Sinh viên ngành y: "Ra trường có lương bằng công nhân là tốt lắm rồi"

18:32 | 05/08/2022
Thời gian đào tạo lâu, học phí đắt đỏ nhưng khi vào nghề lại hưởng chế độ đãi ngộ không tương xứng - điều này khiến rất nhiều sinh viên ngành y tự vấn: "Có nên theo nghề hay không?". Thậm chí, nhiều sinh viên chuẩn bị ra trường chỉ "ao ước" có lương bằng công nhân.
Tôn vinh nét đẹp phụ nữ ngành Y Công đoàn Bệnh viện đa khoa Hà Đông chú trọng chăm lo đời sống cho người lao động

Đấu tranh tư tưởng để chọn hướng đi phù hợp

Đối với nhiều ngành đào tạo khác, sau 4 năm học, tốt nghiệp ra trường, sinh viên có thể đi làm luôn, nhưng với sinh viên trường Y sau khi học tập 6 năm và tốt nghiệp ra trường, đó mới tạm gọi là “xóa mù”.

Theo quy định, bác sĩ sau khi ra trường phải thực hành liên tục tại các cơ sở khám chữa bệnh thêm 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Như vậy, với các bác sĩ thì sự đầu tư học hành là rất nhiều.

Chưa kể, học phí đào tạo ngành y luôn nằm trong top cao và tăng liên tục. Thậm chí có những cơ sở đào tạo học phí lên đến 70 triệu/năm. Vất vả là vậy nhưng nếu được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì bác sĩ hưởng lương, phụ cấp chỉ hơn 4,8 triệu đồng. Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống.

Thực tế này khiến nhiều sinh viên ngành y băn khoăn bởi chế độ đãi ngộ không xứng đáng với thời gian, công sức mà họ đã bỏ ra trong suốt nhiều năm đèn sách.

Chia sẻ với Báo Lao Động, Bạch Đức - sinh viên Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) cho biết, bản thân em có rất nhiều trăn trở về việc nên theo nghề hay không?

"Hiện nay, học phí ngành y rất cao, chúng em chỉ lo áp lực học hành, thi cử nên không có thời gian làm thêm, điều kiện kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.

Thực ra, ai cũng mong muốn đi học để có tương lai và cuộc sống tốt hơn, bố mẹ em cũng vì vậy mà quanh năm suốt tháng làm lụng ở quê gửi tiền lên cho con học tập. Thế nhưng với mức lương ra trường thấp như vậy, em lo cho bản thân còn chưa nổi thì làm sao có thể báo đáp cha mẹ” - Đức thở dài.

Sau khi hoàn thành chương trình học, Bạch Đức vẫn mong mỏi được theo nghề nhưng em sẽ cố làm thêm một nghề khác để trang trải cuộc sống. Đức cũng mong mỏi, thời gian tới sẽ có mức đãi ngộ phù hợp với nhân viên y tế, để các sinh viên chuẩn bị ra trường yên tâm, chuyên tâm học tốt, làm tốt công việc chuyên ngành, không phải nặng gánh mưu sinh.

Còn Lương Quốc Thái - sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội lại có định hướng khác. Thái sẽ hoàn thành chương trình học, nhưng tốt nghiệp xong em sẽ chuyển hướng với những dự định mới.

“Gia đình em có truyền thống làm bác sĩ nên em hiểu được những vất vả trong nghề. Em muốn sau khi ra trường sẽ có mức thu nhập ổn định hơn và có nhiều thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè. Không phải em không yêu nghề, không phải không muốn cống hiến và theo đuổi nhưng hoàn cảnh và điều kiện hiện tại cho thấy em cần ưu tiên lo tốt cho bản thân và cuộc sống của mình trước.

Bản thân em cũng từng băn khoăn, đặt lên bàn cân so sánh những thứ được và mất trước khi quyết định, rất may gia đình hoàn toàn ủng hộ em” - Quốc Thái chia sẻ.

Nuôi nấng niềm tin

Khi được hỏi về định hướng công việc trong tương lai, em Hà Giang - sinh viên Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) đã bày tỏ sự kiên định. Giang cho biết, 6 năm học đại học chỉ là bước đầu, muốn theo nghề phải học thêm 18 tháng lấy chứng chỉ hành nghề, sau đó học tiếp 1-2 năm chuyên khoa. Nhiều năm học tập phải bỏ ra biết bao công sức và tiền bạc, cô nàng quyết tâm bám trụ với nghề.

"Sinh viên ngành y có muôn vàn áp lực, chúng em phải học hành thâu đêm suốt sáng. Có những đêm trực không được ngủ tí nào, hôm sau vẫn phải đi thi. Bản thân em một tuần phải đi trực 1-2 buổi tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện phổi Thái Nguyên. Vừa trực vừa học rất vất vả nhưng sinh viên không đi trực thì không nhận được đồng phụ cấp nào.

Nỗ lực là vậy, em chỉ mong sau khi ra trường mức lương của bác sĩ bằng với mức lương của công nhân là tốt lắm rồi” - Hà Giang cười trừ.

Chia sẻ về ngành nghề bản thân đang theo đuổi, Nguyễn Ngọc - sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, em rất buồn khi đọc thông tin về việc nhiều y bác sĩ nghỉ việc, bỏ nghề vì lương thấp. Nhưng em vẫn quyết tâm theo nghề vì em tin trong tương lai Nhà nước và các bộ ban ngành liên quan sẽ có thêm cơ chế và chính sách để cải thiện đời sống của nhân viên y tế.

Theo Trang Thiều - Phùng Nhung/Laodong.vn

https://laodong.vn/tuyen-sinh/sinh-vien-nganh-y-ra-truong-co-luong-bang-cong-nhan-la-tot-lam-roi-1076696.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này