Mệnh lệnh từ trái tim

07:34 | 27/07/2022
(LĐTĐ) Những ngày này, từ Trung ương đến địa phương đã, đang diễn ra nhiều hoạt động tri ân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ để tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập - tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; của những gia đình có công và thương bệnh binh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, tặng quà thương, bệnh binh và người có công tại Hà Nam Mãi ghi nhớ, tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông

Phát biểu gặp mặt thân mật các đại biểu người có công tiêu biểu trong toàn quốc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ tại Văn phòng Trung ương Đảng chiều ngày 23/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Với tầm nhìn chiến lược hết sức sâu sắc và nhân văn, ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.

Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng”.

Mệnh lệnh từ trái tim
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần nắm tay các bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại buổi gặp mặt người có công tiêu biểu toàn quốc diễn ra sáng ngày 20/7. (Ảnh: TTXVN).

Để đất nước được độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia được giữ vững; để mỗi chúng ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay là không biết bao nhiêu máu xương của những người con ưu tú đã anh dũng ngã xuống lòng đất mẹ, vì vậy Tổng Bí thư căn dặn: “Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!".

Còn tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 diễn ra ngày 24/7 tại Hà Nội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do… Người dân Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ, sẽ mãi tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông đã viết nên những bản hùng ca “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mang lại độc lập, hòa bình hôm nay”!

Để triển khai công tác đền ơn, đáp nghĩa có chiều sâu, thực chất và hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên, liên tục với phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.

Mệnh lệnh từ trái tim
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng quà đại diện đại biểu người có công với cách mạng. (Ảnh: ND)

Cùng với đó, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; cập nhật và lưu trữ thông tin về liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công.

Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đến nay, đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 139 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, gần 800 nghìn thương binh, bệnh binh và gần 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 111 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng… Cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực./.

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này