Giá xăng dầu giảm mạnh, vì sao giá thực phẩm vẫn cao?

11:20 | 04/08/2022
Hơn 1 tháng qua, giá xăng dầu và giá lợn hơi - hai mặt hàng chiếm tỉ trọng khá lớn trong “rổ” hàng hóa tác động đến chỉ số giá tiêu dùng - đã liên tiếp được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, giá hàng hóa, thực phẩm vẫn “cố thủ” ở mức cao vô lý khiến công nhân, người lao động nghèo loay hoay với bài toán chi tiêu.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tăng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh Tác động của việc tăng giá xăng dầu và dự báo những tháng cuối năm 2022
Giá xăng dầu giảm mạnh, vì sao giá thực phẩm vẫn cao?

Nguồn cung dồi dào, nhưng giá thực phẩm vẫn ở mức cao. Ảnh: Kh.V

Công nhân, lao động tự do “méo mặt” với giá thực phẩm

Cầm trên tay bó rau muống, chị Nguyễn Lan Chi - 30 Phạm Thận Duật (Hà Nội) thở dài: “Rau xanh đắt giá gấp đôi, dù thời tiết đang phù hợp với rau mùa hạ. Bó rau này trước chỉ 7.000 đồng thì nay đã tăng lên 15.000 đồng. Dù đang đúng vụ, nhưng các loại rau mùa hè như: Mướp, mồng tơi, dền, ngót, lặc lè, bầu, bí… đều tăng giá khét lẹt, có loại giá cao gấp 3 lần”.

Chị Nguyễn Lan Chi cho hay, hai vợ chồng chị đều là giáo viên đã nghỉ hưu, tổng lương mỗi tháng của 2 người khoảng 12.000.000 đồng nhưng chi tiêu cho 3 người trong gia đình khá chật vật.

“Mỗi ngày chi cho ăn uống 3 bữa cho 3 người đã hết 300.000 đồng. Mỗi tháng hết gần chục triệu, còn 2.000 đồng dành cho thuốc men, giao thông và chi tiêu cá nhân… tháng nào hết tháng đó, chẳng dư được đồng nào” - chị Chi chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hương - phụ bán quần áo tại phố Trần Vỹ (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay, suất lương 6.000.000 đồng của chị hầu như không đủ chi tiêu cho 2 mẹ con.

“Chi cho thực phẩm đều tốn gấp đôi so với trước, mẹ con tôi phải tính toán chi li lắm mới không thiếu hụt. Tần suất đậu, lạc được tăng cường, tần suất thịt phải giảm xuống mới đủ” - chị Hương nói.

Chị Đường Kiều Anh - số 1 Đặng Như Mai (Vinh, Nghệ An) cũng cho hay, trong khi việc kinh doanh bị sa sút vì phần lớn người tiêu dùng đều “thắt lưng buộc bụng” trong “bão” lạm phát, thu nhập của chị giảm, nhưng chi phí gia đình lại tăng cao.

Theo Bộ Công Thương, trong 40 ngày qua, giá xăng dầu đã giảm liên tiếp tại 4 kỳ điều hành gần nhất, đưa giá xăng RON 95 đang từ mức gần 33.000 đồng/lít giảm về 25.608 đồng/lít. Cùng với đó, giá dầu hỏa cũng giảm còn 24.533 đồng/lít, dầu mazut còn 16.548 đồng/kg.

Cùng với việc giảm giá xăng dầu, giá lợn hơi cũng đã giảm khá mạnh 5-6 giá so với 1 tháng trước. Khảo sát của PV Lao Động cho thấy, ngày 3.8.2022, giá thực phẩm vẫn ở mức rất cao dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 4 lần. Điều đáng nói là, dù giá lợn hơi đã được điều chỉnh giảm khoảng 4.000-6.000 đồng/kg, nhưng giá thịt lợn tại các chợ vẫn cố thủ ở mức cao, bán ra ở mức từ 110.000-160.000 đồng/kg tùy loại.

