đoàn tại địa phương. Đối với những cơ sở nhà, đất đã được Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố thống nhất phương án giữ lại tiếp tục sử dụng (những cơ sở hiện trạng không bỏ trống, vẫn đang sử dụng hoặc đang sử dụng nhà, đất đúng mục đích…), Bộ Tài chính thống nhất sớm để thực hiện.

Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô theo Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ đối với các đơn vị trong hệ thống Công đoàn.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng Nghị định số 04/2019/NĐ-CP trong hệ thống Công đoàn còn có một số vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, tại một số LĐLĐ tỉnh, thành phố lớn có số lượng đoàn viên, người lao động lớn và rất lớn, nhưng chỉ được phân bổ định mức 1 xe ô tô/đơn vị là chưa phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu công tác, lãnh đạo, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở.

Vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho LĐLĐ tại 5 thành phố trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) và các LĐLĐ tỉnh, thành phố có từ 300.000 đoàn viên trở lên… bổ sung thêm định mức 1 xe ô tô/đơn vị. Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng Đề án quản lý, sử dụng gửi Bộ Tài chính xem xét.

Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng tài sản công của tổ chức Công đoàn
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại buổi làm việc

Đối với vướng mắc trong chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty cổ phần của doanh nghiệp thuộc tổ chức Công đoàn, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong văn bản gửi đơn vị này, Bộ Tài chính không nêu rõ doanh nghiệp thuộc tổ chức Công đoàn có được thực hiện thoái vốn tại tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hay không? Việc thoái vốn này tổ chức Công đoàn thực hiện như thế nào? Trình tự để công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Tổng Liên đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ được thành lập và tổ chức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trong thực hiện phương thức chuyển nhượng vốn theo quy định của Nhà nước như thế nào?

Theo đó, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị với đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hướng dẫn bằng văn bản để doanh nghiệp thuộc tổ chức Công đoàn, Tổng Liên đoàn thực hiện việc chuyển nhượng vốn (thoái vốn) theo quy định của Nhà nước.

Về Quỹ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã và đang thực hiện việc sắp xếp, đổi mới 55 doanh nghiệp thuộc sở hữu nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản Công đoàn. Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp sẽ phát sinh các khoản thu như bán cổ phần, thoái vốn… và các khoản chi như hỗ trợ người lao động dôi dư và một số khoản chi khác.

Tuy nhiên, tại Công văn số 10950/BTC-QLKT ngày 18/9/2019 và Công văn số 4349/BTC-QLKT ngày 29/4/2021 của Bộ Tài chính chưa có tài khoản để theo dõi nguồn thu và khoản chi trên.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính đồng ý chủ trương và trình Chính phủ chấp thuận cho Tổng Liên đoàn được thành lập Quỹ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Nguồn hình thành Quỹ là nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp của Công đoàn Việt Nam thành công ty cổ phần; nguồn thu từ các hình thức sắp xếp chuyển đổi khác như giao, bán, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; các khoản thu sau cổ phần; khoản lợi nhuận được chia, cổ tức của phần vốn của Công đoàn Việt Nam góp tại các doanh nghiệp trực thuộc; thu từ lợi nhuận sau thuế và khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp của Công đoàn Việt Nam đã được chủ sở hữu phê duyệt; khoản lãi tiền gửi của Quỹ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Mục đích của Quỹ này là hỗ trợ doanh nghiệp của Công đoàn Việt Nam thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định của pháp luật; bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp của Công đoàn Việt Nam theo quy định của pháp luật; các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Về việc cấp thêm để tăng vốn điều lệ cho các công ty của tổ chức Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đơn vị đang vận dụng Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ… trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp Công đoàn. Tuy nhiên tại các Nghị định trên nêu là các doanh nghiệp của tổ chức chính trị - xã hội có thể vận dụng, nên việc áp dụng còn vướng mắc, nhất là trong việc tăng vốn điều lệ tại các công ty TNHH, đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ sở hữu vốn tại công ty cổ phần của tổ chức Công đoàn đang hoạt động hiệu quả.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trong các Nghị định liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước bổ sung đối tượng áp dụng (bao gồm cả các doanh nghiệp của tổ chức chính trị - xã hội). Phần tổ chức thực hiện, bổ sung nội dung Tổng LĐLĐ Việt Nam áp dụng quy định của Nghị định nêu trên để tổ chức thực hiện đối với các doanh nghiệp do Tổng LĐLĐ Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn của Tổng LLĐ Việt Nam tại doanh nghiệp do đơn vị quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính là tháo gỡ các vướng mắc của Tổng LĐLĐ Việt Nam với tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, vướng đến đâu gỡ đến đó. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giao lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan khẩn trương phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam nhằm tháo gỡ các vướng mắc và trực tiếp báo cáo Bộ trưởng.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này