TP.HCM chuẩn bị 3 kịch bản ứng phó dịch sốt xuất huyết

18:54 | 27/07/2022
(LĐTĐ) Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Trước tình hình đó, ngành y tế Thành phố lên 3 kịch bản ứng phó với dịch sốt xuất huyết.
TP.HCM ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Bộ Y tế: "Sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng" Ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, TP.HCM chuẩn bị kịch bản ứng phó thế nào?

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Luỹ tính đến ngày 27/7, Thành phố ghi nhận hơn 32.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 293% với cùng kỳ năm 2021 và tăng 122,7% so với giai đoạn 2016-2020.

Về số ca tử vong, lũy tính hết ngày 26/7, Thành phố ghi nhận 16 ca tử vong do sốt xuất huyết, tăng 13 ca so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, huyện Củ Chi là địa phương có số ca tử vong nhiều (4 trường hợp), tiếp đến là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh (mỗi địa phương có 2 ca). Các quận 6, 7, 8, 11, 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn và thành phố Thủ Đức có 1 ca.

Để chủ động trong công các thu dung, điều trị sốt xuất huyết, ngành y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn theo 3 kịch bản: Dưới 2.000 ca, từ 2.000-4.000 ca và từ 4.000-6.000 ca đang điều trị tại cơ sở y tế nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực tiếp nhận, chăm sóc điều trị, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong so sốt xuất huyết.

"Đối với các ca tử vong do sốt xuất huyết, Sở Y tế Thành phố đã thành lập hội đồng chuyên môn họp rút kinh nghiệm từng trường hợp cụ thể đồng thời họp các chuyên gia nhằm xây dựng phác đồ điều trị sốt xuất huyết trên thai phụ, có kế hoạch kiểm tra công tác chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập, ngoài công lập, đặc biệt là các phòng khám tư nhân", ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm.

TP.HCM chuẩn bị 3 kịch bản ứng phó dịch sốt xuất huyết
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM. Ảnh: SYT

Khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho thấy, gần 20% hộ dân trên địa bàn Thành phố vẫn có lăng quăng trong nhà, tỉ lệ có lăng quăng ở các địa điểm có người quản lý và không có người quản lý trực tiếp xấp xỉ 50%. Điều này cho thấy, dù ngành y tế và UBND các cấp đã có những động thái quyết liệt ra quân kiểm soát nơi sinh sản của muỗi sốt xuất huyết nhưng một bộ phận người dân và cả các cơ quan, tổ chức vẫn chưa quan tâm đúng mức.

Trong buổi giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM mới đây, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM cho rằng, mặc dù hệ thống y tế cơ sở, hệ thống điều trị tại các bệnh viện, điều kiện chăm sóc bệnh nhân đều rất tốt và có sự chuẩn bị kịch bản chặt chẽ nhưng vẫn có đến 16 ca tử vong, trên 500 ca chuyển nặng trên địa bàn. Vì vậy, phải đặc biệt quan tâm, tìm các biện pháp để người dân coi trọng hơn về tình hình dịch bệnh này. Bên cạnh đó, hiện nay cứ trung bình 10 hộ kiểm tra bất chợt thì có 6 hộ có vật chứa nước, trong đó có 2 hộ có lăng quăng. Ngoài việc cho viết cam kết thì phải quay lại kiểm tra những hộ này, tiếp tục tái phạm sẽ xử lý nghiêm.

Cứu sống nhiều trẻ em mắc sốt xuất huyết

BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống nhiều trẻ nguy kịch dưới 1 tuổi do mắc sốt xuất huyết. Tất cả đều mắc sốt xuất huyết nặng và được nhập viện trong tình trạng nguy kịch do không được phát hiện kịp thời.

Bác sĩ guyễn Minh Tiến cảnh báo, sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, các biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ có thể không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục, kèm ho sổ mũi, hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói,… Điều này dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng… Chính vì vậy phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác để có hướng điều trị thích hợp cho trẻ.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này