Việc thịt lợn giữ ở mức cao khiến giá các loại thịt gia súc, gia cầm cũng “ăn theo” giá thịt lợn, ở mức cao: Thịt gà ta nguyên lông giá 150.000-170.000 đồng/kg tùy loại, đắt hơn trước 10.000 đồng/kg; thịt cánh và đùi gà công nghiệp: 100.000 đồng/kg, đắt hơn trước 20.000 đồng/kg; thịt bò: 280.000 - 330.000 đồng/kg; cá trắm con trên 5kg cắt khúc: 120.000 đồng/kg, cỡ nhỏ: 100.000 đồng/kg; cá biển cũng cao hơn trước khoảng 10.000 đồng/kg: Bạc má, nục: 110.000 đồng/kg; chim vàng anh: 190.000 đồng/kg…

Không riêng gì giá thực phẩm, giá lương thực, hoa màu (khoai, ngô, sắn) cũng tăng cao, trong đó giá gạo tăng khoảng 10.000 đồng/yến; khoai lang tăng 5.000 đồng/kg; ngô: tăng 1.000 đồng/bắp…

Giá thực phẩm đắt do nguồn cung sụt giảm?

Trao đổi với PV Lao Động, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến khẳng định: Hoàn toàn không thiếu rau xanh, thực phẩm cung ứng cho thị trường, thậm chí sản lượng sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 còn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

“Trong 7 tháng qua, chăn nuôi đàn bò, lợn và gia cầm tiếp tục tăng. Trong đó, đàn bò ước tăng khoảng 2,6%; đàn lợn tăng 4,8% và đàn gia cầm tăng 1,6%; riêng đàn trâu các năm trước giảm 2,2 thì năm nay tốc độ giảm kìm lại 1 nửa, chỉ giảm khoảng 1,1%. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5.003,1 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 2.730,6 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hoàn toàn không thiếu thịt lợn cho người dân sử dụng từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, bởi tổng đàn lợn đang tăng.

“Năm nay, chúng ta cũng phấn đấu trên 51 triệu con lợn thương phẩm. Như vậy, cả thịt lợn, thịt bò, thịt trâu… đều giữ được nhịp tăng trưởng phục vụ người tiêu dùng. Dự kiến năm nay cả nước sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt các loại; 18,4 tỉ quả trứng và trên 1,3 triệu tấn sữa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 98 triệu dân” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định. Theo Bộ NNPTNT, mỗi năm ngành NN sản xuất được khoảng 43 triệu tấn thóc. Với số lượng này, ngành NN hoàn toàn đảm bảo cung ứng cho 98 triệu dân (khoảng 14 triệu tấn gạo); dành cho chế biến: 7,5 triệu tấn; giống: 1 triệu tấn; chăn nuôi: 3,4 triệu tấn; dự trữ: 3 triệu tấn.

* Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm: Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý.

Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu báo cáo phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu; rà soát và triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí nhằm tiếp tục giảm giá sách giáo khoa, đảm bảo cung cầu thịt lợn, đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

* Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân lợi dụng biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa để thu lời bất chính; kịp thời tổng hợp, báo cáo về biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế, qua đó có những đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá.

* Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart: Co.opmart đang thực hiện chương trình siêu ưu đãi giảm giá mạnh nhiều mặt hàng. Trong đó, thực phẩm tươi sống giảm từ 15- 20%, tập trung vào các mặt hàng rau củ quả trong nước và nhập khẩu, thủy hải sản, thịt lợn...

* Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam: Hàng chục sản phẩm thực phẩm tươi sống bao gồm: Thịt, cá, hải sản, rau củ và trái cây tiếp tục được hệ thống đại siêu thị GO!, BigC của Central Retail áp dụng giảm giá 10% trong khuôn khổ chương trình “Chợ sớm giảm sung” - áp dụng từ khi mở cửa siêu thị tới 10h sáng, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần.

Long Vũ

Theo Phong Nguyễn/Laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/gia-xang-dau-giam-manh-vi-sao-gia-thuc-pham-van-cao-1076707.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này