Đến lúc phải siết lại các cuộc thi nhan sắc

08:54 | 02/08/2022
(LĐTĐ) Năm 2022, chứng kiến sự bùng nổ của hàng chục cuộc thi hoa hậu, hoa khôi chưa từng có trong lịch sử kể từ khi Nghị định 144/2020 NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được thực thi.
Bí mật động trời chưa tiết lộ từ các cuộc thi nhan sắc Hoa hậu Hoàng Kim lần đầu làm giám khảo tại cuộc thi nhan sắc

Cuộc thi nhan sắc mọc lên như nấm sau mưa

Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn ra đời đã tạo cơ chế thông thoáng cho các cuộc thi về nhan sắc. Theo đó, Nghị định 144 không quy định thí sinh dự thi người đẹp phải là nữ và có vẻ đẹp tự nhiên; không giới hạn cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm; cũng như cho phép công dân Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế mà không cần Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép.

Đến lúc phải siết lại các cuộc thi nhan sắc
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Những quy định mới này được đánh giá là có sự cởi mở hơn cho cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều người lo lắng và có không ít băn khoăn. Bởi khi quá nhiều cuộc thi nhan sắc sẽ gây ra tình trạng “loạn” các cuộc thi hoa hậu, “loạn” danh hiệu, danh xưng hoa hậu.

Thực tế đúng là sau khi Nghị định này được thực hiện từ năm 2021, năm 2022, đã có hàng chục cuộc thi nhan sắc nổ ra như nấm mọc sau mưa. Tính từ đầu năm tới nay có rất nhiều cuộc thi hoa hậu đã tổ chức và công bố tổ chức như: Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Miss Fitness Vietnam... Đó còn chưa kể các cuộc thi hoa khôi, người đẹp khác.

Nhiều năm trước đây, vì chỉ có cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa Hậu Hoàn vũ Việt Nam được tổ chức đã tạo nên uy tín và sự đón đợi của khán giả. Những hoa hậu “đời đầu” luôn được mọi người biết đến và yêu mến. Họ là những người đẹp đã khẳng định được tài năng, trí tuệ và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng. Nhưng hiện tại, khi có quá nhiều cuộc thi nhan sắc, đã khiến cho danh hiệu hoa hậu trở nên tầm thường chứ không còn cao quý như trước. Nhiều người bày tỏ lo ngại với thực tế khi nhiều người đẹp đi thi chỉ để lấy tiền, lấy danh.

Tăng cường hậu kiểm, xử lý triệt để vi phạm

Liên quan đến việc có quá nhiều cuộc thi nhan sắc được tổ chức hiện nay, tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2022 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch diễn ra mới đây, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Thời gian qua, đúng là các cuộc thi có gần nhau vì sau dịch Covid-19, các cuộc thi người đẹp, hoa hậu, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị ngưng trệ do dịch đồng loạt được tổ chức trở lại. Qua rà soát, thu thập thông tin trong năm 2022, cả nước sẽ có khoảng 25 cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức, trong đó, Đà Nẵng là địa phương có nhiều cuộc thi nhất (12/25 cuộc thi, chiếm 48%), có 8 cuộc thi được điều chỉnh thời gian từ năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19, 3 cuộc xin thôi không tổ chức. Tức là chỉ có 14 cuộc được chấp thuận mới”.

Theo Nghị định 144, việc tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu được phân cấp về địa phương để chính quyền quản lý toàn diện từ cấp văn bản chấp thuận đến kiểm tra, xử lý vi phạm. Từ khi ban hành, Nghị định 144 mới thực hiện được 18 tháng, tuy vậy, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều tình huống khác nhau ở các địa phương.

Để giải quyết những hạn chế, lộn xộn của các cuộc thi hoa hậu hiện nay, với vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch... các tỉnh, thành phố trên cả nước xử lý những trường hợp vi phạm, hướng dẫn tháo gỡ điểm nghẽn trong việc thực hiện triển khai văn bản quy phạm pháp luật trong các hoạt động này. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng yêu cầu các Sở này phải thông báo công khai, đăng thông tin trên trang thông tin của Sở. Ngày 25 hằng tháng gửi báo cáo về Cục để Cục nắm tình hình và xử lý các vấn đề phát sinh về các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được chấp thuận tổ chức tại địa phương mình, trong đó có các cuộc thi người đẹp. Thông tin này cũng được đăng công khai lên trang web của Cục để người dân, doanh nghiệp tiện theo dõi, giám sát.

Lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng thông tin, mặc dù tạo sự thông thoáng nhưng Nghị định 144 cũng nêu rõ quy định về điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi, điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi cũng như thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi nếu vi phạm các điều khoản có trong Nghị định. Đặc biệt, Nghị định cũng đề cao vai trò của công tác hậu kiểm, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm thanh tra và có chế tài kiểm tra, xử lý vi phạm một cách triệt để.

“Đơn vị tổ chức buộc phải cam kết thực hiện đúng theo đề án xin cấp phép và kiên quyết xử lý khi có vi phạm để ngăn chặn triệt để chuyện tái phạm. Chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhằm tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị định để từ đó có căn cứ đưa ra những tham mưu, đề xuất điều chỉnh Nghị định cho phù hợp. Hiện nay chúng tôi đã phối hợp kiểm tra tại Hà Nội và Đà Nẵng, sắp tới tiến hành ở thành phố Hồ Chí Minh”, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho hay./.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này