Mênh mang vẻ đẹp rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành

09:18 | 04/08/2022
(LĐTĐ) Rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành (thuộc tỉnh Đồng Nai) xấp xỉ 10.000 ha, được ví như “lá phổi xanh” mang đậm đặc trưng sông nước Đông Nam Bộ. Rồi đây, khi sân bay quốc tế Long Thành vận hành, cầu Cát Lái nối đôi bờ thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) - Nhơn Trạch (Đồng Nai) hình thành, hệ thống cao tốc quốc gia tỏa nhánh về cả 3 tỉnh, thành nói trên để tạo nên các đô thị với các tòa nhà chọc trời, khi đó vùng rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành sẽ trở thành “báu vật” không dễ nơi đâu có được.
Cà Mau: Tan hoang rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước Rú Chá - rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm trên phá Tam Giang Chung tay giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Bức tranh thủy mặc giấu kín

Từ bến cá Rạch Mới thuộc xã Phước An, huyện Nhơn Trạch - cách thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) khoảng 40 km, phóng viên Báo Lao động Thủ đô theo chiếc vỏ lãi (xuồng nhỏ) để đi vào lõi rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành. Tầm 9 giờ sáng, nước bắt đầu dâng và từ con rạch này, ghe thuyền mới có thể len lỏi qua những vùng nước sâu xen rừng cây bần, đước, dừa nước.

Mênh mang vẻ đẹp rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành
Rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành nơi lữu giữ vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn.

Phải mất khoảng 15 phút, chiếc vỏ lãi chở chúng tôi mới len lỏi qua hệ thống sông Vàm Mương, kênh Ngay, tắc Bà Vệ, rạch Tràm bao quanh bởi cây lá rậm rạp, chỉ có bóng chim tăm cá và sắc trời mây nước hòa quện một màu, trông như một bức tranh thủy mặc giấu kín.

Đập vào mắt chúng tôi là cảnh sông nước mênh mông, những rừng cây bạt ngàn tĩnh lặng. Hai bên bờ là hệ thống rễ cây chằng chịt, như những bàn tay bám chặt, cắm sâu vào vùng đất sình lầy ngập mặn. Thỉnh thoảng vài chú cò, chú két bay vọt lên do có tiếng động của vỏ lãi. Phía dưới nước là các loài sinh sống ở bùn lầy, khi có tiếng động của chiếc vỏ lãi bỗng trở nên nhộn nhạo, tán loạn. Trên bờ, từ phía lòng sông, ánh nắng đầu ngày rọi xuống, hắt tỏa vào những thân cây rừng nguyên sinh cao vút, tán tỏa rộng.

Ông Võ Văn Chánh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện là Bí thư Thành ủy thành phố Biên Hòa cho biết: Việc Đồng Nai có rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành là điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp trong ngoài nước đến đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển du lịch rừng, đồng thời cần chú trọng vấn đề môi trường sinh thái ngay từ quy hoạch ban đầu.

Giữa rừng và sông nước bao la, chúng tôi cập vào một trạm bảo vệ rừng và thật may mắn khi được “đón tiếp nồng nhiệt” bởi đàn khỉ hơn 50 con, chúng “dòm ngó”, la hét, chạy quanh. Đây là bầy khỉ được tổ nhân viên bảo vệ rừng gây nuôi, ghép đàn nuôi dưỡng hơn chục năm nay, trong đó có con đang mang thai và nhiều con nuôi con nhỏ… Cứ sáng sớm, chúng “mất tích” giữa hàng chục ngàn ha rừng thuộc địa bàn hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành, đến chiều gần tới bữa ăn lại trở về quậy phá “từng bừng” giữa “vương quốc” sông nước.

“Chúng tôi gắn bó với rừng đặc dụng và sông nước vùng này hàng chục năm, nhiều khi rất cô đơn vì có khi cả tuần không thấy bóng người, chỉ có mấy anh em với nhau, nhưng bù lại cũng cảm thấy hạnh phúc vì không khí ở đây trong lành vô tận. Tất cả đẹp như một bức tránh thủy mặc…”, anh Lê Đăng Khánh, nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành đi cùng chúng tôi, mở lòng.

Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho biết: Rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành mang nhiều tiềm năng phát triển du lịch, bởi hệ thống các dòng sông rất đẹp kết nối khu vực này với cả thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Bà Rịa - Vũng Tàu. Hệ sinh thái cây rừng cũng rất đa dạng, nhiều tầng tán, uốn lượn quanh các dòng sông hoang dã “đẹp như tranh”. Về động vật, nơi đây có khoảng 20 loài thú, 100 loại chim, hơn 30 loài bò sát, hơn 100 loài nhuyễn thể, giáp xác, cá...

Theo quy hoạch, rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành sẽ là “lá phổi xanh” trong quy hoạch vùng đô thị “tam giác vàng” (khu vực thuộc tỉnh Đồng Nai nằm tiếp giáp với TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu). Trước mắt nơi đây sẽ hình thành một chuỗi các điểm tham quan du lịch sơ khai như hệ thống những căn nhà lá để du khách nghỉ ngơi; các làng bè nuôi các loại cá, tôm, hàu của vùng bản địa; các điểm tưởng niệm hoạt động của lực lượng đặc công xưa; khu đảo khỉ; dịch vụ du ngoạn thăm thú sông nước…

Ra sức giữ rừng

Rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành là nơi “hội tụ” của nhiều nhánh sông như sông Thị Vải, Đồng Tranh, Đồng Kho, Lòng Tàu… Vì thế khu vực xung quanh rừng ngập mặn này không chỉ là nơi tập kết để tàu thuyền ra vào, nơi tập kết hải sản từ những chuyến đánh bắt của ngư dân mà còn là nơi lập đùng nuôi tôm cá và là nơi giữ vai trò nguồn thủy sinh, bồi đắp phù sa, ngăn xói mòn, chống xâm nhập mặn, “lá phổi xanh” làm sạch môi trường tự nhiên cho cả khu vực rộng lớn của huyện Long Thành và Nhơn Trạch.

Vì thế việc giữ rừng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trao đổi với phóng viên, anh Hà Duy Cường, Trưởng Phân trường Phước An, huyện Nhơn Trạch cho biết: Rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành có diện tích nguyên sinh trước đây lên đến đến gần 10.000 ha. Trong quá trình phát triển kinh tế, một số vùng phù hợp được giao khoán cho người dân cùng canh tác trồng cây tăng thu nhập, đắp đầm nuôi thủy hải sản kết hợp bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó do biến đổi khí hậu, nước thải công nghiệp và khai thác rừng không đúng mục đích nên một phần diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm. Công tác giữ rừng gặp không ít gian nan do lực lượng mỏng, đặc thù địa hình phức tạp, mức thu nhập của lực lượng bảo vệ rừng chưa cao. Trước thực trạng này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhơn Trạch - Long Thành đã triển khai nhiều biện pháp giữ rừng, trong đó có trồng mới. “Phải yêu nghề, yêu quý thiên nhiên và có sức khỏe mới trụ lại với nơi đây được”, anh Cường cũng chia sẻ.

Anh Đào Ngọc Đức, một cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho hay: Rất cần sự chung sức chung lòng của người dân bản địa - “mối dây liên hệ” với những ngư dân trên sông. Chính họ sẽ tạo sự gắn bó hơn nữa trong việc giữ rừng, giữ lấy màu xanh thiên nhiên, sông nước quê hương.

Cách đây gần chục năm, đề án trồng rừng phòng hộ đã được tỉnh Đồng Nai phê duyệt, sau đó Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhơn Trạch - Long Thành đã phối hợp với Trường đại học nông lâm TP.HCM nghiên cứu, thử nghiệm và trồng mới nhiều diện tích rừng với 3 giống cây là bần, mắm, đước. Đến hiện tại có hơn 50 ha rừng đã được trồng dặm tại các vị trí đất bồi đắp, cây bị chết, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện đang triển khai một số dự án có sử dụng đất rừng là cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cảng Phước An… Giữa tháng 6/2022, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi và Đoàn công tác đã đi kiểm tra các khu vực sẽ trồng rừng thay thế cho các dự án có sử dụng đất rừng tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhơn Trạch - Long Thành phối hợp với địa phương, chủ đầu tư lên phương án trồng rừng thay thế, bù lại diện tích đất rừng phải chuyển mục đích triển khai các dự án công trình. Dự kiến khu vực có thể trồng rừng thay thế cho các dự án trên là diện tích đất lâm nghiệp thuộc rừng ngập mặn trên hai huyện Long Thành - Nhơn Trạch. Diện tích cần trồng rừng thay thế gần 10ha./.

Cẩm Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này