Sửa Luật Công chứng: Đảm bảo an toàn cho các hợp đồng và giao dịch

07:58 | 04/08/2022
(LĐTĐ) Cho phép sử dụng bản sao giấy tờ đối với một số trường hợp công chứng cụ thể, bổ sung quy định về văn phòng công chứng (VPCC) hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, quy định thủ tục thành lập và quản lý hoạt động của VPCC chặt chẽ, kiên quyết loại bỏ tình trạng chủ đầu tư sở hữu và thao túng hoạt động của VPCC... là những điểm mới được đề xuất trong dự thảo Luật Công chứng sửa đổi.
Để Luật Công chứng sửa đổi đi vào cuộc sống Đề xuất cho phép công chứng trên môi trường điện tử Loại bỏ tình trạng chủ đầu tư sở hữu và thao túng hoạt động của Văn phòng công chứng

Chấm dứt việc “mượn danh” công chứng viên

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định vừa chủ trì phiên thẩm định đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

Theo Tờ trình, Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Sửa Luật Công chứng: Đảm bảo an toàn cho các hợp đồng và giao dịch
Việc sửa đổi Luật Công chứng nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động này phát triển. Ảnh: VGP

Đó là việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng chưa bảo đảm yêu cầu phân bố hợp lý. Các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì số lượng VPCC vượt quá so với nhu cầu trong khi các địa bàn vùng sâu, vùng xa thì không thành lập được VPCC.

Đồng thời, việc VPCC chỉ được hoạt động theo một loại hình duy nhất là công ty hợp danh, trong đó phải có ít nhất 2 thành viên hợp danh là công chứng viên đã bộc lộ hạn chế trong việc “miễn cưỡng” hợp danh vì không còn sự lựa chọn nào khác, làm phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ giữa các thành viên hợp danh.

Mặt khác, về danh nghĩa các VPCC hoạt động theo loại hình công ty hợp danh nhưng trên thực tế có không ít VPCC chỉ có 1 công chứng viên hành nghề thực tế, những công chứng viên hợp danh còn lại thực chất là “mượn danh”, “đi thuê”…

Bên cạnh đó, đồng thời tồn tại việc công chứng, chứng thực đối với các giao dịch, hợp đồng nhưng có quy định khác nhau về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện công chứng, chứng thực, có nguy cơ tạo rủi ro cho việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng được công chứng, chứng thực.

Trong khi đó, hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch về bản chất chính là hoạt động công chứng. Văn bản chứng thực có giá trị sử dụng như văn bản công chứng. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục chứng thực lại đơn giản hơn nhiều so với công chứng, người thực hiện chứng thực có các tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm thấp hơn hẳn so với công chứng viên. Tình trạng này tạo ra sự bất hợp lý khi duy trì hai loại hình hoạt động có cùng bản chất, giá trị nhưng lại có hai tên gọi khác nhau, do các chủ thể khác nhau thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau.

Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch còn quy định cứng nhắc, chưa tạo tiền đề trong việc công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử. Việc công chứng hợp đồng ủy quyền còn bị hạn chế bởi nơi cư trú của các bên trong hợp đồng, giao dịch hoặc quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội của bản dịch trong khi công chứng viên không có đủ khả năng kiểm soát về vấn đề này...

Tháng 3 vừa qua, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành và Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, yêu cầu giám sát việc các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách Nhà nước.

Trong thực tế, cũng xảy ra không ít vụ việc do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của công chứng viên mà đã tiếp tay cho các vi phạm pháp luật dân sự, hình sự, nhất là trong công chứng các giao dịch liên quan đến bất động sản... Điều này cho thấy, cần sửa Luật để có hành lang pháp lý chặt chẽ quản lý hoạt động này.

Sửa đổi 5 nhóm chính sách lớn

Theo Tờ trình của Bộ Tư pháp, về cơ bản, nội dung dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy tác dụng trong thực tiễn công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng.

Dự kiến Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 44 điều, bổ sung mới 3 điều trên tổng số 84 điều, tập trung giải quyết 5 nhóm chính sách lớn. Cụ thể là xác định lại khái niệm, nội hàm hoạt động công chứng, hành nghề công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên đúng với vai trò, bản chất của hoạt động này. Xây dựng đội ngũ công chứng viên và nhân viên nghiệp vụ có chất lượng cao, có số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển bền vững.

Đồng thời, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng phù hợp với nhu cầu, số lượng và sự phân bố công chứng viên, có mô hình tổ chức hoạt động phù hợp với tính chất của hoạt động công chứng và yêu cầu thực tiễn, có đủ năng lực để thực hiện tốt chức năng hỗ trợ quá trình hành nghề của công chứng viên.

Dự thảo Luật sẽ quy định linh hoạt hơn về trình tự, thủ tục nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của hoạt động công chứng nội dung; tạo lập nền tảng pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng phù hợp với xu thế và yêu cầu của thời kỳ mới. Luật sửa đổi cũng hướng tới nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công chứng, phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Mở rộng cơ hội lựa chọn và thay đổi tên gọi cho VPCC

Trong đó, Dự thảo Luật xác định rõ nguyên tắc, những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng thì Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã không chứng thực hợp đồng, giao dịch nữa mà do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.

Một trong những sửa đổi quan trọng được Dự thảo Luật hướng tới là bổ sung quy định loại hình VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, khắc phục vướng mắc thực tiễn trong nội bộ của không ít các VPCC hiện nay. Đồng thời, mở rộng cơ hội lựa chọn và thay đổi tên gọi của VPCC, quy định thủ tục thành lập và quản lý hoạt động của VPCC bảo đảm chặt chẽ, sát sao để VPCC thực sự là của công chứng viên, kiên quyết loại bỏ tình trạng chủ đầu tư sở hữu và thao túng hoạt động của VPCC...

Dự thảo cũng đề xuất cho phép sử dụng bản sao giấy tờ đối với một số trường hợp cụ thể như sử dụng bản sao trích lục và bản sao chứng thực của giấy khai sinh, giấy chứng tử, giấy đăng ký kết hôn (một số trường hợp cụ thể) trong các giao dịch về thừa kế, tặng cho…; sử dụng bản sao chứng thực đối với chứng minh thư nhân dân, giấy xác minh nhân khẩu để chứng minh số chứng minh thư nhân dân cũ, hộ khẩu thường trú trong quá khứ... nhằm tạo thuận lợi hơn cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính./.

Theo Bộ Tư pháp, trong 7 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng. Tổng số phí công chứng thu được hơn 13 nghìn tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 2 nghìn tỷ đồng; nộp thuế và nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,3 nghìn tỷ đồng. Chiếm tỷ lệ đáng kể (từ 70-80%) số việc công chứng và giá trị phí, thù lao công chứng nêu trên là các việc công chứng hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, bất động sản và tài sản quan trọng khác. Qua đó bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đối với những tài sản có giá trị lớn. Đến nay, cả nước có 3.074 công chứng viên, 1.298 tổ chức hành nghề công chứng. Hiện tại, tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có VPCC theo chủ trương xã hội hóa.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này