Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Lê Đình Hùng:

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để Công đoàn tiến hành khởi kiện đơn vị nợ BHXH

17:16 | 03/08/2022
(LĐTĐ) Nhấn mạnh tình trạng nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm của các đơn vị sử dụng lao động đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và quyền lợi người lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng, việc này còn ảnh hưởng không tốt đối với dư luận xã hội về chính sách BHXH.
Liên ngành Công an - BHXH thành phố Hà Nội: Hợp tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm Hà Nội: Thu hồi 134,9 tỷ đồng sau thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

Trao đổi tại Hội nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về thực hiện chính sách BHXH, BHYT Thành phố 5 tháng cuối năm 2022 diễn ra ngày 3/8, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh: BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để Công đoàn tiến hành khởi kiện đơn vị nợ BHXH
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh: Nợ đọng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Theo ông Lê Đình Hùng, thời gian qua, tổ chức Công đoàn với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đã luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để đoàn viên, người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN được hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, quyền lợi của mình.

Theo đó, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đã đề xuất một số giải pháp để đảm bảo việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BHXH, hạn chế thấp nhất hậu quả, thiệt hại gây ra.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực BHXH, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất. Bổ sung chế tài và thực hiện nghiêm các chế tài đã có đối với các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH. Nghiên cứu, đề xuất tăng mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính về BHXH phù hợp với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là đối với một số hành vi thường xuyên diễn ra hiện nay như: Trốn đóng, chậm đóng BHXH của chủ sử dụng lao động.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng một số biện pháp cứng rắn như: Công khai việc nợ đọng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, không cho các đơn vị nợ đọng BHXH tham gia đấu thầu, thi công các dự án...

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH theo hướng: Đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” trong việc kê khai, thu, nộp BHXH; giảm tối đa phiền hà và chi phí tuân thủ thủ tục cho người sử dụng lao động trong việc kê khai và nộp BHXH cho người lao động; xây dựng cơ chế để người dân giám sát hoạt động thu, chi và quản lý quỹ BHXH; chuẩn hóa các quy định, quy trình nghiệp vụ bảo hiểm thống nhất, đồng bộ, liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu, tạo thuận lợi để người lao động có thể theo dõi, giám sát việc thu và nộp quỹ BHXH.

Thứ ba, cần đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành chức năng, đặc biệt là cơ quan BHXH và các cơ quan thông tin truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, các Điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự; thủ đoạn phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH cũng như hệ thống chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đến người lao động và người sử dụng lao động với nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, để người lao động cũng như người sử dụng lao động thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chấp hành quy định pháp luật về BHXH.

Thứ tư, cơ quan BHXH các cấp cần chú trọng việc mời đại diện cơ quan Công an tham gia các Đoàn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra về việc thực hiện quy định pháp luật về BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động. Từ đó tạo tiền đề trong việc trao đổi, cập nhật thông tin, chính sách, pháp luật về BHXH, thủ đoạn phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH giữa cơ quan Công an với cơ quan BHXH, phục vụ việc phòng ngừa, ngăn chặn cũng như phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Thứ năm, cơ quan BHXH các cấp cần chỉ đạo các phòng chuyên môn chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an về các vụ việc vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực BHXH phát hiện được trong quá trình thực hiện nghiệp vụ của ngành. Trường hợp cần thiết, theo yêu cầu có thể cử cán bộ tham gia phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của ngành Công an trong việc phân loại, điều tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH./.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết: Tính đến thời điểm này, tổ chức Công đoàn đã nhận được 592 hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng BHXH với số tiền nợ 475,6 tỷ đồng và có 175 hồ sơ Công đoàn khởi kiện đã được chuyển sang Tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý. Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức Công đoàn đã có 114 đơn vị, doanh nghiệp tự giác nộp số tiền trên 108 tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH. Tuy nhiên, số được thụ lý và khởi kiện không đáng kể. Phần còn lại chưa thực hiện bởi những vướng mắc về mặt pháp lý.

Những khó khăn, vướng mắc trong khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiện chịu chi phối của 4 bộ Luật hiện hành, gồm: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên Tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý.

Cụ thể, có luật thì quy định Công đoàn cơ sở được khởi kiện, có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động. Trong khi đó, có những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động. Do đó, khi Công đoàn tiến hành khởi kiện, nộp hồ sơ, nhưng nhiều nơi Tòa án từ chối thụ lý vụ án.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này