Hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng Internet an toàn và hiệu quả

19:04 | 04/08/2022
(LĐTĐ) Ngày 4/8, tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) đã diễn ra buổi tập huấn cho giáo viên Tiểu học với nội dung “Hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng Internet an toàn và hiệu quả”. Buổi tập huấn do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFC) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tổ chức với sự tài trợ của Google.
Tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo Tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới

Buổi tập huấn được hỗ trợ bởi dự án “Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google”, nhằm hướng dẫn giáo viên tổ chức hoạt động xây dựng và phát triển năm đặc điểm của một người dùng Internet tuyệt vời cho trẻ, phù hợp với bối cảnh giáo dục Việt Nam (Thông minh, Tỉnh táo, Mạnh mẽ, Tử tế và Can đảm).

Phó Giám đốc Trung tâm CFC Nguyễn Thị Hoàng Anh chia sẻ tại buổi tập huấn.
Phó Giám đốc Trung tâm CFC Nguyễn Thị Hoàng Anh chia sẻ tại buổi tập huấn.

Ngoài ra, buổi tập huấn còn cung cấp cho giáo viên công cụ và phương pháp cần thiết trong việc truyền dạy các kiến thức nền tảng về an toàn kỹ thuật số và công dân số trong môi trường lớp học. Các kế hoạch bài giảng khơi gợi những điểm quan trọng nhất giúp giáo viên thu hút sự tham gia của học sinh, nhằm hướng các em trở thành những công dân thành công trong môi trường mạng toàn cầu an toàn…

Tại buổi tập huấn, Trưởng phòng đào tạo CFC Âu Thị Hồng Ánh cho biết, theo khảo sát “Quan điểm an toàn bảo mật thông tin của người dùng cá nhân tại Việt Nam” có 70% bố mẹ lo lắng về tâm sinh lý, sức khỏe và an toàn của trẻ em khi truy cập Internet. Trong đó, 88% lo lắng về việc trẻ xem nội dung không phù hợp trên mạng, 71% về việc trẻ nhận thông báo từ người lạ, 76% lo ngại những tác động xấu đến sức khỏe.

“Hiểu rõ tầm quan trọng của thói quen công nghệ tốt, năm 2017, Google đã xây dựng và phát triển Chương trình “Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google” và triển khai trên hơn 25 quốc gia. Đây cũng là khóa học giúp trẻ em trang bị những kiến thức cần thiết nhất giúp các em có thể chủ động đối phó với những vấn đề khi truy cập mạng”, bà Âu Thị Hồng Ánh thông tin.

Bà Âu Thị Hồng Ánh cũng cho biết, các quy tắc ứng xử trên môi trường Internet cho trẻ dựa trên 5 phẩm chất của người dùng Internet tuyệt vời bao gồm: Cẩn thận khi chia sẻ (Dùng Internet Thông minh); Đừng rơi vào cạm bẫy (Dùng Internet Tỉnh táo); Bảo vệ bí mật (Dùng Internet Mạnh mẽ); Tử tế thật tuyệt (Dùng Internet Tử tế); Khi nghi ngờ, đừng ngại lên tiếng (Dùng Internet Can đảm).

Với mỗi quy tắc ứng xử sẽ có các hoạt động trải nghiệm như: xem các clip, chơi trò chơi trực tuyến, hoạt động nhóm… Qua đó, giúp các thầy cô có cái nhìn cụ thể, chính xác hơn về các vấn đề như bị xâm nhập vào tài khoản, lừa đảo, bắt nạt trên mạng. Cuối mỗi nội dung, đại diện CFC sẽ đưa ra các phương án, cách giải quyết tốt nhất để giáo viên dễ dàng hướng dẫn và truyền đạt tới học sinh.

Buổi tập huấn được sự hưởng ứng nhiệt tình của gần 100 giáo viên của 20 Trường Tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình.
Buổi tập huấn được sự hưởng ứng nhiệt tình của gần 100 giáo viên của 20 Trường Tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình.

Tại buổi tập huấn, giáo viên đã được tương tác thông qua việc trả lời các câu hỏi khảo sát và nêu ý kiến thảo luận, trao đổi bằng cách đặt các câu hỏi trực tiếp.

Trả lời cho câu hỏi “Giáo viên cần hướng dẫn học sinh như thế nào nếu không may rơi vào cạm bẫy trên Internet?”, Phó Giám đốc Trung tâm CFC Nguyễn Thị Hoàng Anh cho biết: “Giáo viên cần hướng dẫn cho các em biết nói với cha mẹ, thầy cô, hay những người mà em cảm thấy tin cậy để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Bên cạnh đó, nên đổi mật khẩu cho các tài khoản online để tránh lộ các thông tin quan trọng. Ngoài ra, nếu bị rơi vào bẫy của một vụ tấn công mạng hay lừa đảo, hãy thông báo cho bạn bè có liên quan để không là nạn nhân tiếp theo…”.

Để tránh rơi vào các cạm bẫy trên Internet, Phó Giám đốc Trung tâm CFC lưu ý, giáo viên cần hướng dẫn học sinh tra kỹ đường dẫn URL trước khi truy cập, nên truy cập các trang web bảo mật (https://) có biểu tượng ổ khóa và cẩn trọng khi nhận email với đề nghị tốt đến khó tin…

“Ngoài các vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân, giáo viên nên hướng học sinh có thái độ tích cực trên mạng và ngoài đời thực. Bên cạnh đó, biết lan tỏa sự tử tế, tôn trọng quyền riêng tư và ý kiến cá nhân của mọi người xung quanh…”, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh nhắn nhủ.

Tại buổi tập huấn, đại diện CFC cũng đưa ra các gợi ý về bài giảng với đầy đủ nội dụng, thời lượng, kế hoạch, những lưu ý khi giảng dạy để giáo viên có thể tham khảo và thực hiện. Từ đó, mỗi giáo viên sẽ lựa chọn phương án giảng dạy phù hợp để truyền tải tới học sinh một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Tiếp theo chương trình đào tạo này, CFC sẽ tiếp tục phối hợp cùng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức đào tạo trực tuyến cho giáo viên các trường Tiểu học của 8 quận trên địa bàn thành phố Hà Nội và các trường Tiểu học ở Vĩnh Phúc, Hà Nam trong năm 2022.

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này