Xăng, dầu giảm giá, hàng hoá không giảm: Các chuyên gia nói gì?

18:52 | 05/08/2022
(LĐTĐ) Mức giá xăng, dầu sau 4 lần giảm liên tiếp hiện đã tương đương với mức giá thời điểm tháng 1/2022. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện tại giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch 2 năm vừa qua.
Lời giải cho bài toán giá xăng, dầu Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu Giá xăng, dầu giảm, giá nhiều mặt hàng vẫn cao

Thị trường có độ trễ

Lý giải về thực trạng “xăng, dầu giảm giá, hàng hoá không giảm”, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Sở dĩ có tình trạng này là do một số nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu tác động trực tiếp của giá xăng, dầu; khi xăng, dầu điều chỉnh giá giảm thì các nhóm hàng cần thời gian, độ trễ nhất định để đơn vị sản xuất kinh doanh rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng, dầu.

Về tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm” trong hoạt động vận tải, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) thông tin: Chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 30-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ vận tải. Do đó, khi giá xăng, dầu biến động tăng mạnh như thời gian trước hoặc giảm sâu như thời điểm 1 tháng gần đây thì các đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại.

“Ví dụ như với xe taxi, khi giá nguyên liệu biến động, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở Giao thông vận tải địa phương. Sau đó, phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, phải in lại tờ niêm yết giá… Tất cả những công đoạn đó sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, còn có yếu tố tâm lý khách hàng và đối thủ cạnh tranh”, ông Trần Bảo Ngọc nói.

Xăng, dầu giảm giá, hàng hoá không giảm: Chuyên gia nói gì?
Chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 30-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ vận tải. (Ảnh: Xuân Hợp)

Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng cho biết, theo Luật Giá, hiện chúng ta đang quản lý giá dịch vụ vận tải trên quy luật của thị trường. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, quyền quyết định giá và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Các đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ những quy định trong công tác quản lý giá, ví dụ như phải thực hiện kê khai giá. Hoặc đối với những lĩnh vực mà Nhà nước có quy định khung giá thì không được tăng giá quá khung. Và kê khai giá rồi thì phải thực hiện niêm yết giá đầy đủ và niêm yết giá đầy đủ rồi thì phải bán theo đúng giá kê khai đã niêm yết.

Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp vận tải bị phát hiện có vi phạm trong việc kê khai, niêm yết giá, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định: Chúng ta có đầy đủ công cụ, Nghị định quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá. Đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, lái xe thậm chí phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá cao hoặc với các vi phạm nghiêm trọng hơn thì đơn vị chức năng sẽ thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải của doanh nghiệp đó.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực thì cho rằng: Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng, dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. “Quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân. Người dân có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng nếu thấy giá xăng, dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. Tôi mong các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý kịp thời. Không thì người dân sẽ cảm thấy nản lòng, bởi kiến nghị nhiều mà không được xử lý”, chuyên gia Cấn Văn Lực bày tỏ.

Tiết kiệm chi phí, cải cách thủ tục

Nhìn nhận về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Việc tăng giá hay giảm giá trong cơ chế thị trường là tất nhiên và trong bối cảnh hiện nay chúng ta có thể sẽ gặp rất nhiều việc như thế này.

Do đó, bên cạnh những giải pháp kiểm tra, kiểm soát hay các chế tài xử phạt, ông Vũ Vinh Phú cho rằng cần cải tiến các thủ tục kê khai giá, dán tem nhanh hơn để vừa đáp ứng nhu cầu chung cho xã hội và cũng để thuận tiện cho doanh nghiệp kinh doanh.

“Tất cả các hoạt động phải đồng bộ, như trong chuỗi cung ứng hàng hoá, trong đó có cả xăng, dầu. Chúng ta phải tiết kiệm chi phí, luôn luôn đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Và cuối cùng, tôi cho rằng, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành cũng như sự tuyên truyền của các cơ quan báo chí, làm thế nào dần dần chúng ta xây dựng nếp tự giác hơn trong vấn đề lên - xuống giá. Chúng ta cần lưu ý hơn những vấn đề trên, coi như một trận đánh để rút kinh nghiệm cho những lần sau”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.

Xăng, dầu giảm giá, hàng hoá không giảm: Chuyên gia nói gì?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành cũng như sự tuyên truyền của các cơ quan báo chí, làm thế nào dần dần chúng ta xây dựng nếp tự giác hơn trong vấn đề lên - xuống giá. (Ảnh: Quang Linh)

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đồng tình về việc thời gian tới cần thiết phải tăng cường kiểm tra, giám sát để lành mạnh hoá thị trường. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng “không thể làm triệt để nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp chưa thực sự vào cuộc”.

“Người dân hoàn toàn có quyền phản ánh về việc giá cả gia tăng. Tuy nhiên, bối cảnh này, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hành tiết kiệm. Chúng ta tiết kiệm tốt cũng là một biện pháp phòng chống lạm phát tốt. Mặt khác, chúng ta cần tăng cường thêm ý thức cả doanh nghiệp và người dân trong câu chuyện giá cả. Về lâu dài, ngoài truyền thông để người dân biết và hiểu, còn phải tạo văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Hy vọng thời gian tới, giá cả xăng dầu thế giới, lương thực thực phẩm đi theo chiều hướng dịu hơn và chúng ta cũng không nên lo lắng thái quá với lạm phát mà không dám làm gì”, chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ.

Chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội

Trước thực trạng nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ tiếp tục neo ở mức giá cao trong khi xăng, dầu đã giảm đến 4 lần liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4% Chính phủ đề ra.

Phối hợp chặt chẽ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu như ngư dân đánh bắt thủy hải sản, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Xăng, dầu giảm giá, hàng hoá không giảm: Chuyên gia nói gì?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Riêng đối với giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kê khai và rà soát giá. Trường hợp các khoản chi phí như: Chi phí phát hành, một số chi phí quản lý doanh nghiệp… có tăng Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sách giáo khoa và từ đó giảm giá sách giáo khoa để chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đảm bảo về an sinh xã hội.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và công khai minh bạch về giá để cho người tiêu dùng hiểu, theo dõi, giám sát và hạn chế những thông tin gây thất thiệt, hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn cho thị trường.

Về phía Bộ Giao thông vận tải, ông Trần Bảo Ngọc cũng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản điều hành phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện nào không còn cần thiết, phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ Công Thương yêu cầu tổng kiểm tra giá cả hàng hóa

Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Công điện nêu rõ, trong những ngày qua, mặc dù giá xăng, dầu trong nước đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.

Để thực hiện kịp thời chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 679/CĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.

Lực lượng Quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Cùng với đó, triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ về thủ đoạn, nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch.

Đối với lãnh đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng yêu cầu triển khai ngay kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022.

Bên cạnh đó, có đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) để đề xuất giải pháp khắc phục bảo đảm giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán; rà soát để trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhận thức đúng và tích cực tham gia chương trình bình ổn giá tại địa phương đặc biệt là niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này